Nguy hiểm sốt mò

Hương Giang 08/12/2020 11:37

Sốt mò là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây ra bởi vi khuẩn Orientia tsutsugamushi, truyền sang người qua ấu trùng mò. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác.

Chỗ mò đốt thường có vết loét.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình vừa tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Bùi Thị T. (Quốc Oai, Hà Nội) bị sốt mò ở giai đoạn nặng, với tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, rối loạn nước điện giải, suy chức năng gan, viêm phổi, sốt cao mê sảng và nôn nhiều. Vậy bệnh sốt mò nguy hiểm như thế nào? Làm thế nào để phát hiện sớm tránh những biến chứng nguy hiểm?

Sốt mò nguy hiểm như thế nào?

Theo các bác sĩ, sốt mò là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây ra bởi vi khuẩn Orientia tsutsugamushi, truyền sang người qua ấu trùng mò. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác. Khi bị mò mang mầm bệnh đốt, người bệnh sẽ ủ bệnh trung bình từ 8-12 ngày. Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý. Sau vài ngày, bệnh phát ra với những triệu chứng như: Sốt cao từ 38 – 40 độ C, sốt liên tục, kéo dài trong khoảng 15-20 ngày, thậm chí tới 27 ngày nếu không điều trị. Trong 1-2 ngày đầu có thể sốt rét run, kèm theo nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.

Các nốt loét đặc trưng của bệnh sốt mò ở những vùng da mềm, ẩm như: Nách, bẹn, bộ phận sinh dục, ngực, cổ, bụng, vành tai hoặc một số ít có thể gặp vết loét ở lưng, mi mắt, rốn, mông. Tổn thương các tạng thường gặp nhất là ở phổi với tình trạng viêm phổi, tràn dịch màng phổi gây suy hô hấp cấp phải hỗ trợ bằng thở máy; gan với tình trạng tổn thương tế bào gan, phải hỗ trợ bằng lọc máu liên tục và thay huyết tương; bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não…

Đặc điểm của nốt loét là không đau, không ngứa; người bệnh thường chỉ có một nốt, hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 1mm- 2 cm. Nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục, sau 4 - 5 ngày vỡ ra. Xuất hiện hạch cùng lúc với sốt hoặc sau khi sốt 2- 3 ngày tại khu vực nốt loét, khi sờ vào thường có cảm giác sưng và đau.

Cùng với hạch còn có hiện tượng nổi ban sau khi sốt khoảng 1 tuần. Ban mọc khắp người, trừ lòng bàn tay bàn chân, tồn tại vài giờ đến 1 tuần. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân sẽ có biểu hiện như: Tiếng tim mờ, huyết áp thấp, mạch chậm so với nhiệt độ, chảy máu cam, viêm phế quản, viêm phổi không điển hình...

Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, do rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác, sốt mò thường bị chẩn đoán nhầm. Sốt mò không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định, biểu hiện của sốt mò rất giống với các bệnh lý nhiễm khuẩn khác nên dễ nhầm và bỏ sót bệnh, đặc biệt là các trường hợp không tìm được vết mò đốt và bệnh đã ở giai đoạn nặng khi đã có suy đa phủ tạng.

Hãy đến bệnh viện khi có dấu hiệu của sốt mò

Bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10. Mọi lứa tuổi đều có thể cảm nhiễm bệnh. Khi bị bệnh, phải được đưa đến bệnh viện để điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Bệnh phải được điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Nếu can thiệp muộn hoặc không hiệu quả có thể có biến chứng như: Viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, viêm màng não… rất nguy hiểm.

Trở lại trường hợp của bệnh nhân Bùi Thị T. Người bệnh nhập viện ở giai đoạn nặng, với tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, rối loạn nước điện giải, suy chức năng gan, viêm phổi, sốt cao mê sảng và nôn nhiều. Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng: Sốt cao liên tục, sưng hạch ở hàm, có một vết loét ở vùng cổ bên trái. Đi khám ở y tế cơ sở, bệnh nhân đã được truyền dịch và dùng kháng sinh, nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình để tiếp tục theo dõi.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã phát hiện một vết thương nghi do mò đốt ở vùng cổ bên trái của bệnh nhân, vết thương không gây đau. Theo TS. BS Hoàng Công Tình -Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình: Dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết thương, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò và điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. May mắn là bệnh nhân đã được chẩn đoán kịp thời, điều trị kháng sinh, nếu không, bệnh sốt mò rất dễ tiến triển nặng hơn và có nguy cơ tử vong.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh phun thuốc diệt mò cho người dân.

Phòng bệnh cách nào?

Sốt mò lưu hành nhiều nhất ở khu vực châu Á và Tây Thái Bình Dương, với các ổ dịch nhỏ rải rác trên các trảng bìa rừng, các rừng mới phá hoặc mới trồng, vùng giáp ranh, nơi nhiều cây con bụi rậm, các bãi cỏ ven sông suối, trên nương rẫy, những điểm có bóng mát râm và đất ẩm. Việt Nam nằm trong vùng lưu hành của sốt mò. Các loài chuột và thú nhỏ - vật chủ ký sinh của ấu trùng mò đỏ - có mặt đông đúc và phân bổ rộng rãi ở nước ta.

Theo các bác sĩ, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này, nhưng thường gặp ở lứa tuổi lao động. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm, hay gặp chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng. Thông thường ấu trùng mò sống ở bụi cây, bụi cỏ ẩm ướt, các hang đá hoặc gốc cây nơi có các loài gặm nhấm sinh sống. Người bị bệnh sốt mò thường mắc khi đi làm nương rẫy, đi dã ngoại cắm trại dưới tán lá cây trong rừng, các trang trại chăn nuôi hoặc người đi qua vùng ven suối, ven sông, bìa rừng… Khi bám vào người, ấu trùng mò thường đốt trong 2-3 ngày, đốt xong nó lại trở về mặt đất, trưởng thành và tiếp tục sinh sản.

Để phòng bệnh sốt mò, khi lên nương rẫy hoặc vào rừng người dân cần mặc quần áo kín, quần áo có tẩm hóa chất chống côn trùng như: Benzyl benzoate, bôi hóa chất xua côn trùng lên các vùng da hở; tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây... Đặc biệt, ở nơi sinh sống nên thường xuyên tiến hành diệt chuột, sử dụng hóa chất diệt côn trùng để phòng bệnh.

“Sốt mò là bệnh truyền từ ấu trùng mò nhiễm R.orientalis đốt và truyền bệnh sang người; bệnh không truyền từ người sang người. Ấu trùng mò là loài thuộc họ ve bét, lớp nhện, ngành chân đốt, kích thước bé dưới 1 mm, màu sắc vàng, da cam; còn gọi là mò đỏ. Ở giai đoạn ấu trùng, mò thường ký sinh ở chuột, thú nhỏ và có khả năng đốt người. Người mắc bệnh này thường sốt nhưng không rõ nguyên nhân, rất khó phát hiện nên cần có những hiểu biết cụ thể về bệnh để điều trị và theo dõi. Thông thường, tháng 9, 10 là thời điểm dễ phát sinh bệnh sốt mò.

(Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy hiểm sốt mò