Nguyễn Đình Toán - Mê mải và thong dong

PHÙNG VĂN KHAI 15/07/2023 07:16

Tôi biết nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán từ rất lâu. Năm 1996, khi chập chững tới báo Văn nghệ trẻ (số 17, phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tôi đã được ông chụp ảnh cho từ ấy. Một mạch đến hôm nay, tôi vẫn thấy ông chụp ảnh một cách vừa mê mải vừa thong dong.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Nguyễn Đình Toán chụp ảnh trên nửa thế kỷ hoàn toàn là sự thật. Những bức ảnh quý mà tôi cần đến ông đều nhiệt thành cung cấp. Đó là những bức ảnh chụp các cụ: Phùng Cung, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Quán... ngồi uống rượu với nhau đặc tả từng cụ một, Nguyễn Đình Toán đều cung cấp một cách vô cùng “chất”. Ông có một loạt ảnh chân dung Phùng Cung, Phùng Quán thần thái trùng khơi hồn ảnh mang mang hiển hiện kiếp người.

Nguyễn Đình Toán xuất thân là lính chiến cao xạ bắn máy bay từ năm 1965. Ông là lính Phòng không Không quân từ thời Thượng tướng Phùng Thế Tài làm Tư lệnh, hẳn ông rất nhớ những giai thoại của bộ đội với vị tướng họ Phùng. Hôm hội thảo về Thượng tướng Phùng Thế Tài, ông như được trở về chính ngôi nhà của mình, bên những vị tướng, những người lính huyền thoại tay bắt mặt mừng bên xác B.52 nửa thế kỷ vẫn còn lưu chứng tích. Ông cứ thế thỏa thích nói cười và bấm máy lúc thong dong khi cấp tập. Ai nghĩ là ông đã độ U80 được mấy năm rồi. Người lính chiến Nguyễn Đình Toán quả thực khiến cánh trẻ chúng tôi rất phục!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân (1992).

Rất nhiều văn nghệ sĩ các thế hệ biết ơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đã giúp họ lưu lại những khoảnh khắc đời người. Ông chụp chân dung văn nghệ sĩ thần tình đến mức chính họ cũng không hay biết mình đã có những tấm ảnh "chất lừ" trong ngân hàng ảnh Nguyễn Đình Toán. Mỗi khi tôi viết chân dung các bậc tiền bối từ lâu đã trở về thế giới của người hiền đều a lô xin ảnh Nguyễn Đình Toán. Khi tôi được giao nhiệm vụ làm thêm loạt ảnh chân dung treo tường của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, các lão thành đã mất, có vị cả cơ quan tìm suốt mấy tháng ròng không được, nghĩ đến Nguyễn Đình Toán như mở được lối ra cuối đường hầm. Ơn trời hay ơn Nguyễn Đình Toán thế nào cũng được, nhưng cái quan trọng là những chân dung đã trang nghiêm có ở trên tường chính là tấm lòng của hậu nhân đối với tiền nhân.

Nguyễn Đình Toán đặc biệt thành công với loạt ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao. Nhân vật trong ảnh dường như hoàn toàn thoát ra khỏi khung khổ đời thường mà lại cũng vô cùng đời thường.

Nguyễn Đình Toán vừa nhận giải thưởng Đào Tấn do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn Hiến trao tặng. Nhiều người chúc mừng ông. Có người chụp ảnh ông và bỗng nhận thấy, ô hay, Nguyễn Đình Toán cũng vô cùng “ăn ảnh”. Ông chụp chân dung mọi người dễ dàng bao nhiêu thì thiên hạ chụp chân dung Nguyễn Đình Toán cũng nhẹ nhàng thanh thoát bấy nhiêu.

Nhà thơ Hoàng Cầm bên dòng sông Đuống. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Trong vô số cuộc hội họp và tụ bạ của giới văn nghệ sĩ, Nguyễn Đình Toán thường là người đến sớm nhất và về muộn nhất. Ông chăm chỉ, nhẫn nại và tình nguyện.

Nhưng thần thái của mọi người trong các cuộc đó chỉ có thể là Nguyễn Đình Toán mới nắm bắt trọn vẹn nhất. Những bức ảnh của ông như dẫn dắt các chứng nhân trong ảnh đi tìm hồn vía thật của mình. Đó là lộc trời ban riêng cho nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

Nguyễn Đình Toán là một trong những nhiếp ảnh gia để các báo dùng ảnh miễn phí nhiều nhất ở Việt Nam. Đa số những ảnh ấy đều không chú thích tên tác giả, ông cũng chỉ biết mỉm cười. Còn nhuận ảnh vô cùng, năm thì mười họa ông cũng không nói nửa lời. Ông từng tâm sự trên báo một cách rất thật rằng: “Dùng ảnh không ghi tên, có tác giả làm loạn lên nhưng tôi không làm thế. Ảnh của mình càng được dùng nhiều càng tốt. Tôi chỉ trách một điều, sao họ lại quên tên tác giả? Song trách cũng chỉ để trong lòng, tôi không kêu. Bởi nếu họ ghi tên tôi, họ lại nghĩ phải trả tiền cho tôi. Cho nên, tôi bỏ qua. Nhưng nếu dùng ảnh của tôi mà lại nhớ đề tên tác giả thì xin ghi đầy đủ: Nguyễn Đình Toán. Nếu “đất” chật thì ghi tắt “N.Đ.T” cũng được, đừng ghi: Đình Toán. Đừng bỏ họ của tôi”.

Nguyễn Đình Toán là như thế đấy.

Nguyễn Đình Toán cũng có những khoảnh khắc rất nghệ sĩ. Đừng tưởng ông ít chụp giới chân dài. Hãy cứ để điều này là một sự bí ẩn. Có những mỹ nhân suốt đời chỉ treo ảnh do Nguyễn Đình Toán chụp từ lúc phơi phới thanh xuân đến khi về chiều ở ẩn. Giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là lớp trẻ bọn tôi hôm nay rất khoái Nguyễn Đình Toán.

Ông cái gì cũng ừ, cũng gật, mà ừ gật xong lập tức thi hành rất có trách nhiệm trong vẻ hồn nhiên hồn hậu của mình. Cứ như là ông phải chịu sự sắp đặt của một đấng vô hình nào xếp đặt từng việc để ông phải làm giúp thiên hạ mới được yên thân.

Bây giờ, các dụng cụ, máy móc, phim ảnh giá cả đa dạng, lựa chọn tha hồ, chứ ngày trước, chỉ giới nhà giàu mới được chụp ảnh thì ông lấy đâu ra kinh tài mua sắm vật chất phim thuốc để phục vụ thiên hạ được nhỉ? Điều này mãi là một sự bí ẩn hay ông chẳng tiện nói ra thêm bận lòng người? Đó chính là một phần phẩm cách của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

Bây giờ tôi mới thấy ông chính là thời thượng và tôi đã từ lâu lặng lẽ học cách làm việc cần mẫn của ông. Đi đâu tôi cũng tìm mọi cách chụp thật nhiều ảnh và quy hoạch lại từng khoang, từng khu vực. 20 tập sách về họ Phùng, 8 cuộc hội thảo khoa học lớn nếu không có các khu vực ảnh ấy làm chứng lý, sẽ rất khó cho chính quyền, nhà quản lý trong quyết sách đặt các hạng mục tên phố, tên đường, tên trường và các bậc xếp hạng di tích văn hóa lịch sử. Ở những lúc như thế, mới thấy ảnh của các nhiếp ảnh gia trong đó có Nguyễn Đình Toán đáng quý biết chừng nào.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chắc hẳn cũng có những thăng trầm trong đời sống, trong nghề nghiệp. Nhưng với tâm tính và phong cách của mình, ông hẳn sẽ rất nhẹ nhàng để vượt qua. Một người như ông ắt rất biết lúc cần nắm giữ và lúc cần buông bỏ. Ông rất hiểu ông như hiểu từng bức ảnh trùng khơi muôn nẻo của mình.

Lứa các ông, những người được sinh ra trong chiến tranh, bước vào chiến tranh để bảo vệ nhân dân và Tổ quốc mình ắt rất biết tạo ra những âm thanh hữu ích trong cuộc sống. Từng có câu thơ: “Sông kia nước chảy mà xanh biển/Người vẫn bên nhau tới bạc đầu” thuận lẽ tự nhiên mới là bền chặt dường như cũng chính là triết lý trong từng bức ảnh, trong trùng khơi hồn ảnh của Nguyễn Đình Toán. Giới văn bút chúng tôi chúc ông thêm tuổi tác càng thêm niềm vui chân cứng đá mềm, thêm nhiều bức ảnh vươn khơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Đình Toán - Mê mải và thong dong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO