Lan tỏa yêu thương và tôn vinh vẻ đẹp Việt, ống kính Helena Vân từ những khoảnh khắc "chạm" tưởng chừng rất khẽ mà lại chuyên trở cả tầng sâu văn hóa của đất và người trên dải chữ S ra khắp năm châu.
"Helena Vân & Hành Trình Đi Để Chạm" - tên album gồm 116 bức ảnh trong triển lãm của riêng mình vừa qua, Helena Vân dường như chỉ đơn giản chuyển tải đến người xem hành trình sống và khám phá mọi miền Tổ quốc. Nhưng thực ra cái "chạm" ấy đã được nghệ thuật hóa rất sâu. Hơn một trăm bức hình là trải nghiệm về cuộc sống phong phú với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nữ nhiếp gia đến từ Hà Nội thật tinh tế và khéo léo quyến rũ người xem, lan tỏa yêu thương, thậm chí làm mê hoặc bởi nhan sắc của cuộc sống tưởng chừng rất đỗi bình dị ngoài kia.
Đó là nụ cười tuổi thơ bên thềm của một cô bé ở Đắk Lắk, hồn nhiên trong trẻo và ấm áp mà "thượng đế" gửi xuống trần gian, cũng là lời nhắc người lớn rằng cứ bình an, cứ bao dung như trẻ nhỏ. Và ẩn trong ánh mắt cô bé có một bí mật: Trẻ em luôn giữ trong mình hạt giống yêu thương.
Đó là tình bạn giữa cô gái nhỏ và ông voi già ở Hồ Lắk, yêu thương, gắn kết và chẳng còn ranh giới. Người xem được "chạm" cái tình hồn hậu, cùng thấu hiểu nhau không còn phân biệt...
Đó là cô gái vá lưới sau mỗi chuyến ra khơi ở duyên hải Ninh Thuận vào một sáng mùa Xuân. Không phải là lam lũ, đã bay biến đâu nỗi nhọc nhằn, toát lên nhan sắc tuyệt đẹp từ làng chài cổ.
Helena Vân muốn nói rằng vũ trụ có ngày và đêm, nhân sinh có sinh có tử, nhưng nhiếp ảnh đã khiến ta khó phân cực rõ ràng các mảng màu sáng tối, hay niềm vui, nỗi buồn. Mỗi lần "chạm", ống kính "rất Helena Vân" lại một lần tải lên nhiều sắc thái, vừa thú vị, giàu vẻ đẹp nhân văn, dịu sâu.
Một con đò xuôi theo bãi ngô trong chiều thu ngỡ rằng hiu hắt mà lại gợi lên bình yên. Một cụ già có khuôn mặt nhiều nếp nhăn tưởng như khổ cực, nhưng lại là ung dung, thần thái, hài lòng và hạnh phúc. Cụ nói với Helena Vân: "Buồn là cái chi chi...". Thế đấy.
Và đây, đời muối ngàn năm của những diêm dân Hòn Khói (Ninh Hòa) nhuốm vẻ cần lao mưu sinh mà kết tinh ắp đầy thân thiện, có vị mặn của biển mà lạ hơn, đẹp hơn qua bao thế hệ. Helena Vân dám chắc sẽ trở lại vùng duyên hải này nhiều lần nữa.
Ấn tượng đặc biệt nhất với Helena Vân khi cô đến với nắng gió Tây Nguyên nhưng rất để tâm cuộc sống vùng đất đỏ. Một gia đình có 7 đứa con nhiều vất vả, có cháu đi chân trần dính đầy đất đỏ, có cháu không mặc đủ quần áo, cháu khác lại đòi ăn. Một cụ già bên suối nói về niềm hạnh phúc khi lần đầu được chụp hình. Helena Vân sau chuyến đi đã tổ chức nhiều triển lãm nhằm quyên góp thiện nguyện. Cô muốn tiếp sức cho từng bản làng Tây Nguyên. Những tủ sách, phần quà cứ thế nối nhau đưa về vùng gió núi, thậm chí xây mới cả những sân chơi lớp học. Vân tin rằng nhiều người sẽ muốn đồng hành trên hành trình lan tỏa yêu thương sau khi xem những bức ảnh của cô..
Helena Vân đến với nhiếp ảnh tình cờ, muộn mà đam mê. Đệm danh "Helena" thoảng như một người con gốc Việt xa xứ nhưng hàm ý "đem ánh sáng lan tỏa yêu thương thiện lành". Đời sống hướng Phật, cô cõng theo và lưu giữ trải nghiệm sau những năm tháng du học hải ngoại ở Trung Quốc và nhiều nước Âu châu. Cũng thấm tuệ qua bao chuyên ngành: ngôn ngữ, văn hóa, tài chính, thương mại, quản trị kinh tế, và cả thiết kế thời trang, phun xăm thẩm mỹ... "Em nhiều bằng lắm" - nữ nhiếp gia trẻ bật mí với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tại Triển lãm Tam Đảo mùa Hạ 2023.
Những bức ảnh không toan tính, không cần phải giật giải, nhưng đã lắp đầy đồ sộ sưu tập 80 giải thưởng quốc tế với 5 huy chương Vàng, hàng chục giải Bạc, Đồng, Khuyến khích. Nhiếp phẩm của Helena Vân hơi hướng "họa phẩm" từng khoảng khắc sống, nhưng giành được cảm tình của nhiều hội đồng nghệ thuật khắt khe. Hơn 200 bức ảnh của cô đã có mặt triển lãm tại 40 nước trên thế giới (Anh, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada, Cuba...). Cái "chạm" khẽ mà rất sâu về non nước và con người Việt đã được ống kính Helena Vân chuyên trở đi khắp thế giới.
Nhiếp ảnh gia Diana Magor, người thẩm định chất lượng hình ảnh của quốc tế, tỏ ra hào hứng và muốn đến Việt Nam để du lịch, khám phá ngay sau khi chiêm ngưỡng những bức ảnh của Helena Vân. "Ngày bà Diana Magor nói muốn được đến Phú Yên, tôi hạnh phúc vô cùng, vì điều mình làm đã mang lại giá trị tích cực", Vân nói.
Nữ nhiếp gia vẫn khát khao đi được nhiều hơn nữa khắp dải đất chữ S. Đam mê nhất là đến với những làng nghề truyền thống. Làng bánh tráng Hòa Đa, làng nước mắm Gành Đỏ, làng chiếu cói Phú Tân, làng gốm Trường Thịnh… cứ khắc vào tâm khảm Helene Vân rất sâu sau lần về Phú Yên. "Những hình ảnh bình dị về nếp sống, nếp lao động hằng ngày của làng nghề rất hấp dẫn bạn bè quốc tế", Vân tâm sự.
Triển lãm lần này, hai vị đại sứ Italia, EU (Antonio Alessandro và Giorgio Aliberti) đã có mặt tại Tam Đảo rất sớm. Helena Vân đã không giấu ý định về một chiến dịch quảng bá du lịch Việt đến với bạn bè năm châu.