Hoàng Thế Nhiệm là cái tên quen thuộc trong làng nhiếp ảnh nghệ thuật, ông đã có nhiều triển lãm và đạt các giải thưởng cao quý về nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
Hơn 20 năm, cùng với chiếc máy ảnh, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm đi khắp mọi miền đất nước cũng như trên thế giới để lưu lại những khoảnh khắc đẹp đẽ và biến ảo. Ông sinh năm 1960 tại TPHCM, trong gia đình có bảy người con.
Tuổi thơ của Nhiệm trôi qua thật êm đềm với nhiều kỉ niệm ấm áp đẹp đẽ. Trong gia đình không có ai làm về nghệ thuật, nhưng ba của ông là một giáo viên lại rất thích chụp ảnh. Gia đình có một máy ảnh, dùng để lưu giữ lại các hình ảnh sinh hoạt của gia đình cho đến những chuyến đi chơi. Vì thế, nhà ông luôn có những bộ sưu tập ảnh đầy tình cảm gắn bó dưới mái ấm gia đình. Nhờ nhà có máy ảnh, Hoàng Thế Nhiệm cũng hay xách theo mỗi khi hội họp trong lớp hay những dịp đi chơi vui cùng bạn bè để chụp.
Khi trưởng thành, Hoàng Thế Nhiệm theo học nghề kỹ thuật, trở thành một kĩ sư thông tin hàng hải. Khi ấy, có cơ hội được đi nhiều, Nhiệm theo đội tàu Viễn Dương, đến một số nước Đông Nam Á và nhiều nhất là tới Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản. Nhờ thế từ những năm 1990, ông được xem các sách báo nước ngoài, hiểu biết mở mang rộng.
Cũng khi ấy, ban đầu chỉ biết đến chiếc máy ảnh cổ lỗ của gia đình, nên khi thấy các máy ảnh hiện đại, tiên tiến của thế giới, có thể lấy được điểm tự động, ông bị choáng ngợp. Vì thế, ông đã mua máy ảnh mới để nghiên cứu, xem xét, tìm hiểu, ngắm nghía và cất vào tủ. Sở thích đó vô tình đóng góp tích cực cho hoạt động nhiếp ảnh sau này.
Cuối năm 1992, Hoàng Thế Nhiệm xin được nghỉ đi biển dù đó là thời kỳ hoàng kim của vận tải biển. Ông mong muốn về bờ để làm kỹ thuật. Trong thời gian chờ phân bổ công việc, một số bạn bè rủ ông tham gia hoạt động nhiếp ảnh để giải trí. Năm 1993, Hoàng Thế Nhiệm tham gia cùng nhóm nhiếp ảnh ở Hội Liên hiệp Thanh Niên. Đây có thể gọi là nhóm đi phượt sớm nhất ở Việt Nam. Ông cùng bạn đi khắp mọi miền đất nước.
Khi ra vùng núi phía Bắc, ngắm rừng núi trùng điệp, ông bắt đầu thấy yêu thích phong cảnh đất nước. Đến năm 1994, qua chuyến đi xuyên Việt thì Hoàng Thế Nhiệm rủ các bạn đi chụp ảnh phong cảnh chất lượng cao bằng phim dương bản khổ lớn vì phim âm bản nhỏ chất lượng không cao. Đến năm 1995, một số nhà xuất bản và đơn vị tư nhân cần loại ảnh phim lớn để in ấn, phát hành, quảng cáo, vì thời kỳ đó rất hiếm người chụp loại phim này, nên đó cũng là cơ may để ông có thể kiếm tiền được bằng nghề nhiếp ảnh. Khi đã thành công bước đầu, Hoàng Thế Nhiệm quyết định bỏ luôn nghề thông tin hàng hải để bắt đầu dấn thân vào con đường nhiếp ảnh.
Khi bắt đầu, khó khăn nhất là không biết chụp gì để tồn tại được, Hoàng Thế Nhiệm nhận thấy cảnh đẹp thì ai cũng nhìn ngắm, và ông chọn chụp phong cảnh với công nghệ mới nhất, sử dụng máy ảnh khổ phim lớn, dùng phim dương bản trong khi cả thị trường dùng phim âm bản. Phim dương bản có ưu điểm chất lượng rất cao khi in ấn, màu sắc đẹp, khi mọi người nhìn ảnh sẽ dễ thích, chụp xong hình có sẵn trên phim.
Nhưng phim dương bản cũng có khuyết điểm là kỹ thuật chụp khó, rất đắt và đặc biệt không tráng phim ở Việt Nam được trong khoảng thời gian từ năm 1997 trở về trước, mà phải gửi sang nước ngoài. “Một may mắn là tôi quen được ông Tổng giám đốc Fujifilm ở Việt Nam muốn giới thiệu dòng phim chuyên nghiệp, vì vậy ông hỗ trợ tôi mua phim lớn, tráng giúp phim ở Singapore rồi gửi về Việt Nam”, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm nhớ lại. “Chụp phim ban đầu bị hư và tốn nhiều chi phí. Từ 1994 đến giữa 1995, tôi mới làm chủ được kỹ thuật”.
Từ năm 1995 đến 2004, đi chụp ở đâu, Hoàng Thế Nhiệm đều phải sử dụng xe gắn máy. Để biết rõ nơi đó có gì khai thác hình ảnh đẹp được hay không, ông đều phải đi xe máy đến tận nơi, mục sở thị, trải nghiệm thực tế nên rất tốn thời gian, đường xá thì xấu, không có thông tin gì, mang trên mình chỉ có máy nhắn tin thô sơ.
Đến gần 1997, ông mới mua được điện thoại mà đến vùng cao lại không có sóng, vì thế liên lạc rất khó: “Thông tin ít ỏi là điều khó khăn cho việc nhiếp ảnh. Không biết nên đi hay không, nên mất một tháng, tôi chỉ đi được một đến hai điểm. Gia đình chỉ biết ngày đi chứ ngày tôi về thì không biết”, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm tâm sự.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm hiện sống và làm việc tại TP HCM. Ông là thành viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TPHCM (HOPA), Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (A.FIAP)
“Thuận lợi là tôi được gia đình, nhất là bà xã hỗ trợ”, Hoàng Thế Nhiệm chia sẻ: “Bà xã ở nhà nuôi con không phàn nàn. Vợ tôi mà phàn nàn là tôi phải bỏ nghề. Thu nhập cũng có, không phải mang tiền nhà đi, nhưng so với tiền từ nghề hàng hải thì xa vời vợi. May mắn được thị trường chấp nhận nên tôi tồn tại với nhiếp ảnh đến nay”.
Trong 10 năm, từ 1996 đến 2006, là thời gian ông rèn luyện tay nghề và thẩm mỹ. Ông được thị trường và khách hàng khó tính nhất chấp nhận, đồng thời cũng tham gia nhiều hội nhiếp ảnh. Đây cũng là thời kỳ Hoàng Thế Nhiệm nhận nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Năm 2006, Hoàng Thế Nhiệm tình cờ gặp bà Xuân Phượng, chủ Lotus Gallery, phòng tranh lớn nổi tiếng ở TPHCM. Bà Xuân Phượng chuyên hoạt động về mỹ thuật, có nhiều đóng góp cho hoạt động nghệ thuật trong nước và thường đưa các họa sĩ ra nước ngoài triển lãm. Khi ấy, Hoàng Thế Nhiệm đang tập trung chụp cảnh đẹp Việt Nam theo cách phóng khoáng. Vì muốn giới thiệu cảnh đẹp Việt Nam tới thế giới, bà Xuân Phượng đã mời Hoàng Thế Nhiệm cùng tham gia dự án này.
Nhờ thế, trong 5 năm Hoàng Thế Nhiệm đi theo bà Xuân Phượng tới Pháp, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thuỵ Sỹ, Mỹ... để triển lãm ảnh phong cảnh Việt Nam. Mỗi lần triển lãm, ông được cọ xát thực tế và học hỏi rất nhiều, nguồn thông tin rộng mở, được tiếp xúc nền mỹ thuật của thế giới, để thấy bản thân chỉ là hạt cát, nên cần phải học hỏi từ tư duy sáng tạo: “Được mở mắt và học được nhiều nên tôi rất cảm ơn cô Xuân Phượng. Tôi buộc mình phải đổi lại chụp theo kiểu khác trong khi những thói quen đã ngấm rất sâu vào bên trong rồi. Tôi ngỡ có thể thay đổi nhanh, hóa ra phải rất từ từ. Mức thay đổi của tôi có khác biệt khi tiếp xúc với thế giới ảnh một cách bài bản hơn, dù rất chậm”.
Năm 2006, sau khi làm việc với Lotus, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm vẫn chụp phong cảnh và kết hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam với cái nhìn mới. Ông tự hỏi, nếu bỏ cái đẹp ra một bên thì bức ảnh đó còn nói câu chuyện gì nữa không?
Trong khi trước đó, ông coi trọng nhất là cái đẹp. Còn giờ đây, ngoài cái đẹp, một bức ảnh cần có câu chuyện, tư tưởng, tính triết lý trong đó. Nếu chỉ đẹp không thôi thì ông không tập trung chụp nữa. Vì thế, ông chăm chỉ học hỏi, đi nhiều nơi để có trải nghiệm thực tế, đọc sách, trau dồi hiểu biết từ triết học đến Phật giáo.
“Năm 2014, tôi tới Dharamsala, vùng đông bắc Ấn Độ, nghe Đức Đạt La Lạt Ma thuyết Pháp, vì truyền thống gia đình tôi theo Phật giáo, nên tôi cảm nhận được sâu sắc. Từ đó, tôi thích khám phá thiên nhiên và cuộc sống quanh con đường tơ lụa và những khu vực thuộc dãy Himalaya, trải nghiệm tính triết lý của tinh thần Phật giáo, dù mỗi hành trình đều rất khó khăn, vất vả”, Hoàng Thế Nhiệm tâm sự.
Với nhiếp ảnh, Hoàng Thế Nhiệm, đang nỗ lực truyền cảm xúc từ bản thân đến được với công chúng, thể hiện một hình ảnh khác với những gì mọi người đang thể hiện, bởi bên cạnh cái đẹp phải có chiều sâu tư duy.