Gần một tuần nay, hiện tượng cá tự nhiên chết hoặc trôi vào bờ trong tình trạng kiệt sức rộ lên tại vùng biển miền Trung. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, ước tính thiệt hại ban đầu từ việc cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh là khoảng 4,71 tỷ đồng. Tại Thừa Thiên-Huế, cá chết hiều nhất tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, người dân phát hiện nhiều loại cá như chình, đuối, vẩu chết ngập bãi biển…
Cá chết trôi vào bờ ở thôn Phú Hải xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa - Thiên Huế.
Tâm lý người dân bất an
Trong khi nguyên nhân cá chết hàng loạt vẫn chưa được làm rõ, việc sản xuất, buôn bán thực phẩm biển đình trệ nhưng vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tâm lý bất an của người dân.
Ngày 21/4, ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Từ việc cá nuôi lồng bè của người dân ở các xã Kỳ Lợi, Kỳ Ninh và Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh và cá tự nhiên chết hàng loạt, Chi cục đã gửi văn bản tới các địa phương yêu cầu người dân ngừng việc lấy nước biển vào nuôi thủy sản chờ có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết rồi mới lấy nước trở lại.
Lấy mẫu tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở biển Quảng Bình Ngày 21/4, 2 đoàn công tác của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã đến tỉnh Quảng Bình để kiểm tra, lấy mẫu nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết bất thường ở vùng biển tỉnh này. Theo ông Phan Xuân Hào- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Bình, số mẫu cá và mẫu nước mà đoàn công tác lấy sẽ được tiến hành phân tích bằng các thiết bị hiện đại của Viện Môi trường thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam để tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết bất thường. Việc cá chết bất thường ở tỉnh Quảng Bình được phát hiện đầu tiên ở vùng biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch vào ngày 10/4. Sau đó hiện tượng này tiếp tục lan rộng xuống vùng biển phía Nam của tỉnh Quảng Bình. Không những vậy, tại các nhà hàng nổi gần cửa biển Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới cũng có hiện tượng cá nuôi lồng bị chết rải rác. X.Thi |
Có mặt tại bãi biển thuộc thôn Hải Phong 2 (xã Kỳ Lợi, Thị Xã Kỳ Anh), chúng tôi nhận thấy có hàng chục chiếc thuyền của ngư dân neo đậu ở bãi biển, nhiều người dân ngồi trong bờ nhìn ra với tâm trạng hoang mang, lo lắng, khác hẳn với sự nhộn nhịp như ngày thường.
Đang ngồi tần ngần trên bờ nhìn ra biển, ông Võ Thanh Bằng cho biết: Cách đây ít ngày, cả cá tự nhiên và cá nuôi lồng bè ở đây chết hàng loạt. Làm nghề biển 20 năm nay nhưng ông Bằng chưa bao giờ thấy hiện tượng như thế này xảy ra. “Khi đó thấy nước biển có màu vàng đục, nổi váng giống như dầu loang, sau đó thì cá bỗng nhiên chết hàng loạt.
Bây giờ chúng tôi không dám ăn cá vì sợ ngộ độc mà ở chợ cũng không ai mua bán cá nữa, thuyền thì cho neo vào bờ hết”, ông Bằng nói. Anh Lê Văn Luật là chủ hộ nuôi cá lồng bè nhiều nhất ở thôn Hải Phong 1 nên bị thiệt hại cũng lớn với 3.000 con cá hồng, cá chẽm…đã đến kỳ thu hoạch, con lớn nhất có trọng lượng hơn 2kg, còn trung bình nặng khoảng 1,5 kg. Ngoài ra có một lồng cá giống mới thả nuôi được hơn 10 ngày cũng chết sạch. Tính ra thì hộ anh Luật thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Theo thống kê từ UBND thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế đến thời điểm này đã có hơn 60 lồng cá với trên 6.000 con cá vẩu, mú, hồng...đã chết. Vốn là ngư dân có nhiều năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Xuân Thảo (57 tuổi, thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) không thể nào lý giải được hiện tượng này.
Nhiều loài sinh sống ở đáy biển và rất khó đánh bắt, nay cũng chết dạt bờ. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, tình trạng cá chết xảy ra từ ngày 14 đến 18/4, nằm rải rác trên bờ biển trải dài gần 20 km do xã quản lý. Trong số cá chết do dân gom nhặt, có nhiều loài sống cách xa bờ.
Kiểm tra nguồn nước thải từ các khu công nghiệp
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Bùi Đức Trình- Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi (Thị xã Kỳ Anh) cho biết: Điều đáng lo ngại hiện nay là tâm lý của người dân. Bây giờ người dân ở đây không dám ăn cá, kiểm tra ở chợ chúng tôi không thấy người dân bán cá. Nhiều ngư dân không ra biển đánh bắt mà cứ ở nhà.
Nhiều luồng ý kiến trái chiều khiến người dân hết sức hoang mang. Nhiều người cho rằng do khu công nghiệp Formosa xả thải không qua xử lý gây cá chết hàng loạt. Địa phương rất cần kết luận chính xác từ cơ quan chức năng để chấn an tâm lý người dân, ổn định sản xuất.
Anh Mai Văn Mục (45 tuổi, xã Kỳ Phương) cho hay, những ngày qua anh đi nhặt cá về đưa đi tiêu hủy không xuể. “Cá chết đã lan vào đến khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, chúng tôi rất hoang mang, công việc đi biển đã tạm thời phải gác lại, bởi đánh bắt về mang ra chợ bán rất ít người mua. Nhiều khả năng việc xả thải ra biển của nhà máy nhiệt điện tại công trường Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng) là nguyên nhân khiến cá chết”, anh Mục nói.
Vừa qua, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 - Bộ NN&PTNT đã lấy mẫu kiểm tra, phân tích và khẳng định vi khuẩn gây bệnh không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại biển Vũng Áng mà do “yếu tố gây độc trong nước”. Yếu tố gây độc được bắt từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc, chết hàng loạt.
Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát hệ thống xử lý nguồn nước thải của tất cả các công ty, nhà máy chế biến, khu công nghiệp ở thị xã Kỳ Anh, vùng biển Vũng Áng.
Yêu cầu tạm ngừng thả giống mới tại các vùng có cá chết hàng loạt Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân làm hải sản chết bất thường, để kịp thời xử lý và khắc phục tình hình, chiều ngày (21-4), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Công điện hỏa tốc số 3179/BNN-TCTS gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế về việc xử lý hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển Bắc Trung bộ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương thống kê tình hình hải sản bị thiệt hại đồng thời chủ động bố trí kinh phí địa phương để xử lý; áp dụng các chính sách để hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định (nếu có). PV |