Nguyễn Quang Hưng: Từ từ mà tiến

Nguyễn Văn Học 03/08/2017 09:05

Không ồn ào, khoa trương, ăn nói hoạt bát, có duyên và được nhiều đồng nghiệp, bè bạn quý mến. Tác phẩm thơ và báo chí không “gây sốc”, không tạo ấn tượng ngay, nhưng người đọc sẽ ngấm sâu và nhớ. Đó có lẽ là đặc điểm nổi trội trong công việc, sáng tác của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.


Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

1. Hưng không nằm trong số những người trẻ phải chịu thiệt thòi, gắng gỏi vươn lên để thành công. Hưng thuộc diện: Cứ từ từ mà tiến... Hưng sinh ra, lớn lên, đi học và trưởng thành ở Hà Đông – Hà Nội, nơi vẫn còn “làng trong phố, phố trong làng” và được học hành đầy đủ. Quê mẹ ở làng cách nhà vài cây số, “quê bố” ở ngay giữa phố cổ Hà Nội, Hưng cứ êm đềm giữa ba nơi rất gần nhau ấy, chẳng phải vất vả ngược xuôi “thăm quán cùng quê” như bao người.

Thế rồi sáng tác thơ hồi sinh viên, làm báo khi ra trường theo sự dẫn dụ của tâm hồn và niềm đam mê. Từ khi tốt nghiệp Văn khoa Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội năm 2002 đến nay, Hưng bền bỉ với lối thơ lặng lẽ, không son phấn, như nhiều độc giả nhận định. Đọc thơ Hưng thì thấy nó mộc mạc, trầm ấm, không vồn vã, nhưng có chiều sâu giống như con người anh vậy. Anh đi sâu khai thác những dữ liệu, hình ảnh kết tinh theo thời gian như: thành quách rêu phong, tiếng chuông chùa, tiếng chèo, canh hát quan họ, tín ngưỡng, diễn xướng… ngay cả những bài thơ đầy chất hiện thực cuộc sống cũng phảng phất không khí của tâm linh.

Ngay từ tên của mỗi tập thơ đã nói điều đó: “Mùa Vu Lan”, “Vườn ánh sáng” và “Lòng ta chùa chiền”. Chả thế mà nhà văn Văn Chinh nhận định: “Không phải là sự điệu đà hay bắt chước người già cho ra vẻ từng trải. Cái tạng của Hưng nó thế. Hiền hậu, trong trẻo, đến thơ “ngâm vịnh” những nơi thăm thú cũng thoang thoảng một vẻ thiền. Thơ Hưng, nếu đọc vào mỗi chiều, có văng vẳng xa xa những tiếng chuông chùa thì là một sự cộng hưởng tuyệt vời, lòng ta có thể miên man đến được chỗ thanh thoát”.

Và có lẽ đến “Chia ngũ cốc” (Nxb Hội Nhà văn - 2015) thơ Nguyễn Quang Hưng đã phối một cách tinh tế giữa cái ảo và trực giác, đem lại cái mênh mang của cảm xúc cùng chất thiền trong triết lý, qua những liên tưởng bất ngờ. Thơ anh vẫn có những chùa chiền, cánh đồng và quan họ, nhưng đã dựng lên một ánh sáng mới, nặng suy tư. Nhiều người đồng quan điểm, thơ của anh không lên gân, bi lụy… mà chỉ đưa ra, bày tỏ quan điểm của cá nhân để con người sống nhân ái hơn, chan hòa hơn.

Đọc kỹ tập thơ “Chia ngũ cốc” người đọc cũng có ngay cảm giác dung dị, bình yên, khác những tứ thơ cháy bỏng cái tôi cá nhân mà có phần quặn đau nhưng lại chẳng ăn nhập gì với cái chung của những tác giả trẻ thường thấy. “Chia ngũ cốc” như cách kể về một câu chuyện đầy ngọt ngào: “Bao năm rồi chim mới về đồng/ Những chấm nhỏ chân trời lớn dần gió mát/ Như lưng trời mùa thóc/ Như không trung nụ cười…”. Hay bài “Ra khơi” đầy yêu thương và nỗi niềm: “Cho con mang thổ ngữ/ Vun trong hương đất những mùa màng/ Đặt dưới giọng người trong gió/ Sớm ngày nấu dẻo bát cơm gạo mới…”

2. Một điều nữa, là học trò của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, một người vô cùng mê đắm quan họ, Hưng có một số dịp theo thầy và qua thầy mà tiếp xúc với quan họ, với những nghệ sĩ, nghệ nhân như NSƯT Lệ Ngải, vợ chồng NSƯT Vũ Tự Lẫm - nghệ sĩ Minh Phức, nghệ nhân Nguyễn Năng Địch ở làng Lim… rồi từ đó “ngấm” men quan họ.

Những ca từ đẹp, buồn, yêu thương, gợi nhiều liên tưởng cùng những giai điệu thường kéo dài, vươn xa của quan họ thôi thúc Hưng thích nghe hát và cứ thế hát theo. Do điều kiện công việc và khoảng cách không cho phép nên nhiều năm qua, Hưng phải “học từ xa”, học một cách nhiều khi là ngẫu nhiên, tình cờ. Anh thường nghe các đĩa quan họ và tự nhẩm hát, khi đi chơi hội, đi viết bài về quan họ, về các nghệ nhân, nghệ sĩ, anh hát theo họ rồi tự điều chỉnh dần để thể hiện cho đúng về giai điệu, khéo trong những chỗ nảy hạt, luyến láy, cũng như ngấm lấy cái tình, cái nết của người quan họ mà anh đẩy vào giọng hát của mình. Cứ học theo như thế, để rồi thuộc được đến mấy chục bài quan họ là điều đáng nể, mặc dù Hưng vẫn tự nói rằng mình còn lười quá. Nhiều người ở Bắc Ninh nghe Hưng hát, hỏi: “Người làng nào thế?”.

Đưa những gì thấm được từ văn hóa vào sáng tác, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng vẫn qua từng chặng thời gian, mở rộng vùng sáng tạo, và nhìn nhận hệ thống dữ liệu, biểu tượng văn hóa trong sự vận động của đời sống hiện đại, chứ không dừng ở sự cố định, ở vẻ đẹp quá vãng. Bởi với chính mình, là một người nhập cuộc và trải nghiệm, Hưng hiểu, mình đang có một quá trình sống, tiếp cận và thấu cảm với văn hóa dân tộc trong dòng chảy thực tại. Điều đó sẽ làm thơ anh thêm tươi mới, cùng với sự vận động của dòng chảy văn hóa nghệ thuật đương đại.

3. Người trẻ sáng tác “có chất” và bền bỉ không nhiều. Cái chất và phong cách sáng tác cũng như cách tiếp cận cuộc sống của Nguyễn Quang Hưng là sự bền bỉ. Từ sự bền bỉ ấy giúp anh từng bước trưởng thành hơn, uyển chuyển hơn trong mỗi sáng tác lấp lánh trí tuệ, vẻ đẹp, kết tinh cảm xúc. Từ phong cách thơ đến phong cách đời sống, Hưng đều hòa đồng và sống chân thành giản dị. Anh không thích ồn ào với những lời tung hô có cánh, đặc biệt là “bẫy truyền thông” hay sự tranh thủ truyền thông, quảng bá. Mặc dù chính anh, trong một số sự kiện của bạn bè văn nghệ sĩ thân thiết, lại tham gia tổ chức, hỗ trợ công tác truyền thông một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Quang Hưng: Từ từ mà tiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO