Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, với mục đích bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá. Trong đó, một số ý kiến đề cập đến giá thuốc, vật tư thiết bị y tế; liên quan trực tiếp đến chủ trương xã hội hóa.
Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn rất nóng. Đáng chú ý, khi ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) nêu thực tế là sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn. “Vì vậy, Dự thảo luật cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế” - bà Lan nói.
Đây cũng không phải lần đầu tiên ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan góp ý về vấn đề này. Ngày 24/10/2022, phát biểu thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), bà Lan cho rằng những phân tích, đánh giá và giải pháp đưa ra trong dự án luật chưa thể giải quyết được các bất cập về việc xã hội hóa và cơ chế tự chủ của các bệnh viện công. Mục tiêu chính của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế trong mỗi cơ sở khám chữa bệnh để tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, quy định hiện nay “chỉ loay hoay tập trung vào việc làm sao giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thấp nhất, bảo hiểm y tế thanh toán mức thấp nhất”. Điều đó dẫn đến việc cả bệnh viện đầu ngành, với lượng chất xám, lượng cán bộ, cơ sở khang trang, đồ sộ cũng phải rút khỏi tự chủ vì thực chất chưa có tự chủ.
“Thực sự chúng ta chỉ chạy theo sự cố, nay bị thế này, mai bị thế kia và hậu quả là bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân viên y tế thì sợ hãi, không dám làm, không dám chủ động sáng tạo và xin nghỉ” - bà Lan nói.
Trong khi đó, ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) từng cho rằng, xã hội hóa y tế nhưng tránh bị lạm dụng. Đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, nhân viên y tế mong muốn Luật tạo công cụ pháp lý hỗ trợ, tạo thêm niềm tin trong một môi trường pháp lý đầy đủ và an toàn.
Mới đây, tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng rất quan tâm về các quy định liên quan đến việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Trong đó nổi lên việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, chỉ định thầu, đấu thầu tập trung, hình thức và cơ chế đàm phán giá; bệnh viện sử dụng máy đặt, máy mượn... Đó đều là những vấn đề nổi cộm của ngành y. Thực tế thì cũng đã không ít trường hợp vi phạm pháp luật hiện hành, bị xử lý.
Nói như ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) thì hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ dẫn đến tiêu cực. Từ đó ông Trí đề xuất quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế theo 2 bước: Thứ nhất, đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia cần lựa chọn nhà thầu có chất lượng và có giá trần. Thứ hai, các cơ sở y tế có nhu cầu, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp phù hợp hoạt động của cơ sở mình và không cao hơn giá trần. Ông Trí cũng cho rằng chỉ nên áp dụng đấu thầu tập trung hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm. Chỉ như vậy mới đấu thầu được, mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các tuyến bệnh viện; bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường.
Xã hội hóa y tế là chủ trương đúng, nhưng rất cần một hành lang pháp lý vững chắc. Khi mọi chuyện còn thiếu quy chuẩn thì rất có thể dẫn đến sai phạm, chưa nói những trường hợp cố tình lợi dụng lỗ hổng của luật để trục lợi.
Cũng chính vì sợ sai nên thời gian qua việc đấu thầu thuốc, vật tư thiết bị y tế, liên kết máy móc kỹ thuật cao phục vụ người bệnh đã bị đình trệ; ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương xã hội hóa y tế. Hoạt động của hệ thống bệnh viện công bị ảnh hưởng, người dân (trong đó những người khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế) thiệt thòi.
Vì vậy Luật Đấu thầu và Luật Giá (sửa đổi) rất được chờ đợi. Để kết thúc bài viết này, xin được nhắc lại ý kiến của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 23/5, là cần sớm có luật để “tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế”.