Là cán bộ lão thành cách mạng, kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã đảm nhận nhiều trọng trách. Trong công tác Mặt trận, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng từng là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh và có nhiều đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở bất kỳ cương vị nào, ông đều nỗ lực cống hiến tài năng, trí tuệ, tâm huyết vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của nhân dân.
Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện đang lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, kỷ vật hình ảnh gắn với quá trình hoạt động cách mạng của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng. Qua những tài liệu, kỷ vật, bút tích… để lại đã phần nào cho thấy chân dung của một cán bộ lão thành cách mạng, một nhà báo, nhà văn hóa xuất sắc, một vị lãnh đạo, một tấm gương vì nước, vì dân.
Đó là tập bản thảo cuốn hồi ký về phong trào học sinh, sinh viên và thanh niên 1940-1945 của tập thể tác giả: Huỳnh Văn Tiểng, Thanh Giang, Thành Nguyên được nhà báo Huỳnh Văn Tiểng biên tập, chỉnh sửa hết sức tỉ mỉ, cẩn thận. Tại trang 10 có bút tích sửa chữa của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với nội dung: Để làm nổi bật thêm vai trò to lớn của Tuổi trẻ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, chúng tôi xin kể thêm vài mẩu chuyện chung quanh cuộc khởi nghĩa lớn đầu tiên của dân tộc ta (minh họa bằng các bài báo)...
Tại trang 12 có bút tích với nội dung: Sau cùng để giúp hâm nóng lại nhiệt huyết yêu nước của thanh niên, chúng tôi xin trích thêm bài “Chiến thắng Bạch Đằng”…, một trong nhiều sự kiện lịch sử đã nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của chúng tôi trước năm 1940 và đã thúc đẩy chúng tôi tìm đường đến với cách mạng với sự thành lập phong trào câu lạc bộ học sinh năm 1940 tại trường Petrus Trương Vĩnh Ký.
Tập bản thảo với rất nhiều bài tham luận, bài phát biểu, bản góp ý… có bút tích và chữ ký của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng thể hiện trí tuệ sắc sảo, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của ông đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Tiêu biểu trong số đó là bài tham luận “Thống nhất đất nước về mặt Nhà nước là một vấn đề cấp bách”.
Ngoài ra còn các bài báo mà nhà báo Huỳnh Văn Tiểng viết nhân các sự kiện lịch sử của đất nước như: “Thanh niên Tiền phong, một lực lượng nòng cốt của Đảng trong Tổng khởi nghĩa 25 tháng 8 năm 1945”, “Cách mạng tháng Tám - Bài học sáng ngời dựng nước và giữ nước”, “Nhớ mãi không quên” về sự kiện ngày 20/12/1960 ngày lịch sử thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh, Kết đoàn chúng ta là sắt gang”…
Là một nhà biên kịch, ông đã dành rất nhiều tâm huyết cho những “đứa con tinh thần”, trong đó có vở hài kịch “Những người đau khổ” công diễn tại Nhà hát Lớn Sài Gòn hè năm 1942. Là một người bạn, người đồng chí gắn bó khăng khít trong bộ ba: Hoàng Mai Lưu, ông dành nhiều bài báo viết về nhạc sĩ Lưu Hữu Phước như: “ Nhạc Lưu Hữu Phước gắn với từng bước đi của cách mạng Việt Nam” , “Lưu Hữu Phước - một chiến sĩ xung kích xuất sắc trên mặt trận văn hóa”… Ông cũng đã giúp cho công chúng hiểu hơn về hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa của bài hát đã trở nên bất tử với thời gian qua bài viết: “Bài hát Giải phóng miền Nam ra đời như thế nào”?
Trái tim của một nhà báo giàu xúc cảm ấy cũng đã để lại những bài thơ xúc động với những chặng đường mình đã đi qua như: Bài thơ “Theo dấu chân quân giải phóng” được ông sáng tác để nhớ về ngày 26/4/1975 khi ông là Trưởng đoàn cán bộ VTV tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn:
Chúng ta nhóm dân quân chân đất khí phách anh hào
Đội bom lướt đạn theo chân quân giải phóng tiến vào miền Nam
Cùng toàn dân chiến đấu gian nan
Bắc Nam thống nhất sử vàng còn ghi.
Hay bài thơ “Nhật ký của bé Tania” được ông sáng tác nhân một lần ông sang công tác ở nước Nga với những xúc cảm mãnh liệt:
Mùa đông Bắc Nga lạnh lẽo
Tôi đi giữa nghĩa trang Piscarep âm u nhưng hùng vĩ
Trên nhật ký của cháu:
Giọt nước mắt nghẹn ngào, chú sẽ viết:
Thế hệ này và mãi mãi về sau
Hỡi Tania luôn nhớ cháu
Với lòng biết ơn sâu sắc
Với lòng cảm phục vô ngần
Sau Tania là chiến công nối tiếp chiến công
Chiến thắng bạo tàn
Quyết tan quân xâm lược
Trên đống tro tàn
Tiến hành thắng lợi phục hưng cuộc sống
Đẩy lùi mọi âm mưu phân chia dân tộc
Gây xung đột tương tàn
Siết tay nhau xây dựng một thế giới công bằng - hữu nghị
Cháu Tania, cháu hãy bình tâm an nghỉ!
Ngoài ra còn có các tư trang, kỷ vật gắn liền với quá trình hoạt động của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng như: Áo sơ mi, túi vải, kính mắt, radio… Chiếc máy đánh chữ nhãn hiệu Olympia do Tây Đức sản xuất được ông sử dụng trong thời gian làm Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM. Cuốn hộ chiếu ngoại giao của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng được cấp năm 1988 để xuất cảnh đi Đông Đức. Nhiều tặng phẩm trong nước, quốc tế tặng nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, trong đó phải kể đến hộp xì gà của Chủ tịch Cuba Fidel Castro tặng nhà báo Huỳnh Văn Tiểng tại Quảng Trị. Thanh kiếm do Tổng thống Xu-các-nô - Tổng thống đầu tiên của Indonesia tặng nhà báo Huỳnh Văn Tiểng khi ông tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Trường Chinh dẫn đầu thăm Indonesia năm 1964. Bức ký họa chân dung nhà báo Huỳnh Văn Tiểng do họa sĩ, chiến sĩ Huỳnh Phương Đông vẽ tặng dù đã ngả màu thời gian nhưng vẫn toát lên khí chất, trí tuệ của một nhà báo, nhà hoạt động cách mạng lão thành nhưng hết sức khiêm tốn, giản dị, gần gũi.
Ngày 29/6/2009, ông từ giã cõi trần. Các đồng chí lãnh đạo, anh em, bạn bè, đồng chí, người thân… đã đến tiễn đưa ông và lưu lại những dòng cảm xúc trong 2 cuốn sổ tang hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải viết: “Đồng chí Huỳnh Văn Tiểng - lão thành cách mạng có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”. Ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ sự kính trọng đối với đồng chí Huỳnh Văn Tiểng “cán bộ lão thành cách mạng, đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và phục vụ nhân dân”. Ông Dương Quan Hà - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM xúc động viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Huỳnh Văn Tiểng, đồng chí cách mạng lão thành, người cộng sản kiên trung”. Đạo diễn Lê Dân thương tiếc “người anh cả đã “xếp bút nghiên” để lên đường với cuộc hành trình đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang, con đường hy sinh những quyền lợi cá nhân để góp phần giải phóng dân tộc. Gương sáng ấy đã soi đường cho thế hệ đi sau, trong đó có em”. Nhà thơ Huy Hà đã viết vần thơ đầy cảm xúc:
Cà Mau, Bạc Liêu là vùng đất đứng
Giữ Đài phát thanh kháng chiến chín năm
Thật kiêu hùng quân dân đất phương Nam
Đã ghi công người anh Huỳnh Văn Tiểng
Bề dày hoạt động cách mạng, tài năng và nhân cách cao đẹp, suốt đời cống hiến cho lý tưởng cách mạng cao cả của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng cùng với tài liệu, hiện vật, kỷ vật, bút tích mà ông để lại có ý nghĩa to lớn đã được gia đình tin tưởng trao gửi, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị của các hiện vật, kỷ vật ấy, góp phần giáo dục truyền thống đại đoàn kết quý báu, đạo đức cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.