Là tác giả của các đầu sách nghiên cứu điện ảnh uy tín Xem chữ đọc hình, Chơi cùng cấu trúc, Cánh chim trong gió, Sự lưỡng nan của tình thế làm người và vừa cho ra mắt cuốn 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, nhà báo - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm (42 tuổi) với việc lựa chọn con đường riêng biệt đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của điện ảnh TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nhà báo - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm.
Thưa anh, anh đến sống và làm việc tại TP HCM trong hoàn cảnh nào?
Năm 2007, tôi được cử vào TP HCM để điều hành một tờ tạp chí phong cách sống dành cho nam giới. Dự định ban đầu của tôi là chỉ vào TP HCM ba tháng để xây dựng ê kíp và trở lại Hà Nội, thành phố mà tôi đã gắn bó 12 năm từ khi học Đại học rồi ra trường và đi làm. Nhưng cuối cùng, kế hoạch… không như dự tính.
Thành phố sôi động này đã lập tức quyến rũ tôi với guồng công việc đầy năng động, nhiều cơ hội và những mối quan hệ đồng nghiệp. Những điều đó đã khiến tôi quay ra Hà Nội, nhưng không phải như dự tính ban đầu mà để bán nhà và chuyển hẳn vào TP HCM sống.
TP HCM thời gian đầu tiên đối với cuộc sống của anh ra sao?
Vô cùng dễ chịu. Tôi thuê một căn hộ ở ngay trung tâm và hằng ngày đến công ty để làm việc. Công việc của tôi cũng không theo giờ giấc hành chính nên tôi tự do bay nhảy và gia nhập đời sống hội hè nơi đây. Những buổi tiệc tùng, phim ảnh, show ca nhạc… tràn ngập đã quyến rũ tôi trong những ngày đầu tiên. Nhưng bên cạnh đó còn là những cơ hội mới trong công việc khiến tôi được thử sức mình ở các lĩnh vực mới. TPHCM thực sự mời gọi và mang đến cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời trong những ngày đầu tiên.
TP HCM trong anh có ý nghĩa cá nhân gì?
Đây là mảnh đất của phóng khoáng và sống như mình mong muốn. Tôi vốn là một người yêu thích tự do và không thích gò bó vào những khuôn khổ, cũng không chịu được cuộc sống bị soi mói về đời sống riêng tư, nên TP HCM phù hợp với phong cách sống của tôi. TP HCM với tôi là miền đất để ta được sống là chính mình.
Tôi từng làm thư ký tòa soạn cho tờ TTVH & Đàn Ông. Đây là một tạp chí phong cách sống dành cho đàn ông ở đô thị, nên đòi hỏi phải thấu hiểu tâm lý của độc giả. Lúc đó, đời sống báo chí cũng sôi động, đặc biệt là mảng tạp chí phong cách sống, nên tôi có nhiều cơ hội để trải nghiệm công việc của mình. Những chuyến đi khắp thế giới để trải nghiệm phong cách sống, những cuộc gặp gỡ với các nhân vật truyền cảm hứng đã giúp tôi tiếp cận một lĩnh vực báo chí mà trước đó tôi chưa từng hình dung đến.
Công việc này có ý nghĩa với anh ra sao?
Như đã nói, công việc này giúp tôi khám phá ra, rằng báo chí không những là tin tức, sự kiện, các phóng sự về đời sống xã hội hay những vấn đề thời sự nóng hổi… mà còn quan tâm đến một đời sống hiện đại mà những người thành đạt đang hướng tới. Đó là cách họ thưởng ngoạn cuộc sống, hướng tới một đời sống chất lượng cao hay những thú chơi tinh tế, tao nhã... Tất nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng được bản sắc của một tờ tạp chí giải trí có phong cách với giải thưởng Men of the Year (Những người đàn ông của năm) bằng cách bình chọn ra những gương mặt tiêu biểu có ảnh hưởng đến công chúng, đặc biệt là trong lĩnh vực phong cách sống và giải trí.
Kỷ niệm nào mà anh nhớ nhất trong quá trình làm việc tại TP HCM?
Những chuyến đi. Hầu như tháng nào tôi cũng có những chuyến đi, từ trong nước đến nước ngoài. Chúng thỏa mãn niềm đam mê dịch chuyển của tôi. Nhờ công việc làm báo này, tôi đã đặt chân đến nhiều nước trên thế giới và có những trải nghiệm, những kỷ niệm không thể nào quên trong lĩnh vực làm báo.
Ví dụ như chuyến đi 5 nước châu Âu năm 2011 gặp sự cố (núi lửa ở Iceland phun trào, các chuyến bay đều bị hủy), nhưng thay vào đó, chúng tôi đã có một hành trình bằng đường bộ thú vị từ Ba Lan sang Anh và được trải nghiệm vẻ đẹp của châu Âu trên đường.
Đọc sách anh viết, ngoài ham muốn du lịch và làm báo, có thể thấy, từ thơ ấu, anh đã say mê với điện ảnh?
Điện ảnh là một niềm đam mê khác của tôi. Từ ngày còn bé, lúc còn ở vùng quê thiếu thốn về tinh thần, những bộ phim đen trắng của Việt Nam của giai đoạn điện ảnh cách mạng đã mê hoặc tôi và giúp tôi được nhìn ngắm vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam ở các vùng miền khác nhau qua điện ảnh.
Tôi xem Mẹ vắng nhà, Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Bao giờ cho đến tháng Mười, Chuyến xe bão táp… từ những ngày còn thơ bé và những ký ức đó in sâu vào trong não bộ của tôi cho đến khi trưởng thành. Có lẽ đó là cơ duyên đầu tiên để đưa tôi đến với điện ảnh qua việc viết phê bình.
Phê bình nghiên cứu điện ảnh là đam mê của anh từ xưa, hay là một công việc đến tự nhiên không biết trước?
Từ những bộ phim xem được trong những năm tháng tuổi thơ, dần dần điện ảnh trở thành một niềm đam mê của tôi lúc nào không biết. Trong những năm học Đại học ở Hà Nội, tôi xem hàng trăm bộ phim khác nhau, từ trong nước đến nước ngoài, từ những tác phẩm kinh điển đến những bộ phim mới nhất. Dần dần chúng trở thành một kiến thức dày dặn và giúp tôi lựa chọn điện ảnh như một mảng đề tài chuyên sâu và khai triển thế mạnh của mình.
Sau rất nhiều năm, tôi mới có ý thức về công việc phê bình và nghiên cứu điện ảnh, đặc biệt là trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi tôi cảm giác mình đủ tự tin để thể hiện những quan điểm của mình về điện ảnh cũng như soi chiếu các vấn đề xã hội thông qua điện ảnh.
Điện ảnh là lĩnh vực không mới, nhưng lại thiếu những nhà nghiên cứu phê bình có tâm và có tầm?
Điện ảnh ra đời hơn 100 năm và là một bộ môn nghệ thuật có tính đại chúng cao. Tuy nhiên, để thấu hiểu một bộ phim, đặc biệt là ở góc độ chuyên môn hay những cảm thụ về mặt nghệ thuật không dễ dàng, đòi hỏi bạn phải có một nền tảng kiến thức vững chắc, những quan sát sắc bén và khả năng thể hiện sâu sắc.
Không chỉ ở lĩnh vực điện ảnh mà ở Việt Nam, tôi thấy lĩnh vực nào cũng thiếu những nhà nghiên cứu, phê bình có tâm và có tầm. Cá nhân tôi cũng không tự nhận mình là một người làm nghiên cứu phê bình trong lĩnh vực điện ảnh. Chuyên môn của tôi là báo chí và lĩnh vực tôi quan tâm, đam mê là điện ảnh.
Một mình trong việc nghiên cứu điện ảnh, anh có thấy cô đơn?
- Thực ra không đến mức một mình. Dù yếu và thiếu, nhưng tôi cũng có nhiều người bạn, đồng nghiệp, đăc biệt là những bạn trẻ đam mê điện ảnh đang theo đuổi công việc của mình trong âm thầm. Công việc nghiên cứu phê bình luôn đơn độc, nhưng tôi nghĩ đó cũng là điều kiện cần của công việc này. Bởi nếu sa vào những mối quan hệ, người viết cũng đánh mất sự độc lập trong nhận định. Trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình mà dĩ hòa vi quý hay nói nước đôi, không muốn mất lòng ai thì tôi nghĩ đó không phải là phê bình.
Và anh đã viết 5 cuốn sách dày dặn về điện ảnh. Vừa làm việc về báo chí, công tác quản lý, anh đã làm gì để duy trì sự đam mê này?
Đơn giản là phải chia tách rõ ràng hai mảng này. Công việc báo chí là nghề nghiệp mà tôi được đào tạo chính thống và có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc nên tôi biết cách để sắp xếp và không ảnh hưởng đến niềm đam mê của mình. Còn với điện ảnh, nó là một điềm đam mê được bồi đắp, tích lũy theo ngày tháng và lớn dần lên theo thời gian. Tôi gần như xem phim và đọc sách mỗi ngày trong 10 năm qua, có lẽ nhờ vậy mà tôi luôn cập nhật cái mới, luôn cảm thấy tươi mới trong cảm xúc.
Anh có thể chia sẻ quá trình viết mỗi cuốn?
Trong 5 cuốn sách đã xuất bản, cuốn đầu tiên Xem chữ đọc hình là tập hợp những bài phỏng vấn, chân dung và phê bình điện ảnh sau 5 năm tôi làm việc ở tờ tuần báo Sinh viên Việt Nam. Cuốn thứ 2 Chơi cùng cấu trúc tôi biên soạn, tập hợp những bài phê bình, điểm phim từ các cây bút trẻ trong cộng đồng điện ảnh mà tôi có quen biết và đánh giá cao. Cuốn sách này nằm trong Tủ sách điện ảnh của đạo diễn Việt Linh.
Hai cuốn sách Cánh chim trong gió và Sự lưỡng nan của tình thế làm người lại là hai tuyển tập mà tôi tập hợp từ những bài viết tạo được hiệu ứng tốt trên trang facebook cá nhân hay những bài báo đã đăng. Cả hai tập sách này không đơn thuần chỉ là phê bình hay điểm phim, mà có cả những bài viết dùng điện ảnh để soi chiếu những vấn đề nóng bỏng mang tính thời cuộc.
Cuốn gần đây nhất, 101 bộ phim Việt Nam hay nhất là một dự án khảo cứu, phê bình mang dấu ấn cá nhân của tôi đối với điện ảnh Việt Nam, một “món nợ” mà tôi muốn trả cho tình yêu điện ảnh của mình.
Cuốn gần đây nhất, 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, anh đã phải nghỉ việc báo chí để hoàn thành? Sự ngừng lại công việc trong 8 năm có ảnh hưởng tới anh ra sao?
Tất nhiên là trong giai đoạn đầu tôi có chút chông chênh, vì mất một khoản thu nhập cao hàng tháng. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi buộc phải kỷ luật hơn trong công việc. Bên cạnh việc xem lại hàng trăm bộ phim, tập hợp tư liệu và viết giới thiệu, bình luận từng bộ phim một, tôi cũng phải viết báo hay tham gia các dự án truyền thông khác để có thêm thu nhập.
101 bộ phim này là sự lựa chọn của cá nhân anh và dựa trên những tiêu chí chung nào?
Trước hết, đó phải là những bộ phim Việt Nam hay, tạo được dấu ấn qua các thời kỳ và giành các giải thưởng trong và ngoài nước. Thứ hai, chúng thể hiện được bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam. Những bộ phim hay với tôi phải là những bộ phim nói được một điều gì đó về thời mà những người làm phim đang sống qua ngôn ngữ điện ảnh. Và qua thời gian, chúng trở thành một phần của di sản văn hóa mà khán giả thời sau phần nào đó hiểu được cha ông chúng ta đã sống như thế nào.
Xin cảm ơn anh!
Công việc nghiên cứu phê bình luôn đơn độc, nhưng tôi nghĩ đó cũng là điều kiện cần của công việc này. Bởi nếu sa vào những mối quan hệ, người viết cũng đánh mất sự độc lập trong nhận định. Trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình mà dĩ hòa vi quý hay nói nước đôi, không muốn mất lòng ai thì tôi nghĩ đó không phải là phê bình. |