Trước khi nghỉ hưu (1995), nhà báo Thái Duy vào TP Hồ Chí Minh thăm anh chị em từng ở Báo Giải Phóng. Trong một bữa cơm ở nhà Phó Tổng Biên tập phụ trách phía Nam của Báo Đại Đoàn Kết Trần Thanh Phương, có Nguyễn Hồ và tôi, ông bảo: “Tụi bay nhớ, còn đi được cứ đi, còn viết được cứ viết, còn “chơi” được cứ chơi”.
Rồi ông ao ước: “Tao cố sống đến khi cầu Mỹ Thuận (bắc qua sông Tiền) xây xong mới chết”. Cầu Mỹ Thuận thông xe ngày 24/4/2000. Như vậy là ông “lời” được 24 năm…
Trong gần trăm bài báo về nhà báo, nhà văn Thái Duy, tôi tâm đắc nhất bài “Nhà báo Thái Duy: Sống như là viết” của Nguyễn Minh Hiền - nguyên phóng viên Báo Giải Phóng. Mở đầu bài báo ấy, chị viết: “Có thể “tổng kết” về nhà báo Thái Duy - Trần Đình Vân: “Đi trọn những chiến dịch quan trọng nhất của hai cuộc chiến tranh giữ nước, từ chiến dịch Biên giới đến chiến dịch Hồ Chí Minh, ghi nhận và phản ánh 10 kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 nhiệm kỳ Quốc hội nước Việt Nam. Sự kiện nào ông cũng có đầy đủ nguồn tài liệu quan trọng nhất (các nhà báo khác thường phải xin thông tin mà ông có). Cách đây mấy mươi năm, ông là người gọi tham nhũng, lãng phí là “giặc nội xâm”. Hơn 70 năm cầm bút, ông chỉ một chức danh: Phóng viên. Ông thường lấy thực tiễn đời sống dạy chúng tôi cách để tự mình lý giải nó. Ông mắng nên thân khi thấy chúng tôi có biểu hiện thiếu gắn bó với đời sống nhân dân, lười đọc, lười học, lười suy nghĩ, dễ dãi trong lao động nghề nghiệp”.
Nhà báo Nguyễn Minh Hiền (cuối những năm 1990, chị là người sáng lập và là Tổng biên tập Báo Doanh nhân Sài Gòn) “tổng kết” được như vậy là nhờ có mặt ở chiến khu Bắc Tây Ninh từ lúc chuẩn bị ra Báo Giải Phóng (ngày 20/12/1964), khi mới 13 tuổi và đã được “chú Hai” hết mực cưng chiều, rồi hai người xem nhau hơn cả ruột thịt.
Riêng tôi thì biết nhà báo Thái Duy khá muộn, dù rằng trước khi vào chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên - Huế, tháng 8/1965, đã được đọc “Sống như Anh” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 7 năm đó. Năm 1973, Báo Giải Phóng nhận được một xe tải sách từ Hà Nội gửi vào để lập thư viện (đến giờ tôi vẫn không biết cơ quan nào gửi), trong đó có tác phẩm “Sống như Anh” in đẹp hơn nhiều so với cuốn tôi đã đọc từ ngày còn là học trò lớp 10 ở miền Bắc. Tôi hỏi anh Nguyễn Hồ - một trưởng ban của Báo Giải Phóng, Trần Đình Vân là ai, anh nói là nhà báo Thái Duy - người cùng nhà báo Kỳ Phương, Nguyễn Tâm Trí khai sinh Báo Giải Phóng. Rồi Nguyễn Hồ kể, ông Thái Duy viết “Những lần gặp gỡ cuối cùng” trong 15 ngày, ngay sau Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các Lực lượng Vũ trang miền Nam lần thứ nhất (từ ngày 2 đến 6/5/1965) ở khu căn cứ Bắc Tây Ninh. Thấy chưa ổn, ông xuống Củ Chi gặp đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi trong đơn vị Biệt động Thành tìm thêm tư liệu, thêm bớt và sửa kĩ. Cơ may, có một phóng viên Liên Xô đến tác nghiệp ở vùng giải phóng Đông Nam bộ trở ra Hà Nội qua đường bay Phnom Penh, ông nhờ mang bản thảo ấy ra Hà Nội. Bản thảo “Những lần gặp gỡ cuối cùng” đến tay Thủ tướng Phạm Văn Đồng, dù rất phiền về lỗi chính tả còn nhiều nhưng thích thú với cách tiếp cận nhân vật của tác giả, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị đổi “Những lần gặp gỡ cuối cùng” thành “Sống như Anh”. Cuốn sách ấy có một đời sống đặc biệt, hàng chục nghìn bản được in và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới (tôi được biết, đến nay “Sống như Anh” đã in 400 nghìn bản). Cuối năm 1969, sau những lần sốt rét hoành hành, ông đã được cấp trên cho ra Bắc qua đường bay Phnom Penh - Bắc Kinh trong vai một nhà tư sản.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, tôi được gặp nhà báo Thái Duy khi ông đến thăm Báo Sài Gòn Giải phóng do Tòa soạn Báo Giải Phóng từ chiến khu về được giao nhiệm vụ xuất bản. Chúng tôi - nhất là phóng viên và anh chị em hậu cần, nhà in từng gọi Thái Duy là “chú Hai”, đón “người nhà” Trần Đình Vân bằng trà đá mà vô cùng ấm cúng.
Khi Báo Giải Phóng sáp nhập với Báo Cứu Quốc để xuất bản Báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Thái Duy thường vào TPHCM với anh chị em Ban Đại diện của báo ở các tỉnh phía Nam, tôi mới được dịp trò chuyện nhiều với ông, cùng ông đi viết ở Đồng bằng sông Cửu Long và bắt đầu hiểu một phóng viên kỳ cựu chỉ đi và viết, đi và viết không ngưng nghỉ với phương châm “biết mười, viết một”.
Tôi nhớ mấy lần tháp tùng nhà báo Thái Duy đi viết về hai đợt cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam (từ tháng 9/1975 đến nửa đầu thập niên 1980, có mật danh là X1 và X2) và phong trào đưa nông dân Nam bộ vào làm ăn tập thể, ông đều không vui. Có hôm ông nói với tôi, đại ý, cải tạo gì mà tịch thu hàng hóa của tiểu thương rồi đổ đống xà phòng với kềm búa; tủ lạnh, tivi với xe máy, xe đạp…, coi chừng rồi đây không có nhu yếu phẩm cho dân dùng. Ép buộc vào hợp tác xã, coi chừng nông dân bỏ ruộng.
Tôi nghĩ từ nhận thức có những sai lầm trong chính sách “cải tạo” ấy mà từ năm 1979 đến 1986, nhà báo Thái Duy có mặt thường xuyên với những nông dân ít học nhưng ngoan cường bám lấy mảnh đất 5% và tích cực “khoán chui” để phản ánh cách nông dân làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp, đăng trên Báo Đại Đoàn Kết, được rất nhiều độc giả tìm đọc (năm 2013 được tập hợp in thành sách “Khoán chui hay là chết” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành). Phải chăng cả trăm bài báo ấy đã góp phần “cởi trói” sức sản xuất? Rồi Đảng có Nghị quyết 100, Nghị quyết 10 đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo với số lượng nhất nhì thế giới.
Ông thường lấy thực tiễn đời sống ấy nói với chúng tôi cách để tự mình lý giải nó. Ông đọc một bài báo hay, một cuốn sách hấp dẫn thì photo ra nhiều bản cho chúng tôi, kể cả những cuốn sách lý luận về đổi mới, về cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế với thế giới. Ông viết thư căn dặn kỹ lưỡng vì đấy là tài liệu “quý” mà ông mượn được. Có lần ông bảo đọc phải đúng hẹn trả thì ông mới “có uy tín” để tìm thêm tài liệu (tức mượn tài liệu của một số cán bộ cao cấp ở Trung ương) khác mà đọc.
Mỗi lần vào TPHCM là mỗi lần ông mòn chân đến thư viện. Phát hiện những tủ sách quý của chúng tôi, ông xin ngủ ngay bên cạnh, không cần nệm ấm chăn êm, chỉ cần một cái quạt máy con con và một ấm trà. Ông đọc, ghi chép và nhớ không thiếu thứ gì. Tư liệu trong các bài viết của ông luôn chuẩn xác cả không gian lẫn thời gian, cả tên nhân vật đến nơi ở, nơi làm việc. Khi gửi bài cho các báo, lúc nào ông cũng một câu: “Chúng mày đọc kỹ xem có phù hợp không, nếu đoạn nào khó dùng cứ bỏ”. Cẩn trọng với từng chữ viết và tôn trọng đồng nghiệp dù đáng tuổi con cháu là đặc tính nhất quán của ông. Ông luôn viết với nội dung riêng cho từng báo, bản thảo viết tay trên một mặt giấy, chữ đều tăm tắp, không bao giờ thiếu nét, chừa lề 1/3 trang để toà soạn có thể thêm bớt, sửa chữa. Ông đọc đi đọc lại bản thảo cho đến khi còn có thể.
Ngay trước khi nghỉ hưu (1995), nhà báo Thái Duy vào TPHCM thăm anh chị em từng ở Báo Giải Phóng. Trong một bữa cơm ở nhà Phó Tổng Biên tập phụ trách phía Nam Báo Đại Đoàn Kết Trần Thanh Phương, có Nguyễn Hồ và tôi, ông bảo: “Tụi bay nhớ, còn đi được cứ đi, còn viết được cứ viết, còn “chơi” được cứ chơi”. Rồi ông ao ước: “Tao cố sống đến khi cầu Mỹ Thuận (bắc qua sông Tiền) xây xong mới chết”. Cầu Mỹ Thuận thông xe ngày 24/4/2000. Như vậy là ông “lời” được 24 năm. Còn chúng tôi vẫn nghe lời ông, vẫn đi, viết và chơi mút mùa…