Mặt trận

Vĩnh biệt nhà báo Thái Duy - người trọn đời làm báo Mặt trận

Cẩm Thúy 16/04/2024 08:01

Nhà báo Thái Duy, cây đại thụ của Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết đã từ trần hồi 20 giờ 56 phút ngày 14/4/2024 (tức ngày 6/3 âm lịch), hưởng thọ 99 tuổi. Trong suốt chặng đường vẻ vang hơn 90 năm của MTTQ Việt Nam, nhà báo Thái Duy đã tham gia vào rất nhiều giai đoạn quan trọng với tư cách là phóng viên của tờ báo Mặt trận, luôn có mặt và đi đầu trong nhiều sự kiện nóng bỏng nhất.

anh-bai-trang-9.jpg
Nhà báo Thái Duy (1926-2024).

Đa số bạn đọc trong cả nước biết đến ông với bút danh Trần Đình Vân qua tác phẩm văn học Sống như Anh, nhưng hơn hết ông là một nhà báo đặc biệt, có một sự nghiệp báo chí hết sức vẻ vang.

Vào báo Cứu Quốc năm 1949, nhà báo Thái Duy trở thành phóng viên chiến trường theo bước chân bộ đội qua nhiều chiến dịch. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông thuộc số ít phóng viên có mặt ngay từ đầu chiến dịch, trực tiếp viết bài ngay tại Mặt trận và gửi về toà soạn qua đường giao liên. Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm De Castries, ông là một trong số nhà báo có mặt trong hầm ngay từ những phút giây đầu tiên, chứng kiến thời khắc lịch sử của cả dân tộc với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông kể về đêm đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm De Castries: “Khi De Castries đầu hàng thì tất cả các phóng viên có mặt ở chiến trường lúc ấy đều kéo nhau vào hầm thôi. Tôi với anh Khắc Tiếp báo Quân đội Nhân dân cùng vào, còn định rủ nhau tối nay sẽ ngủ ở đây một giấc, nhưng sau vì không còn chỗ ngủ nên chúng tôi lại ra. Sau này tôi còn làm phóng viên ở nhiều chiến trường khác như chiến trường Lào, chiến trường miền Nam, nhưng Điện Biên Phủ là trận đánh trực tiếp lớn nhất mà tôi được chứng kiến. Bất kỳ ai có mặt ở đó vào thời điểm ấy thì đều thấy tự hào.”

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, báo Cứu Quốc trở về Hà Nội. Năm 1964, từ tòa soạn Cứu Quốc ở Hà Nội, nhà báo Thái Duy vượt Trường Sơn vào Nam cùng Tổng biên tập Trần Phong và nhà báo Tâm Trí để cùng với lực lượng tại chỗ thành lập báo Giải Phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Thời kỳ làm báo Giải Phóng giữa chiến trường miền Nam chính là giai đoạn ông đã viết Sống như Anh - cuốn sách viết về cuộc đời anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Tháng 3/1965, tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn Miền Nam được tổ chức tại căn cứ Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, ông đã gặp chị Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, lúc này đã tham gia biệt động, là đại biểu dự Đại hội. Nhà báo Thái Duy được giao nhiệm vụ gặp và ghi chép lại những chuyện kể của chị Quyên về anh Trỗi, hạn trong 15 ngày phải xong. Bản thảo được một phóng viên Liên Xô (trước kia) mang ngay ra miền Bắc, qua đường hàng không từ Phnôm Pênh, tới Bác Hồ, được Bác khen ngợi, chỉ đạo in thành sách. Từ cái tên ban đầu là “Những lần gặp gỡ cuối cùng”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành “Sống như Anh”, đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7/1965, với 302 nghìn bản. Sau đó được tái bản liên tục, lên tới hàng triệu bản.

Không phải chỉ ở giữa chiến trường miền Nam, nhà báo Thái Duy còn có những năm tháng làm phóng viên chiến trường ở Mặt trận Lào. Nhưng như ông nói, nếu thời kỳ làm báo ở chiến khu Việt Bắc cực kỳ khó khăn trong việc gửi tin bài về cho tòa soạn, thì “lúc viết báo ở chiến trường Lào, bài vở của tôi gửi về Hà Nội bằng đường hàng không đã khác hẳn, rất đều đặn”.

Đất nước thống nhất, sau năm 1975, nhà báo Thái Duy trở về Hà Nội làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết (sáp nhập từ Cứu Quốc và Giải Phóng).

Lúc ấy đã ở độ tuổi ngoài 50, đã trải qua những gian khổ và vinh quang nghề nghiệp, quen biết và thân thiết với nhiều nhà lãnh đạo cấp cao trong suốt 2 cuộc kháng chiến, mà ở ông không hề có một chút tâm lý “công thần”. Suốt đời ông chỉ viết và làm một việc mà ông say mê là làm phóng viên. Suốt 2 cuộc kháng chiến, ông luôn ở “mũi nhọn” của một tòa soạn báo, tức là nơi chiến trường gian khổ ác liệt nhất. Còn sau ngày đất nước thống nhất, phóng viên Thái Duy tiếp tục đi tiên phong với những đề tài gai góc nhất đặt ra trong đời sống xã hội giữa những năm đất nước thực hiện chế độ bao cấp với những dự cảm mới về cuộc sống nhân dân.

Trong đó, đề tài được ông theo đuổi nhiều nhất là “khoán chui” trong nông nghiệp. Toàn bộ những bài viết trong những năm đầu thập niên 1980 sau này đã được ông tập hợp trong cuốn sách: “Khoán chui hay là chết”, xuất bản năm 2013.

Dù công cuộc “khoán chui” được bắt đầu từ Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc từ năm 1966, dù Hải Phòng cũng đã là địa phương đi đầu trong khoán hộ, dù “khoán chui” đã có được sự ủng hộ của cá nhân những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhưng đến những năm đầu thập kỷ 1980, thời điểm nhà báo Thái Duy viết những bài báo về khoán chui, cuộc đấu tranh giữa 2 cách làm vẫn gay gắt, quyết liệt.

Thời điểm hàng trăm bài báo về “khoán chui” trong nông nghiệp của nhà báo Thái Duy xuất hiện đều đặn trên báo Đại Đoàn Kết là thời điểm “đêm trước của Đổi mới”. Sau này, vấn đề khoán trong nông nghiệp mà trước đó phải xé rào làm chui đã trở thành chủ trương lớn, những cá nhân dũng cảm “xé rào” đã được ghi nhận, được tôn vinh. Đó là một trong những dấu ấn đi tiên phong của báo Đại Đoàn Kết, tờ báo đi đầu trong việc ủng hộ một xu hướng mới hợp lòng dân, mang lại hạnh phúc và cơm no áo ấm cho nhân dân…

Ở tuổi ngoài 50, chỉ trong 2 năm 1980 - 1981, nhà báo Thái Duy đã viết hàng trăm bài báo trải đều ở khắp các địa phương trong cả nước. Bài nào cũng ngồn ngộn thông tin, không phải ngồi một chỗ viết, mà xuống tận từng cánh đồng, từng hợp tác xã, gặp từng người nông dân... Hàng trăm bài báo đăng trên báo Đại Đoàn Kết 2 năm 1980 - 1981 ấy phản ánh và chứng minh thực tế: Nơi nào dân “xé rào” làm “khoán chui”, tức là không áp dụng “khoán việc” theo kiểu đánh kẻng đi làm, mà khoán việc, khoán hộ thì nơi đó đời sống nhân dân ấm no, sung túc.

437931400_10211319669704018_1705432018403785587_n.jpg
Bác Hồ cùng nhà thơ Tố Hữu tiếp đoàn đại biểu Hội văn nghệ Giải phóng miền Nam (năm 1966). Người ngồi bên trái Bác là nhà văn, nhà báo Thái Duy. (Ảnh tư liệu).

Nhà báo Thái Duy đã được gặp Bác Hồ nhiều lần. Nhắc đến Bác bao giờ ông cũng dành tình cảm đặc biệt. Có một người nữa ông luôn luôn nhắc đến với tất cả sự quý mến và trân trọng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông kể rằng ông là người từng được gần gũi Đại tướng, từng chắp bút cho Đại tướng những bài viết về đại đoàn kết dân tộc. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, nhà báo Thái Duy ngày nào cũng đi đến nhà 30 Hoàng Diệu, cho đến hôm đưa tang Đại tướng, ông đứng xếp hàng ở Nhà tang lễ Quốc gia, lúc trở về mắt mọng nước...

Khi tôi vào báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Thái Duy đã nghỉ hưu một số năm, nhưng có cảm giác như ông vẫn là người của cơ quan, vì mỗi ngày ông vẫn đến trò chuyện cùng mọi người, các số báo vẫn in bài của ông. Thời ấy, bạn đọc còn gửi thư tay về tòa soạn và ngày nào chúng tôi cũng nhận được những bức thư của độc giả dành lời khen ngợi đến những bài viết của ông.

Còn nhớ có lần tôi gọi điện xin được gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi để phỏng vấn, nhà văn nổi tiếng lúc ấy đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật đã nói với phóng viên trẻ qua điện thoại: Tôi nể Mặt trận và tôi nể bạn tôi là nhà văn Trần Đình Vân mà tôi nhận lời cô!

Suốt đời chỉ làm báo Mặt trận, không làm việc gì khác, chưa từng chuyển cơ quan nào, chưa từng đảm nhận một chức vụ nào, nhà báo Thái Duy suốt đời chỉ với danh xưng duy nhất là phóng viên.

Năm 2023, như có một dự cảm khi tuổi ông đã cao, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mà cụ thể là vợ chồng nhà báo Kim Hoa - Sĩ Đại với sự trân trọng đặc biệt dành cho nhà báo Thái Duy đã dành hết tâm sức để hoàn thành bộ phim “Thái Duy: Sống và viết”. Vào buổi lễ ra mắt bộ phim, nhà báo Thái Duy ở tuổi 98 vẫn đến dự, xem xong bộ phim ông phát biểu rất ngắn gọn bày tỏ sự hài lòng. Cũng trong năm 2023, ông đã được nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Ông bắt đầu yếu đi từ tháng 10/2023 và cho tới khoảng gần 1 tháng nay, ông mệt nặng. Một trí tuệ mẫn tiệp, một trái tim nồng hậu với cuộc đời, với nghề viết, với cách mạng, đất nước và nhân dân đã chậm rãi đập những nhịp cuối của một cuộc đời hết sức vẻ vang. 99 tuổi ta, ông ra đi ở tuổi thượng thọ. Nhưng đối với báo Đại Đoàn Kết, với bạn đọc và những người yêu quý ông, thì sự ra đi của nhà báo Thái Duy vẫn là một mất mát khó bù đắp.

Tôi viết bài này dành để tiễn biệt ông, một trong những cây đại thụ cuối cùng của một thế hệ trong làng báo với một cuộc đời xứng đáng để ngợi ca!

Đánh giá về đóng góp của nhà báo Thái Duy, cố nhà báo Hữu Thọ viết: “Cuộc đấu tranh cho chủ trương khoán sản phẩm ra đời rất quyết liệt, không chỉ quyết liệt ở cơ sở mà quyết liệt cả từ những người và cơ quan cấp cao, không chỉ trong nội bộ mà cả với ý kiến có gang có thép của một số cố vấn của Liên Xô (...). Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như Thái Duy, Lê Điền ở Báo Đại Đoàn Kết, Hồng Giao ở Tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông tấn xã, Đắc Hữu ở Báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương... trong đó theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”. (Chui ra chỗ sáng - Báo Nhân Dân số ra ngày 22/4/2013).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vĩnh biệt nhà báo Thái Duy - người trọn đời làm báo Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO