Hôm nay (21/6), hơn 700 cơ quan báo chí, hơn 40 nghìn nhà báo trên cả nước sẽ đón Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trong bối cảnh đất nước dần trở lại trạng thái bình thường sau hơn 2 năm chống đại dịch Covid-19. Và, báo chí trong những ngày này vẫn đang cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua thông tin với mạng xã hội và trong cuộc chiến chống lại tin giả (fake news).
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện về nghề báo với 3 vị khách mời: TS Nguyễn Viết Chức- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa-xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam; và hai ĐBQH khóa XV: PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục; TS Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật.
Áp lực thông tin nhanh, chính xác, hấp dẫn
PV: Thưa các vị khách mời, các ông đánh giá thế nào về vai trò vị trí của báo chí trong thời đại của “xa lộ” thông tin hiện nay?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đang sống trong một bối cảnh có nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội đối với báo chí nói chung, nhà báo nói riêng. Thách thức đó đến từ áp lực phải có thông tin nhanh, chính xác, sâu sắc, hấp dẫn trước đòi hỏi ngày càng nhiều từ phía công chúng và đặc biệt hơn từ sự cạnh tranh của mạng xã hội. Công chúng ngày càng khắt khe hơn với thông tin từ báo chí và không chỉ giới hạn ở đưa tin mà còn phải phân tích sâu sắc, đa chiều, nhanh chóng, hấp dẫn. Trong một thế giới có vô vàn thông tin như vậy, đối với báo chí, lựa chọn thông tin gì, thông điệp nào, hiệu quả ra sao, đưa lúc nào và bao giờ phải kết thúc... không phải chuyện đơn giản. Tuy nhiên, trên “xa lộ” thông tin ấy, cơ hội lại đến với nhà báo khi có điều kiện tiếp cận nguồn tin, có nhiều cách để xác thực thông tin và đưa thông tin nhanh đến công chúng. Đó còn là sự quan tâm, nguồn lực ngày càng lớn của xã hội dành cho báo chí.
Thông tin nhiều nhưng cũng thật nhiều thông tin nhiễu, thông tin giả theo kiểu "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường"- đó là thách thức của người làm báo. Theo các ông, báo chí cần làm gì để góp phần dẹp bỏ vấn nạn ấy?
TS Nguyễn Viết Chức: Báo chí, hơn bất kỳ ngành nghề nào khác, có cái thuận lợi là nơi cung cấp thông tin. Và vì thế, có thể nói rằng báo chí như chiến tuyến hàng đầu để chống tin giả. Phương tiện hữu hiệu để báo chí chống lại tin giả là sự thật. Mình đưa ra sự thật thì sự giả dối sẽ bị bóc trần.
Cung cấp sự thật; thông tin kịp thời đúng sự thật là vũ khí hữu hiệu để các tờ báo, các cơ quan báo chí, các nhà báo góp phần chống tin giả. Báo chí vì chính yêu cầu nghiệp vụ của mình cần phải trở thành “người tiên phong” trong cuộc chiến chống tin giả. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi công nghệ truyền thông có khả năng phát tán một cách rất nhanh các loại thông tin, cả có ích lẫn không có ích; thậm chí nhiều lúc phát tán thông tin giả còn nhanh hơn do con người ta vốn có tính hiếu kỳ, rất tò mò với những chuyện giật gân.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi rất tâm đắc với một triết lý phương Đông là “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như một cách ứng xử luôn có sự đa dạng, phong phú, thay đổi khó lường trong cuộc sống. Trong cuộc sống đời thường, lượng thông tin rất lớn, không ai có thể bao quát hết được. Và, ai cũng có thể đưa ra thông tin khiến cho chúng ta không thể xác định độ tin cậy của nguồn tin. Đọc thông tin giờ đây có mấy cách: Một là tin tất cả những gì đọc được; hai là nghi ngờ tất những gì đọc được, và có thể có cách thứ ba là nửa tin, nửa không tin! Internet khiến chúng ta xem tin tức rất nhanh và đồng thời cũng phản ứng quá nhanh với các tin tức ấy. Hậu quả là chúng ta phản ứng bằng cảm xúc cảm tính nhiều hơn là cảm xúc dựa trên lý trí. Nhiều người cho rằng đấy là bệnh của “tay nhanh hơn não”. Điều đó cũng đẩy con người tới nhu cầu tìm kiếm những thông tin nhanh nhất, hot nhất.
Vì thế, tôi nghĩ, người làm báo cần có những nguyên tắc quan trọng phải tuân thủ, bất kể việc làm tin có gấp gáp, cần đáp ứng nhu cầu của công chúng đến đâu chăng nữa thì tính khách quan, trung thực, đạo đức... phải được đặt lên hàng đầu. Những chuyển động khác, sự gấp gáp của đời sống xã hội sẽ phải bám lấy và xoay quanh trục nguyên tắc chính của báo chí. Càng có nhiều tin giả, tin thiếu trách nhiệm thì đạo đức, trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo càng phải được đề cao.
TS Hoàng Minh Hiếu: Ở Việt Nam, tin giả đang có xu hướng tăng mạnh, có khả năng gây ra những hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, đã có nhiều thông tin được tạo dựng, lắp ghép để xuyên tạc công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, gây hoang mang dư luận hoặc thậm chí có những thông tin còn ảnh hưởng đến mạng sống con người. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đã từng cảnh báo: “Tin giả lan nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống tin giả còn có một nhân tố rất quan trọng: đó là báo chí chính thống. Trước hết, với tính chất là nguồn thông tin chính thống, các cơ quan báo chí phải cung cấp cho độc giả các thông tin trung thực, công bằng và khách quan một cách nhanh chóng, kịp thời. Việc chậm vào cuộc của các cơ quan báo chí sẽ làm cho các độc giả phụ thuộc chủ yếu vào các thông tin được tiếp cận từ mạng xã hội, là điều kiện để các tin giả lan truyền một cách nhanh chóng.
Muốn chống tin giả thì phải để tin giả không có cách phát tán
PV: Vậy chúng ta sẽ phải làm gì cụ thể hơn nữa để chống tin giả, thưa các vị khách mời?
TS Hoàng Minh Hiếu: Các cơ quan báo chí cần đóng vai trò trung tâm trong việc thẩm định thông tin, phòng chống tin giả, tin sai lệch, từ đó giúp công chúng vững vàng trong nhận thức, hình thành thói quen và kỹ năng trong việc nhận diện những thông tin không đúng sự thật, không có tính khách quan, chính xác.
Phát huy truyền thống của 97 năm Báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, việc nhận thức về vai trò trung tâm của báo chí trong việc phòng, chống tin giả là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Công chúng và các độc giả luôn đặt niềm tin vào các cơ quan báo chí như là điểm tựa trong cuộc chiến chống tin giả ngày càng quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trong sự phát triển như vũ bão của thông tin trên mạng xã hội, báo chí chính thống đau đầu hơn với những thông tin quá nhanh, không cần được điều tiết bởi những giá trị đạo đức, không được kiểm chứng; mà hội chứng tin giả (fake news) đã trở thành vấn nạn đối với nhiều quốc gia. Chính vì thế, thay vì ai đó quan niệm rằng, báo chí chính thống và nhà báo đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình, nhường chỗ cho thế giới của Internet, thì giờ đây báo chí và nhà báo càng phải thể hiện vai trò một cách rõ ràng hơn. Báo chí chính thống cần trở thành hệ điều tiết cho báo chí, truyền thông hiện đại. Tôi luôn giữ vững niềm tin rằng, trong bối cảnh hỗn loạn thông tin do Internet tạo ra, con người vẫn cần có một nguồn thông tin có thể tin cậy được, từ đó định hướng nhận thức và hành vi của mình.
TS Nguyễn Viết Chức: Trước hết phải nhấn mạnh lại, những kẻ có mục đích xấu biết rất rõ nên đã lợi dụng để dựng lên những thông tin tiêu cực có nhiều yếu tố hấp dẫn, làm cho những người hiếu kỳ có thể tiếp xúc một cách nhanh nhất với chúng, gây nên những tác hại tức thì. Cho nên, đối với xã hội hiện đại, khi mà công nghệ phát triển mạnh thì việc chống tin giả lại càng có ý nghĩa rất quan trọng. Những kẻ thích dùng tin giả không từ một thủ đoạn nào, không từ một lĩnh vực nào mà không cố gắng lộng hành. Và tin giả dù trong lĩnh vực nào cũng đều rất có hại cho con người, cho cộng đồng.
Quan điểm của tôi là: Chống tin giả không phải bằng cách đơn thuần là xoá tin giả; mà phải làm sao không để tin giả có đất để mà phát tán. Trên “cánh đồng” thông tin của mình, chúng ta phải gieo trồng những giống cây có ích để không còn chỗ cho cỏ dại mọc xen vào. Ở đây, báo chí đóng vai trò của người gieo trồng những giống cây tốt, những cây hoa đẹp quả ngon, có ích. Và, tôi nhấn mạnh lại: Đó chính là sự thật!
Khi công chúng biết được sự thật một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất thì họ sẽ không bị những tin giả lôi cuốn nữa. Đó chính là vai trò quan trọng của báo chí.
Nhà báo là chiến sĩ tiên phong
Theo TS Hoàng Minh Hiếu, để nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh với nạn tin giả cũng như giảm thiểu tác động xã hội của nó, vấn đề đầu tiên và cơ bản nhất vẫn là cần phải hoàn thiện thể chế, tăng cường sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Liên minh Châu Âu vừa qua đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử với tin giả trên các nền tảng mạng xã hội có tính chất bắt buộc đối với các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, Tiktok… với mục tiêu hành động một cách có hệ thống để loại bỏ những quảng cáo sai sự thực, các tài khoản lan truyền thông tin thất thiệt. Ở Việt Nam, thống kê của Bộ Công an cũng cho thấy trong năm 2021, đã có hơn 150 đối tượng bị xử phạt hành chính do đăng tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội; đã ngăn chặn, yêu cầu gỡ bỏ 10.944 tin, bài viết, video chứa thông tin xấu độc.
PV: Trong cuộc chiến chống tin giả ấy, các ông đánh giá vai trò, trách nhiệm của nhà báo như thế nào? Nhà báo cần làm gì để thể hiện tốt nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến chống tin giả?
TS Nguyễn Viết Chức: Một câu thật ngắn gọn: Tôi quan niệm, những người làm báo phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống tin giả.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” vẫn là một nguyên tắc sống còn của nhà báo và cần có thêm những nội dung mới để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, để báo chí đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tôi nghĩ rằng nhà báo phải ở vị trí trung tâm của cuộc chiến chống tin giả. Để làm được điều đó, nhà báo cần có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng để có sức đề kháng với tin giả (vốn có thể rất hào nhoáng và hấp dẫn), phải có năng lực vững vàng để phân biệt được tin giả và ứng phó được với những tin giả ấy, và đặc biệt nữa phải có chuyên môn tốt để có thể chống lại tin giả, đem lại niềm tin cho công chúng.
TS Hoàng Minh Hiếu: Đối với bản thân các nhà báo, các phóng viên, theo tôi, cũng cần tiếp tục được trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thẩm định nguồn tin, kiểm chứng thông tin, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức để góp phần đấu tranh với tin giả thông qua hoạt động tác nghiệp.
Trân trọng cảm ơn các vị khách mời!
Nhà báo Nguyễn Tri Thức - Ủy viên Ban biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và chuyên san - Tạp chí Cộng sản:
Phải nhận diện và kịp thời đấu tranh, cảnh tỉnh công chúng tránh xa tin giả
Báo chí và những người làm báo có vai trò rất lớn trong việc chống tin giả. Vì tin giả trong môi trường mạng hiện nay tồn tại rất nhiều và ngày càng tinh vi, khó nhận biết hơn. Nếu nhà báo không có sự thẩm định, không có sự cẩn trọng trong việc khai thác thông tin thì sẽ rất dễ bị tin giả dắt mũi, thậm chí là có thể bị những tai nạn nghề nghiệp nếu quá vội vã tin theo những thông tin trên mạng. Hơn nữa, còn những câu chuyện tin giả đặc biệt quan trọng liên quan đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Những tin giả này hết sức tinh vi và nhiều khi chúng xuất hiện một cách ồ ạt. Chúng cũng được làm ra một cách bài bản, công phu và vì chúng rắp tâm chống phá nên thoạt nghe, người ta dễ cảm nhận đó là sự thật. Trong khi thực tế thì đó là những thông tin giả được ngụy tạo bằng nhiều hình thức khác nhau. Chúng chỉ lấy một phần sự thật, bóp méo đi để quy thành bản chất. Chúng mang rất nhiều dạng khác nhau nhưng đều nhằm mục đích để chống phá. Chính vì thế, vai trò của nhà báo trong việc nhận diện tin giả và cảnh báo tin giả là rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là, nhà báo và cơ quan báo chí cần phải tăng cường đấu tranh để ngăn chặn và loại bỏ những tin giả nói riêng và những thông tin xấu độc chống phá nói chung. Vai trò của báo chí là phải định hướng một cách kịp thời, khách quan trung thực, phải chủ động đi trước, nhất là trong các dịp lễ trọng của đất nước, các cơ quan báo chí phải chủ động đi trước để ngăn chặn. Khi có thông tin xấu độc, giả mạo thì cần phải kịp thời cảnh tỉnh ngay để giúp cho công chúng nhận diện được đâu là thông tin giả, thông tin xấu độc mà tránh xa.