Đồng chí Ung Văn Khiêm là thành viên sáng lập An Nam Cộng sản Đảng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khóa II và khóa III, là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đối với sự nghiệp đại đoàn kết, đồng chí Ung Văn Khiêm từng được tổ chức phân công tham gia Mặt trận dân chủ, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm (năm 1961). (Ảnh tư liệu).
Ung Văn Khiêm sinh ngày 13/2/1910 tại làng Tấn Đức, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là Xã Tấn Mỹ, huyện chợ mới, tỉnh An Giang) trong một gia đình có truyền thống yêu nước.
Ông nội là cụ Ung Văn Tre - người đầu tiên đến vùng này diệt thú dữ, khai hoang, lập ấp, biến cù lao thành vùng trù phú và được mệnh danh là đệ nhất cù lao.
Cha của Ung Văn Khiêm là Ung Văn Quản- người đã từng đi theo Trương Định đánh Pháp. Cụ Quản là người học rộng, tài cao nhưng lâm bệnh và mất sớm ở tuổi 41.
Ung Văn Khiêm là một học sinh chăm học và học giỏi. Năm 1924 tốt nghiệp tiểu học, anh thi đậu vào trường thành chung Cần Thơ khóa đầu tiên (nay là trường Châu Văn Liêm).
Dòng máu yêu nước của cha đã giúp chàng thanh niên sớm nhận thức được thời cuộc và xác định con đường phải đi. Mới 16 tuổi, anh đã trở thành thủ lĩnh các cuộc bãi khóa của học sinh trường thành chung Cần Thơ nhân dịp lễ tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh cũng như khi Pháp bắt giam chí sĩ Nguyễn An Ninh hồi tháng 3 năm 1926. Do “xúi dục” bãi khóa, Ung Văn Khiêm bị đuổi học lần thứ nhất.
Vài tháng sau, do đánh lại một tên thực dân là giám thị của trường vì nó ức hiếp bạn mình, anh lại bị đuổi học.
Với tinh thần ham học và ý chí tự học, anh ở lại Cần Thơ, mượn bài vở của bạn chép lại, tự học với sự giúp đỡ của bạn bè, và đã thi đỗ tốt nghiệp Thành Chung rồi tú tài.
Như anh thường tâm sự: Cuộc gặp gỡ với Châu Văn Liêm đã tạo bước ngoặt trong cuộc đời của tôi. Cuối năm 1927, cả hai chúng tôi đều được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Đầu năm 1929, Ung Văn Khiêm được Kỳ bộ cử đi dự lớp tập huấn chính trị ở Quảng Châu. Tập huấn xong, anh cùng Ngô Gia Tự, Lý Tự Trọng trở về nước. Ung Văn Khiêm được Kỳ bộ phân công trở lại Cần Thơ tiếp tục hoạt động.
Tháng 8 năm 1929, ở tuổi chưa đầy 20, anh tham gia thành lập An Nam Cộng sản Đảng và được phân công làm Bí thư Đặc ủy toàn miền Hậu Giang. Giữa năm 1930, đồng chí Ngô Gia Tự bị bắt, Ung Văn Khiêm được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ khi vừa tròn 20 tuổi.
Năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn, sau đó đày ra Côn Đảo- tại “địa ngục trần gian” này, đồng chí được tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi các nhà cách mạng nổi tiếng, đặc biệt là bác Tôn Đức Thắng vừa là đồng chí bậc đàn anh, vừa là đồng hương.
Do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, giữa tháng 7 năm 1936 một số chính trị phạm được trả tự do, trong đó có đồng chí Ung Văn Khiêm.
Trở về đất liền, đồng chí được Xứ ủy phân công hoạt động trong Mặt trận Dân chủ Đông dương.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương tháng 3 năm 1937, đồng chí tập trung giúp Xứ ủy chỉ đạo củng cố các đoàn thể cách mạng: lập Đoàn thanh niên dân chủ Đông dương thay Thanh nhiên cộng sản Đoàn; lập Hội cứu tế bình dân, lập công hội, nông hội thay Cứu tế đỏ, Công hội đỏ, Nông hội đỏ. Đồng thời, đẩy mạnh việc thành lập các Hội quần chúng công khai và nửa công khai như: Hội ái hữu, hội tương tế, hội âm nhạc, Hội thể thao… Tuyên truyền, vận động các tổ chức đó vào Mặt trận dân chủ.
Giữa năm 1939 đồng chí bị bắt và giam tại Long Xuyên. Sau 18 tháng tù đầy, tra tấn người cộng sản kiên trung bị chuyển lên giam ở Tà Lài. Lợi dụng sơ hở của địch, đồng chí trốn thoát.
Sau Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, thực hiện chỉ thị của Trung ương, đồng chí Ung Văn Khiêm rút vào hoạt động bí mật, tập trung sức khôi phục tổ chức, tái lập, phục hồi và phát triển các tổ chức quần chúng, lập Mặt trận Tiền phong và sau đó là Mặt trận Việt Minh ở Nam bộ, mở đầu một thời kỳ phát triển của lực lượng cách mạng miền Nam.
Tháng 5 năm 1945 hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Ung Văn Khiêm đã cùng Xứ ủy dốc sức tuyên truyền, vận động đồng bào sẵn sàng vùng lên với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Trong những ngày khẩn trương chuẩn bị giành chính quyền thì đồng chí được Trung ương triệu tập gấp đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và các ngày 16 và 17 tháng 8.
Cách mạng Tháng tám thành công, đồng chí được Đảng, Nhà nước trao nhiều trọng trách: Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1945. Ủy viên Nội vụ Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ, Ủy viên Ban chấp hành Liên Việt Toàn quốc...
Với kinh nghiệm, sự hiểu biết và cương vị cao trong Đảng, trong ủy ban kháng chiến- hành chính Nam bộ, đồng chí đã thay mặt ủy ban kháng chiến- hành chính ban hành Chỉ thị 4/NV năm 1947. Một chỉ thị được đánh giá là mang đượm tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng chỉ thị trên, hàng nghìn công chức, giáo sư, bác sĩ, đốc phủ… đã bỏ hàng ngũ địch ra bưng biền tham gia chiến đấu.
Cùng nhờ chỉ thị trên, phong trào vận động điền chủ các tỉnh miền tây Nam bộ hiến điền cho cách mạng đã thu được kết quả tốt đẹp.
Chính quyền cách mạng có được hàng trăm ngàn héc-ta đất để tạm cấp cho nông dân thực hiện đại khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Nhiều đại điền chủ kháng chiến như cụ Cao Triều Phát, Huỳnh Thiện Lộc đã hiến cho cách mạng hàng chục ngàn héc-ta.
Tại Đại hội II Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Ung Văn Khiêm được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Và được Trung ương cử làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến Bạc Liêu.
Từ tháng 9/1954 đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền, đồng chí Ung Văn Khiêm được điều ra Bắc tập kết. Đồng chí được cử làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Hiệu trưởng trường cán bộ ngoại giao – ngoại thương và trưởng ban đối ngoại Trung ương Đảng dưới sự điều hành của Bộ trưởng Phạm Văn Đồng.
Cùng năm đó, với cương vị ủy viên Ủy ban Liên Việt toàn quốc đặc trách Nam bộ, đồng chí được giao nhiệm vụ vận động thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam ở giai đoạn mới nhằm tập hợp “tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phía nào”, để thay thế cho Mặt trận Liên Việt hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Sau một thời gian vận động, từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1955, Đại hội họp và lấy tên là Mặt trận Tổ quốc; đồng chí được bầu làm Ủy viên thư ký.
Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1960, đồng chí là thành viên của Ban trù bị Đại hội đại biều toàn quốc lần thứ III của Đảng. Tại Đại hội, đồng chí được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Tháng 2 năm 1961 đồng chí Ung Văn Khiêm được Chủ tịch nước bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Từ tháng 4 năm 1963 đến năm 1971 đồng chí đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đồng chí về sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 20/3/1991 sau nhiều năm lâm bệnh, đồng chí Ung Văn Khiêm đã vĩnh biệt cuộc đời, thọ 81 tuổi.
40 năm hoạt động cách mạng liên tục, dù ở bất cứ cương vị nào, hoàn cảnh nào, đồng chí Ung Văn Khiêm luôn thể hiện bản lĩnh của người cộng sản, người lãnh đạo kiên trung, năng động, sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn.
Thuộc lớp học trò đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp thu tính quần chúng, tính nhân dân trong tư tưởng của Người, hiểu sâu sắc sức mạnh “dời non, lấp biển” của dân, đồng chí trong suốt quá trình lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đã trực tiếp tham gia Mặt trận dân chủ, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Là người đã từng cộng tác, giúp việc ông trong những tháng chuẩn bị cho đại hội III Đảng Lao động Việt Nam (năm 1960) từng chứng kiến, khâm phục lòng nhân ái, vị tha, cuộc sống gần gũi, gắn bó với mọi người, người viết bài này xin ghi lại những gì đã biết về ông xem đây như một nén nhang đặt lên bàn thờ nhân dịp giỗ lần thứ 27 của ông.