Mặc dù nhà quản lý đã và đang rất nỗ lực trong việc đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cũng như tạo điều kiện để người nghèo có cơ hội sở hữu nhà, song số người thu nhập thấp không có nhà ở, không có cơ hội để mua được một căn nhà cho bản thân vẫn là một thực tế. Theo một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, 40% dân số Việt Nam không đủ tiền để mua nhà.
Ước mơ sở hữu nhà ở xã hội với người nghèo vẫn còn quá xa vời. Ảnh: TL.
Thu nhập 5 triệu đồng/ tháng sao mua được nhà?
Báo cáo “Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam - Con đường phía trước” do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết, mặc dù liên tục tăng trưởng về kinh tế, Việt Nam vẫn gặp phải thiếu hụt lớn về nhà ở đảm bảo chất lượng.
Theo WB, tỷ lệ dân số đô thị ước tính sẽ chiếm 50% vào năm 2040. Với số hộ gia đình thành thị dự tính sẽ tăng lên khoảng 10,1 triệu hộ vào năm 2020 (từ 8,3 triệu năm 2015) do gia tăng dân số đô thị và giảm quy mô hộ gia đình ở thành thị với tỷ lệ 1,09% mỗi năm, sẽ dẫn đến một sự thiếu hụt nhà ở trung bình hàng năm 374.000 căn nhà trong 5 năm tới.
Mặc dù nhu cầu về nhà ở cao như vậy, song theo WB, các giải pháp nhà ở chính thức hiện nay vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của người thu nhập thấp. “Chỉ những người ở nhóm thu nhập cao nhất mới có đủ khả năng chi trả cho các căn hộ thương mại do các chủ dự án xây. Các căn hộ tiêu chuẩn vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của các nhóm thu nhập thấp hơn, đặc biệt với 40% dân số ở phân khúc thu nhập thấp nhất”, báo cáo nhận định.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù nhà quản lý đã rất nỗ lực trong việc đưa ra các giải pháp để tạo cơ hội nhiều hơn cho người nghèo có cơ hội sở hữu nhà ở, song thực tế diễn ra lại không được như kỳ vọng.
Phần lớn người nghèo, người thu nhập thấp vẫn đang chưa thể mua được nhà vì thu nhập quá thấp, không đủ để có thể chi trả cho một căn hộ trả góp. Gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ xây nhà thu nhập thấp được kỳ vọng là sẽ cải thiện được tình hình nói trên, thế nhưng thực tế trong gần 3 năm triển khai, số người thu nhập thấp có thể vay được ở gói hỗ trợ này không nhiều.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, mặc dù Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp, song giá nhà ở Việt Nam lại đắt hơn nhiều các quốc gia đang phát triển. Điều này lý giải vì sao người thu nhập thấp ở Việt Nam lại khó mua nhà đến thế.
Chị Trần Mỹ Hạnh, một công nhân ngành da giày (ở Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, hai vợ chồng chị có tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Với giá căn hộ thu nhập thấp hiện nay khoảng 14-15 triệu đồng/ m2, một căn hộ khoảng 50m2 đã có giá lên tới 700 triệu đồng, thì những người có mức thu nhập như hai vợ chồng chị Hạnh sẽ khó có thể mua được, kể cả làm đến lúc nghỉ hưu.
Trong khi đó, phần lớn công chức, công nhân hiện nay chủ yếu có mức thu nhập như gia đình chị Hạnh (5-6 triệu đồng/ tháng). Bởi vậy, nhiều chuyên gia ngành bất động sản cho rằng, nếu vẫn duy trì giá nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp ở mức như hiện nay (14-15 triệu đồng/m2) thì giấc mơ được sở hữu nhà ở với phần lớn cán bộ công chức, công nhân, người nghèo, người thu nhập thấp vẫn rất xa vời.
Giấc mơ nhà của người nghèo vẫn còn xa.
Hoàn toàn có thể kéo thấp giá nhà
Một chuyên gia ngành địa ốc đã đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta không xây dựng những căn hộ chỉ với giá khoảng 200 – 300 triệu đồng/ căn, thậm chí chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn để người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà? Điều này, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh là hoàn toàn có thể. Bởi, hiện nay, tỉnh Bình Dương đã xây dựng được hàng ngàn căn nhà có giá chỉ khoảng 200 - 300 triệu đồng/ căn hộ với diện tích 20-30m2 và đã giao được đến tay của hàng ngàn người thu nhập thấp tại địa phương này.
Chia sẻ kinh nghiệm xây nhà ở giá thấp của một DN ở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng cho hay, DN này đã có đề nghị xây nhà trên vùng đất cao và địa chất tốt như khu vực Hóc Môn, Củ Chi để có thể giảm sâu giá thành sản phẩm. Nhất là khi ở hai khu vực này còn nhiều khu đất rộng và giá đất rẻ hơn so với nhiều vùng khác của TP Hồ Chí Minh.
“Với diện tích lớn, DN có thể chủ động giải phóng mặt bằng hàng trăm ha, lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp. Với dự án lớn, việc đầu tư cũng rất khả thi để giảm giá thành xây dựng. Một trạm trộn bê – tông cũng có thể được xây dựng tại công trường để cung cấp xi – măng cho tất cả các dự án xung quanh. Như vậy không tốn chi phí thuê xe chuyên chở bê – tông từ nơi khác đến, đó cũng là tiết kiệm được một khoản” – ông Sơn chỉ rõ.
Theo vị chuyên gia này, việc đầu tư các khu dân cư lớn với sự ưu đãi của nhà nước về đất đai và cơ sở hạ tầng là hướng đi căn cơ trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cho người nghèo. “Đầu tư trong điều kiện như thế thì chi phí không thể quá 10 triệu đồng/ m2. Và như vậy, với quy mô căn hộ khoảng 25-30m2 thì người thu nhập thấp hoàn toàn có thể có cơ hội sở hữu nhà với mức giá 250 – 300 triệu đồng/căn. Thêm một cơ chế tài chính cho vay mua nhà hợp lý thì sẽ có rất nhiều người thu nhập thấp có cơ hội mua được ngôi nhà cho gia đình mình” – ông Sơn nêu quan điểm.
Giới chuyên gia ngành địa ốc cho rằng, chỉ khi giá nhà ở xã hội kéo xuống thấp hơn nữa, may ra người thu nhập thấp mới có cơ hội được làm chủ một căn nhà do chính thu nhập của mình.