Hậu cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư đang tính toán chọn kênh đầu tư nào cho hiệu quả nhất. Một số ý kiến nói, vàng đang có nhiều yếu tố hậu thuẫn tăng giá mạnh. Trong khi đó một số quan điểm cho rằng, người đông lên, đất chật đi nên có vốn vẫn đầu tư bất động sản.
Chuyển hướng sang vàng
Với thị trường vàng trong nước, tính chung cả tuần qua, giá vàng không có quá nhiều biến động. Ngày 28/5, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại 56,14 - 56,54 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 10.000 đồng/lượng chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết vàng miếng ở mức 56,1 – 56,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng đã có nhiều phiên liên tiếp tăng mạnh và hiện vẫn neo ở mức cao. Cùng thời điểm 9 giờ ngày 28/5, giá vàng trên sàn Kitco ở mức 1.896 USD/ounce.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu, giá vàng thế giới thấp hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra.
Theo giới phân tích, mặt hàng kim loại quý đang trong giai đoạn củng cố khi các quỹ đầu tư vàng mua vào trong 4 phiên liên tiếp. Điều này khiến giá vàng thế giới có thời điểm vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce, có thời điểm lên tới 1.910 USD/ounce (ngày 26/5)
Giá vàng vừa có tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp nhờ USD yếu hơn và các đồng tiền kỹ thuật số liên tục rơi tự do. Theo các chuyên gia, sự biến động mạnh hơn nữa của bitcoin sẽ tiếp tục có lợi cho giá vàng.
Một tín hiệu rất đáng mừng là dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại mạnh mẽ đối với vàng. Quỹ ETF lớn hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust bất ngờ chuyển trạng thái dương sau 2 tháng âm liên tục, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ vọt lên mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, lực cản đối với vàng hiện tại vẫn là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn có xu hướng tăng. Tuy nhiên, một góc nhìn khác được đưa ra gần đây là mặc dù lợi suất trái phiếu theo chiều tăng nhưng lợi suất thực lại âm do lạm phát tăng cao và nhanh hơn mức tăng lợi suất. Điều này có thể khiến một số nhà đầu tư bán trái phiếu ra và mua vàng.
Dù giá vàng đang trong xu hướng tăng nhưng theo các chuyên gia, đối với thị trường trong nước, việc lướt sóng vàng thời điểm này là rất nguy hiểm, bởi chênh lệch trong nước - thế giới, chênh lệch mua – bán đang khá cao, và có xu hướng giãn rộng khi thị trường “nóng”. Và việc các doanh nghiệp vàng trong nước không được phép nhập khẩu vàng dẫn đến khan hiếm vàng nguyên liệu, cũng khiến cho giá vàng trong nước ít liên thông với vàng thế giới.
Bất động sản: Chờ thị trường điều chỉnh
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phiên nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội nói rằng, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều loại hình bất động sản (BĐS) gặp khó khăn trong hoạt động khai thác kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường lại có lượng tiền đến từ đầu tư chứng khoán, dẫn đến BĐS gắn với đất thu hút đáng kể sự quan tâm của nhà đầu tư.
Theo nhận định của bà Hằng, ở một số khu vực, giá đất và giá BĐS gắn với đất cũng nằm ở mức hợp lý khi so sánh với các sản phẩm BĐS khác như căn hộ để bán, sản phẩm condotel đang chờ thủ tục pháp lý, hoặc những sản phẩm có giá trị lớn như biệt thự nghỉ dưỡng... Những hiện tượng này dẫn đến nhu cầu và các giao dịch về đất đã diễn ra rất mạnh trong thời gian gần đây.
Hơn nữa, Việt Nam thu hút FDI tốt, nhiều địa phương đã vươn lên dẫn đầu về các chỉ số năng lực cạnh tranh và liên tục cải thiện về môi trường đầu tư, đầu tư phát triển hạ tầng diễn ra mạnh mẽ đã khiến cho nhu cầu BĐS công nghiệp hay các loại hình BĐS khác trở thành tiềm năng trong tương lai.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Xây dựng cảnh báo tình trạng sốt đất, cơn sốt đang dần hạ nhiệt, hoạt động mua bán không còn rầm rộ như hồi tháng 2-3/2021.
Một chuyên gia BĐS cho biết, tháng 5, các hoạt động tìm kiếm và quan tâm BĐS trên cả nước đã giảm từ 4-5% so với tháng 4, đặc biệt là các hoạt động tìm kiếm về đất nền cho thấy thị trường đã giảm nhiệt.
Nhìn từ thực tế trước đây, khi có những hiện tượng vượt quá giá trị thực thì bản thân các nhà đầu tư cũng nhận thấy cần phải điều chỉnh, không thể đi trên “con sóng cao” và nhận lại nhiều rủi ro. Đó là chưa kể dòng tiền hiện nay vào BĐS cũng bị kiểm soát, liên quan đến quy định đầu tư vốn ngắn hạn và dài hạn và một số công cụ khác về quản lý các hoạt động kinh doanh BĐS.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, thời gian gần đây, các cơn sốt đất đã bắt đầu lắng xuống, nhưng vẫn nhìn thấy giá trị của BĐS, đặc biệt là đất một số khu vực đã tăng và có dấu hiệu giá ảo. Đại diện Savills Hà Nội cho rằng, trong thời gian sắp tới, ít nhất là ngắn hạn sẽ chưa thể nhìn thấy việc sốt đất xảy ra thêm. Sau những cơn sốt đẩy giá lên, các nhà đầu tư chưa thể tham gia ngay mà còn phải chờ thị trường tự điều chỉnh xuống một ngưỡng hợp lý.
Bà Hằng khuyên rằng, sau cơn sốt đất, nhà đầu tư nên đầu tư vào những khu vực mà đất hoặc BĐS kèm đất có thể đưa vào khai thác sử dụng. Nếu đầu tư theo hướng “để đấy” hoặc đầu tư mang tính chất đám đông có tính dài hạn cũng không phải là giải pháp hợp lý. Bởi điều này dẫn đến việc không đảm bảo lợi nhuận theo mong muốn. Mặt khác, dễ dẫn đến hiện tượng vốn ứ, tiền đọng. Thanh khoản của một số khu vực không cao, sẽ dẫn đến áp lực của việc sử dụng vốn cũng không hiệu quả
Chứng khoán: Vẫn thăng hoa
Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19, tuy nhiên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn đang giao dịch cực kỳ ấn tượng. Có thể nói rằng, tuần vừa qua là tuần thăng hoa của chứng khoán khi đỉnh 1300 điểm bị phá vỡ. Hiện tại chỉ số VN-Index đang trên ngưỡng này.
VN-Index phá đỉnh tạo sinh khí mới, nhiều giao dịch hơn. Điều này cũng đã khiến cho thị trường sau hơn 1 tháng giao dịch thông suốt, lại tái diễn hiện tượng nghẽn dù không tác động nhiều đến tâm lý nà đầu tư. Có những phiên thanh khoản thị trường lên tới 23.000 tỷ đồng.
Yếu tố đầu tiên giúp chứng khoán Việt Nam bứt phá mạnh trong tuần qua là việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (“S&P”) thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên “tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát.
Cơ sở tổ chức S&P đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên “tích cực” là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta và cải cách liên tục trong khung hoạch địch chính sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục gây tác động đến kinh tế - xã hội.
S&P đánh giá rằng tiếp theo mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của chính phủ để kiềm chế dịch Covid-19 trong nước, vị thế điểm đến hàng đầu trong Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc. S&P ghi nhận hồ sơ tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch.
Và điểm đáng qua tâm nữa trên thị trường là thay đổi quan điểm rõ nét từ người dân. Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020).
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam. Theo đó, Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) bị xử phạt số tiền 100 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan của thành viên hội đồng quản trị.