Nhộn nhịp thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư vững vàng

H.Hương 16/05/2021 06:34

Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền mới vẫn được đổ vào. Nhiều người còn đưa ra nhận xét, thị trường chứng khoán “hình như miễn nhiễm” với dịch Covid-19, tâm lý nhà đầu tư giao dịch ổn định hơn, vững vàng hơn.

Nhà đầu tư yên tâm khi thị trường chứngkhoán khá ổn định.

Cơ hội hiện hữu

Tuần qua, thị trường chứng khoán có nhiều phiên sôi động, nếu như không muốn nói là đầy bất ngờ. Chẳng hạn như phiên giao dịch sáng 11/5, thị trường diễn biến khá tích cực với sự khởi sắc của nhiều cổ phiếu lớn nên VN-Index đã tăng lên vùng 1.275 điểm. Nhiều người còn kỳ vọng VN-Index có phiên phá đỉnh lịch sử.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đang có rất nhiều cơ hội trên thị trường. Chẳng hạn anh Vũ Minh Thuận (toà nhà Hoà Bình Green) khẳng định, số dư tài khoản của anh đang từ 50 triệu, sau 1 tuần nằm im thì nay đã lên được 55 triệu.

“Tôi vẫn ưu tiên chọn cổ phiếu ngành ngân hàng để an toàn. Và tôi đã đúng khi tài khoản tăng tiền”- anh Thuận chia sẻ.

Tại một số diễn đàn về chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong bão dịch, họ có thời gian ở nhà để nghiên cứu và “đánh chứng” cẩn trọng hơn. Có mã mất, nhưng cũng có mã “ăn ngon”.

Có thể nói, tuần vừa qua người chơi chứng khoán đầy cảm xúc hấp dẫn. Đến ngày 14/5 vừa qua, ngay trong phiên sáng chỉ số VN-Index tăng 2,91 điểm (0,23%) lên 1.264,90 điểm, HNX-Index tăng 5,71 điểm (1,99%) đạt 292,74 điểm, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (0,06%) còn 81,12 điểm.

Tuy nhiên giao dịch trong tháng 5 cũng có nhiều rủi ro, và các chuyên gia của công ty chứng khoán SSI nhận thấy sự cần thiết của việc quản lý rủi ro bằng 2 kịch bản khuyến nghị cho các giao dịch ngắn hạn.

Ở kịch bản 1 được đánh giá cao - Chỉ số VN-Index giữ được đà tăng, nhà đầu tư nên tăng dần tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index vượt qua mốc kháng cự quan trọng hiện tại là 1.260 -1.262 điểm, đi cùng với sự gia tăng về thanh khoản. Tỷ trọng cổ phiếu được nâng lên cao hơn nữa khi chỉ số xác nhận vượt đỉnh cũ 1.286 điểm thành công. Lúc này, chỉ số VN-Index có nhiều khả năng sẽ hướng đến vùng giá mục tiêu tiếp theo nằm tại vùng 1.350-1.400 điểm.

Còn ở kịch bản 2 - Chỉ số VN-Index đảo chiều trở lại do các nhân tố rủi ro tiềm ẩn, nhà đầu tư cần chờ đợi phản ứng của thị trường tại các vùng hỗ trợ. Vùng hỗ trợ gần là 1.220 điểm và vùng hỗ trợ mạnh là 1.200 điểm. Hoạt động giải ngân có thể được xem xét tại các mức hỗ trợ này, đặc biệt khi chỉ số hồi phục trở lại với nền thanh khoản cao.

Giao dịch trong nước tăng

Mới đây AFC Vietnam Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 4, theo đó có nội dung đáng quan tâm, với hoạt động bán ra của khối ngoại trong những tháng gần đây và giao dịch trong nước gia tăng, quy mô của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm từ mức xấp xỉ 20% xuống chỉ còn khoảng 10%.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên dòng vốn thay đổi, xảy ra xu hướng bán ròng lớn nhất trong 10 năm qua tại Việt Nam. Xu hướng này tiếp tục vào đầu năm 2021, được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhanh.

Tuy nhiên ở chiều mua vào tính ra hơn 1 năm nay, bắt đầu từ đầu năm 2020 đến nay, nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm một tỷ lệ lớn giá trị thanh khoản hàng ngày. Đang có làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán, những người thuộc thế hệ F0 và cả những nhà đầu tư quay trở lại thị trường.

TS Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho rằng thanh khoản chúng ta đang rất tốt, khoảng 13.000 – 14.000 tỷ/phiên. Thị trường có những hôm giảm, nhưng thanh khoản vẫn rất tốt.

Cũng theo nhận định của TS Nguyễn Sơn, các nhóm cổ phiếu mới khi gia nhập thị trường sẽ là cơ hội cho đợt tăng mới của thị trường chứng khoán.

Thật vậy, nhiều quan điểm lạc quan còn đưa ra nhận xét rằng dường như thị trường đang miễn nhiễm với những thông tin Covid-19. Dòng tiền mạnh vẫn duy trì khá tốt qua các phiên giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE luôn giữ ở nhịp 20.000 tỷ đồng mỗi phiên. Đây được đánh giá là nhân tố giúp thị trường nhanh chóng hồi phục mạnh và có thời điểm vượt xa đỉnh cũ, bất chấp khối ngoại vẫn trải dài những phiên bán ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng, thậm chí lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán VPS nói, Việt Nam đã diễn ra nhiều đợt dịch bệnh Covid-19. Ở những đợt dịch bệnh trước, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng khá nặng nề, song sau khi chao đảo một thời gian lại tiếp tục đi lên. Lần này, tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn trước.

“Tôi cho rằng, tâm lý nhà đầu tư không còn lo lắng xốc nổi như giai đoạn trước mà đã trấn tĩnh hơn. Ngoài ra, dòng tiền tham gia thị trường cũng rất lớn, chứ không còn 4.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên như giai đoạn trước. Cứ thị trường điều chỉnh là lại có dòng tiền mới đổ vào bắt đáy, nhà đầu tư đã bắt đầu chấp nhận mặt bằng giá cao hơn” - ông Khánh nhận định.

Theo đại diện VPS, nhà đầu tư đã tin tưởng hơn vào kênh đầu tư chứng khoán.

Vẫn băn khoăn chuyện nâng lô giao dịch

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng đang có lực cản, bắt đầu từ sự phản ứng của người chơi. Việc bất ngờ nâng lô giao dịch chứng khoán lên100 cổ phiếu/ lần đã khiến cho nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng. Thời gian qua, để xử lý tình trạng nghẽn lệnh, HOSE đã thực hiện nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc HOSE gửi công văn đến công ty chứng khoán về việc nâng lô giao dịch này khá gấp nên thông tin đến nhà đầu tư có phần cập rập, nhiều người không kịp bán lô lẻ (1-99 cổ phiếu).

Nhiều công ty chứng khoán phản ánh tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ khi phải đứng ra giải cứu. Trong khi nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý lệnh là của cơ quan quản lý.

Tất cả các giao dịch dù lớn hay nhỏ đều thu phí của khách hàng trên phần trăm giá trị giao dịch. Vậy tại sao lại lấy lý do nghẽn lệnh mà bắt khách hàng phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng này bằng cách nâng số cổ phiếu được phép giao dịch lên 100 cổ phiếu/lần?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cho biết sẽ sớm khôi phục môi trường đầu tư, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư và thành viên thị trường khi hệ thống giao dịch ổn định.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, giải pháp nâng lô giao dịch lên 100 cổ phiếu là giải pháp tạm thời để giải quyết sự cố, giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh và hạn chế thiệt hại cho đại đa số nhà đầu tư trên thị trường, có lợi cho tổng thể thị trường. Nhà đầu tư có thể thỏa thuận với các công ty chứng khoán để bán các cố phiếu lô lẻ (nếu có).

Về đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, Bộ Tài chính khẳng định chưa có phương án này.

“Sau khi phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin hoàn tất và đi vào hoạt động, Bộ Tài chính sẽ sớm khôi phục môi trường đầu tư, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư và thành viên thị trường. Rất mong nhận được sự ủng hộ và cùng chung tay của các doanh nghiệp và nhà đầu tư để thị trường sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, hướng tới một thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới” - thông tin từ Bộ Tài chính.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian qua thị trường chứng khoán đã có mức tăng trưởng vượt bậc, lượng giao dịch tăng lên 3 lần, tuy nhiên có giai đoạn bị tắc nghẽn lệnh, đến nay đã được giải quyết. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại, thực hiện theo luật để thị trường đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, tránh thao túng và làm giá trên thị trường chứng khoán; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp làm lành mạnh hóa thị trường tài chính…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhộn nhịp thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư vững vàng