Là khuôn mặt rất quen thuộc trong làng điêu khắc Việt Nam, có tác phẩm mang lại nhiều dư âm đẹp trong lòng người thưởng lãm, tham dự khoảng 30 triển lãm trong ngoài nước, thế nhưng, nhà điêu khắc Phạm Thái Bình rất ít khi xuất hiện trên báo chí. Với anh, vùi mình trong xưởng để sáng tác hay đọc sách, một mình rong ruổi bao chuyến đi xa hoặc ẩn nấp giữa thiên nhiên khoáng đạt mới là niềm vui sống thực sự của anh.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Lạng Sơn, trong một gia đình cũng có chút nghệ sĩ tính. Bố tôi hồi trẻ từng học ở Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Những ký ức tuổi thơ của tôi là bố có rất nhiều bạn bè, nhà tôi luôn luôn có các cô chú văn nghệ sĩ đến nhà chơi, rồi hàng năm vào những dịp Trung thu hay trước Tết âm lịch, chúng tôi được bố cho đi theo xuống Hà Nội, lại được qua nhà các bạn bố, đa phần là các nghệ sĩ cả. Tuổi thơ nhìn cuộc sống của họ khác lắm, rất khác cuộc sống của những người bình thường mà tôi hay tiếp xúc hàng ngày”.
Trước ngày khai mạc triển lãm của nhóm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn định kỳ hai năm một lần, tôi gặp và trò chuyện với Phạm Thái Bình, khi anh bay vào Sài Gòn để chuẩn bị. Vẫn dáng người nhỏ gầy như một cậu bé, khuôn mặt thơ thơ luôn trầm ngâm ít khi cười, dù có vẻ nhanh nhẹn và thích trò chuyện, nhưng vẫn dễ dàng cảm thấy được con người bên trong anh đang lạc bước vào thế giới tinh thần xa xăm nào đó. Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình bắt đầu câu chuyện, khi tôi muốn tìm hiểu về phía sau những tác phẩm của anh có liên quan gì đến tuổi thơ mà chúng luôn mang vẻ hồn nhiên thơ ngây đến thế:
“Tuổi thơ của tôi khá đẹp với rất nhiều những kỷ niệm vui, những năm tháng thời bao cấp khó khăn chúng tôi hồn nhiên sống, hồn nhiên chơi và hồn nhiên lớn. Cùng những người bạn thủa thơ bé đi tắm sông, đi câu cá, đi đá bóng, đi leo núi hái sim, đi khám phá hang động, đi vào các làng của người dân tộc để chơi… là những ký ức còn đẹp mãi trong tôi. Ký ức tuổi thơ không chỉ là nguồn mạch tươi mát trong sáng tác của tôi, ký ức tươi đẹp của tuổi thơ còn là sức mạnh giúp tôi vượt qua những vấp váp, khó khăn khi trưởng thành”.
Phạm Thái Bình nói, mọi thứ bắt nguồn từ cách sống của bố và một số nhà điêu khắc là bạn của bố anh. Các nghệ sĩ đó đã nhìn ra khả năng về điêu khắc của anh, và định hướng, khuyến khích anh đến với điêu khắc.
Trước khi trở thành sinh viên điêu khắc của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Phạm Thái Bình đã thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân khóa 38, nhưng sau một năm anh đã dừng lại việc học kinh tế, thi vào trường Mỹ thuật Công nghiệp. Với anh, đó là sự lựa chọn đầy tin tưởng và là con đường duy nhất.
Được học trong một ngôi trường mà trước kia bố của mình đã học, cảm giác trong anh thật tự hào, như mình là sự kế thừa từ bố. Đó là khóa mà các bạn học của anh là những sinh viên giỏi học cũng giỏi chơi, vì thế, năm năm học điêu khắc trong trường đối với anh trôi qua thật vui vẻ mà thật đáng nhớ.
Cô dân quân là tác phẩm sáng tác đầu tiên của Phạm Thái Bình, khi anh đang là sinh viên năm thứ ba. Anh thực hiện tác phẩm với mong muốn được tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2003.
Nhìn lại những chặng đường gắn bó với điêu khắc đã qua, Phạm Thái Bình tâm sự: “Điêu khắc là bạn, là tri kỷ, nơi tôi có thể huyên thuyên về tuổi thơ, về niềm vui, hạnh phúc hay nỗi buồn. Mặt khác, người bạn tri kỷ ấy cũng không nề hà gì mà luôn luôn giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi trong sự nghiệp và đời sống”.
Hình ảnh những chú bé dân tộc bé nhỏ chính là “đại diện” cho phong cách nghệ thuật của nhà điêu khắc Phạm Thái Bình. Một chú bé dân tộc màu xanh lá cây trong vắt, không chỉ xuất hiện nhiều ở các khán phòng triển lãm, mà trên mỗi cung đường đi qua, Phạm Thái Bình luôn mang theo, và chụp ảnh lưu giữ lại. Chú bé dân tộc ấy, như chính từ tuổi thơ của Phạm Thái Bình bước ra, đầy chất thơ, mà cũng nhiều ngây ngô. “Mặt khác nó còn đại diện cho những mong muốn, những khát khao, những trăn trở, những phiền muộn về cuộc đời của bản thân tôi hiện giờ - Phạm Thái Bình chia sẻ. - Cậu bé ấy màu xanh lá cây, là vì tuổi thơ như cây xanh đâm chồi sống, vì màu xanh lá cây là màu của thiên nhiên, của núi đồi nơi tôi sinh ra và lớn lên, vì đơn giản là màu của hy vọng. Và cũng phải nói lại là không phải các nhân vật của tôi đều là màu xanh”.
Là người duy mỹ trong sự lãng mạn và nhạy cảm, tác phẩm của Phạm Thái Bình với chất liệu đồng, các chất có màu trong vắt, bóng lộn, thường tinh tế trong biểu hiện, rất bay bổng và đầy mỹ cảm: “Các tác phẩm tôi làm ra đều mong can dự vào niềm vui sống cho dù cuộc đời ra sao, chứ không bi lụy, bất mãn chán đời. Tác phẩm của tôi thiên về sự tinh tế nên thường phải tự làm hầu hết các công đoạn như phác thảo giấy, phác thảo đất, phóng đất và hoàn thiện cuối cùng, trừ khâu đổ khuôn và vật liệu là tôi không làm. Để toát lên được cái tinh thần, tôi phải đảm bảo các chi tiết dù là nhỏ nhất được bảo toàn cho đến lúc cuối cùng, mọi thứ xung quanh tác phẩm dù là biển tên hay bục bệ đều phải được quan tâm cẩn thận kỹ càng”.
Nói về tác phẩm thích nhất, Phạm Thái Bình cho rằng đó là Cướp vợ đêm trăng, bởi nó vui vẻ, hồn nhiên, đầy chất bằng hữu, hạnh phúc và nhiều sức sống của tuổi trẻ đã qua. Khi sáng tác, Phạm Thái Bình để tất cả bắt đầu từ cảm xúc và kết thúc cũng bằng cảm xúc. “Tôi thường bị chính tác phẩm của mình tác động, dẫn dắt khi tôi làm việc với nó. Với tôi, cục đất không vô tri, cục đất khi có hình hài nhân vật của tôi là cục đất có tâm hồn, có số phận của riêng nó, khi làm việc tôi luôn luôn hân hoan vui vẻ chìm đắm vào công cuộc sáng tạo ra thế giới riêng của mình”.
Quen biết với Phạm Thái Bình từ lâu, có lẽ đến hơn mười năm, gặp anh ở nhiều sự kiện nghệ thuật, cùng ngồi trà đá, ăn vặt, chuyện trò lang thang các quán xá nhiều lần, tôi đủ thấy sự “không tuổi” từ con người và tác phẩm của anh.
Phạm Thái Bình không phải là người phức tạp khó đoán, chỉ là vì anh sống thiên về sự trầm mặc nội tâm, dù cái nhìn của anh với mọi vấn đề hết sức đơn giản. Có lẽ, anh là người chìm sâu quá lâu vào thế giới nghệ thuật của mình, nên ở gần, mà cảm giác về anh nhẹ như hơi thở, không có sự hiện hữu cụ thể. Phạm Thái Bình đảm đương nhiều vai trò, từ một thầy giáo, một người quản lý, một người chồng, một người cha… nhưng cứ như anh chẳng có bất cứ một kết nối rõ ràng nào cả. Anh là người sống rất trách nhiệm. Nhưng sự trách nhiệm ấy là vỏ bọc an toàn, để anh có thể trốn sâu vào không gian tinh thần do anh tự tạo ra.
Trong các nghệ sĩ tạo hình, Phạm Thái Bình là người rất chăm chỉ đọc sách. Với anh, “gia tài lớn nhất mà bố tôi để lại cho tôi là niềm đam mê đọc sách và nghe nhạc, ngay từ bé sách đã là cầu nối cho tôi với thế giới rộng lớn bên ngoài, tôi còn may mắn với sách nữa là khi tôi còn bé thì mẹ tôi là thủ thư ở Thư viện Tỉnh”.
Những cuốn sách mà anh yêu thích nhất là Không gia đình, Timua và đồng đội, Hai vạn dặm dưới biển, Ba người lính ngự lâm... Anh kể: “Ngay từ bé, sách đã cho tôi một niềm tin với cuộc sống, thái độ thay đổi hành vi, hành vi thay đổi tính cách và tính cách thay đổi số phận”.
Tự nhận mình là người khá lười làm việc, khi một mình trong xưởng - mà với anh, nó là một cái xưởng trong mơ, để các sáng tác tốt nhất đều ra đời ở đó - anh chỉ thích đọc sách triết học và nghe nhạc nhẹ, để lúc làm việc thì cũng tập trung hết sức.
Khi được hỏi về dự định trong sáng tác, sau triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn - Bắc Nam này, Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình nói: “Dự định thì nhiều nói trước không hay lắm, nhưng tôi ngày càng muốn làm những thứ liên qua trực tiếp đến cuộc sống mà vẫn gắn kết được tính văn hóa cũng như tính cá nhân, phải hoành tráng và màu mè”.
Nhà điêu khắc: PHẠM THÁI BÌNH Sinh ngày 21/1/1978 tại Lạng Sơn. Sống tại Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2002 – Chuyên ngành Điêu khắc Tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật Hà Nội 2012 - Chuyên ngành Điêu khắc Hiện là Phó chủ nhiệm khoa Nội thất & Mỹ thuật Công nghiệp, Trưởng Bộ môn Điêu khắc, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội |