Nhà giáo - dịch giả Trần Hinh: Dạy học sinh hiểu cách hình thành một tác phẩm   văn chương

Việt Quỳnh (thực hiện) 21/07/2023 09:28

Tiến sĩ, nhà giáo, dịch giả Trần Hinh là người rất quan tâm đến vấn đề giảng dạy môn Ngữ văn ở phổ thông: “Chúng ta cũng cần phân biệt, yêu cầu dạy và học môn văn mỗi thời một khác. Như từng có thời ông cha ta học văn là để thi làm quan, học văn theo lối “văn chương cử tử”.

Nhà giáo, dịch giả Trần Hinh.

Trải qua bao nhiêu năm, môn văn đã có thay đổi rất nhiều. Có thời, người ta chỉ tập trung vào dạy và học “mỹ văn”. Tức là chỉ chọn những câu văn, đoạn văn, bài văn “bay bổng”, “véo von” nhất.

Người ta quên mất, môn văn vốn là Ngữ văn. Tức là không chỉ có văn mà còn có ngữ. Vì vậy, không thể chỉ dạy và học “mỹ văn” được. Dạy Ngữ văn còn là phải dạy cho học sinh biết được tất cả mọi khía cạnh của môn học này.

Phải dạy cho học sinh nắm vững được từ cái nhỏ nhất để hình thành nên một tác phẩm văn chương, là từ ngữ, câu, đoạn văn, bài văn cho đến tổng thể tác phẩm lớn. Bởi vậy, trước đây, ở trường phổ thông, người ta chỉ chú ý dạy tác phẩm, mà ít chú ý đến các độ nhỏ nhất để hình thành nên một tác phẩm là từ ngữ, hình ảnh, hình tượng, câu và đoạn văn. Từ đó mới hình thành nên khái niệm văn bản. Rồi phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, biện pháp tu từ, vấn đề thể loại.

Tôi nhận thấy, sách giáo khoa mới hiện nay người ta đã chú ý đến tất cả các khía cạnh đó của việc dạy và học văn. Tôi thấy cả 3 bộ sách hiện nay: “Cánh diều”, “Kết nối tri thức” và “Chân trời sáng tạo” đều thực hiện theo hướng đó. Họ giúp học sinh tiếp xúc với các văn bản. Mà cấu trúc của một văn bản là bằng từ ngữ. Phải như thế mới giúp học sinh hiểu được cái cốt lõi của văn chương, mới biết cách trình bày một vấn đề, đọc hiểu một văn bản".

Hiện tại, những bộ sách giáo khoa dạy Ngữ văn mới đang dần được thay thế theo lộ trình, trong đó có nhiều tác phẩm mới được đưa vào giảng dạy.

Nhà giáo Trần Hinh rất ủng hộ xu hướng này. Ông nói: “Tôi biết, trong thiết kế chương trình Ngữ văn mới từ lớp 1 đến lớp 12 hiện nay, người ta chỉ “bắt buộc” dạy và học 6 tác phẩm chính: “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Truyện Kiều”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và “Tuyên ngôn độc lập”. Các tác phẩm còn lại đều do các nhóm tác giả soạn sách lựa chọn. Và tất cả đều hướng vào việc rèn luyện các kĩ năng đọc, nói, viết, nghe để giúp học sinh hiểu được những bài học tự nhiên, xã hội và chính bản thân họ.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Chừng nào, chúng ta còn dạy và học văn như bây giờ, chúng ta vẫn bắt buộc phải tuân thủ triết lý và phương pháp dạy văn như vậy thôi. Ví dụ, những đề thi vào 10 và tốt nghiệp phổ thông trung học, người ta vẫn còn cảm giác nó cũ kỹ, thì cũng là do nguồn ngữ liệu làm đề trong sách giáo khoa quá hạn hẹp.

Chẳng hạn, đề thi văn tốt nghiệp phổ thông vừa rồi, tôi ước chừng chỉ còn khoảng 7 - 8 nguồn ngữ liệu (tác phẩm) làm đề. Những năm trước đã chọn hết các tác phẩm hay rồi thì nay phải chọn đến “Vợ nhặt”. Nếu không thế, người ta lại cho rằng mình đã ra “lạc” chương trình. Phải thông cảm cho các thầy cô ra đề. Nếu muốn thay đổi phải có sự thay đổi từ bên trên, tức là từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vừa qua, đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT lại một lần nữa trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi với cách ra đề an toàn, thậm chí được cho là cũ kỹ, chưa phát huy được sức sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, “đổi mới phương pháp dạy văn học” cũng là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây nhưng dường như vẫn chưa tìm ra phương pháp phù hợp. Vậy làm thế nào để việc giảng dạy môn Ngữ văn ngày một tích cực, và kích thích tư duy sáng tạo của học sinh?

Vì sao nhiều học sinh thiếu hứng thú với việc dạy văn trong nhà trường, nhưng lớp chuyên văn hay khoa Văn học điểm vẫn gần như cao nhất ở đầu vào tuyển sinh? Để trả lời câu hỏi này, theo nhà giáo Trần Hinh, vì bản thân những học sinh học trường chuyên hay khoa Văn, họ vốn đã là những người say mê và có năng khiếu với môn học.

“Họ thường đạt điểm cao trong các kỳ thi là dễ hiểu. Phải là những người say mê, tâm huyết với môn văn và phải có đội ngũ những thầy cô giỏi. Những người giỏi (cả dạy và học) đều vốn đã rất sẵn tiềm năng bứt phá, sáng tạo. Họ không chấp nhận khuôn khổ. Không có một tài năng thực sự trong văn chương nếu không có những đột phá và sáng tạo”, nhà giáo Trần Hinh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà giáo - dịch giả Trần Hinh: Dạy học sinh hiểu cách hình thành một tác phẩm   văn chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO