“Đã gọi là tin đồn thất thiệt thì chúng ta có thể hiểu theo nghĩa nó chưa được xác minh là sự thật, gây ra hậu quả tiêu cực với nạn nhân và thường nằm ngoài sự kiểm soát của cá nhân họ. Thế thì đương nhiên ai cũng e ngại, càng không thể xem thường.
Với sự kết nối rộng rãi, nhanh chóng, thuận tiện của mạng xã hội, khi đối tượng nào đó tung tin đồn thất thiệt về một cá nhân thì đồng nghĩa với việc rất có thể “cả thế giới” biết về điều đó”.
Nhà thơ Đoàn Văn Mật chia sẻ suy nghĩ của anh về tin đồn trên mạng: “Người càng nổi tiếng bao nhiêu tin đồn càng lan truyền nhanh chóng, khủng khiếp với mức độ ảnh hưởng thậm chí còn vượt ra khỏi cá nhân người bị đồn để tác động đến gia đình, công ty, cuộc sống chung của họ. Ý thức được những điều đó nên khi chia sẻ về cuộc sống riêng trên mạng xã hội tôi vẫn phải cân nhắc trước khi đăng tải một thông tin, hình ảnh nào đó để trước hết là bản thân mình không làm ảnh hưởng đến mình và sau đó là đến người khác. Vậy thì thời điểm, mục đích đăng tải, bản chất thông tin, dự đoán đối tượng quan tâm tương tác... là điều chúng ta phải có trách nhiệm khi dùng mạng xã hội. Không thể định nghĩa đó như nhà của mình, thích nói gì thì nói, làm gì thì làm. Tên của nó là mạng xã hội vậy thì chúng ta phải có trách nhiệm như với một xã hội với ý thức cao về cá nhân, thế giới quan, pháp luật nhà nước và quy định của chính mạng xã hội mà mình tham gia”.
• Anh bảo vệ mình thế nào ra khỏi những tin đồn?
- Để bảo vệ mình ra khỏi những tin đồn, trước hết tôi quan tâm đến đối tượng, mục đích của những tin đồn ấy. Biết được điều đó thì phần nào tôi sẽ biết cách để bảo vệ mình. Đôi khi chúng ta cần im lặng trước một tin đồn nhưng có lúc phải quyết liệt phản ứng để đối tượng tung tin kịp thời dừng lại hoặc người tiếp nhận thông tin như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... khỏi hoang mang. Dù im lặng hay quyết liệt, với tôi bình tĩnh luôn là biện pháp tốt nhất để xử lý khủng hoảng từ những tin đồn mang lại. Nếu mình là người tốt, ngay thẳng thì “cây ngay không sợ chết đứng”. Có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp luôn ở bên mình, có pháp luật nhà nước bảo vệ. Nếu là những tin đồn nghiêm trọng, chúng ta có thể tham khảo ý kiến tư vấn từ các luật sư. Tôi khuyến khích cách thức ấy hơn là ngay lập tức phản kháng ngay bằng sự nóng nảy trong tâm lý và có thể thiếu chuẩn mực trong ngôn ngữ diễn đạt.
• Nhìn nhận về các tin đồn trên mạng diễn ra ngày càng sâu rộng trong thời gian qua, anh có suy nghĩ gì?
- Chúng ta đang bước vào một cuộc khủng hoảng về thông tin. Chắc chắn là như thế. Có không ít người dựa vào sự khủng hoảng về thông tin ấy đã tung ra vô số tin đồn nhằm tạo ra dư luận xã hội, nhằm mục đích tư lợi cá nhân câu view, câu like và cũng nhằm nhiều mục đích khác nữa... Cuộc khủng hoảng về thông tin có manh nha về một cuộc khủng hoảng niềm tin trong đời sống xã hội. Chính vì thế chúng ta cần phải minh bạch những tin đồn có căn cứ và vô căn cứ để xử lý một cách triệt để. Tránh những tin đồn thất thiệt lan tràn làm tổn hại đến cá nhân hay một tổ chức nào đó.
• Mỗi tin đồn đưa ra đều có mục đích riêng của người “phao” tin đồn?
- Người “phao” tin đồn luôn có mục đích rất riêng của họ. Có người vì ganh ghét hằn thù một ai đó nên cố tình phao tin. Có người vì quá rảnh rỗi, thích buôn chuyện, đặt chuyện để quan trọng hóa vai trò của mình... Tham gia mạng xã hội, tôi thấy đa phần người, lan truyền những tin đồn gây sốc đều rảnh rỗi, thiếu hiểu biết về thông tin nhưng lại rất tò mò, tọc mạch về chuyện của người khác. Họ cho đấy là một niềm vui không cần kiểm chứng, không cần kìm chế, cứ thế là chia sẻ mà không nghĩ về hậu quả của nó. Ngoài ra, không loại trừ những trường hợp trục lợi về quảng cáo, “câu view” hoặc có mục đích về chính trị, xã hội...
• Tuy là các thông tin chưa kiểm chứng, nhưng tốc độ của những tin đồn gây sốc bị lan truyền nhanh chóng không thể kiểm soát?
- Đúng là như thế. Mạng xã hội đặc biệt ở chỗ nó mở ra cả một thế giới, còn rộng hơn phạm vi đời sống, công việc, tương tác thực tế mà mỗi con người đang sống hàng ngày. Rất khó để kiểm soát một đám đông, nhất là đám đông tò mò, hiếu kỳ và rảnh rỗi.
• Thật hài hước là rất nhiều người tin “tin đồn” là sự thật?
- Tôi nghĩ rằng giữa những người tung “tin đồn” và người quan tâm đặc biệt đến tin đồn hẳn có sự tương quan, trùng hợp với nhau về tâm lý tò mò, thích nghe ngóng, bàn tán, chỉ trích và phán xét người khác. Cả hai đối tượng này ngày càng đông. Một số người tin tin đồn là thật vì họ quá mơ hồ về thông tin, bản thân không có nền tảng của niềm tin, kiến thức, văn hóa... Song, cũng có không ít người tỏ ra tin vào “tin đồn” để tiếp tục mượn tin đồn ấy, lan truyền trên mạng xã hội với những mục đích khó lường, khó kiểm soát.
• Nạn nhân bị tung tin đồn thường bị tác động tâm lý đến cuộc sống ra sao, theo anh?
- Điều đó còn phụ thuộc vào nạn nhân là ai, tâm lý, tính cách, địa vị công việc, xã hội như thế nào. Chẳng hạn, một người nổi tiếng, là người của công chúng thì khi xuất hiện một tin đồn thất thiệt, ít nhiều hình ảnh của họ bị ảnh hưởng theo hướng suy diễn, phán xét vô căn cứ. Sau đó, đời tư của họ bị soi mói, can thiệp. Khi chưa có tin đồn họ có thể thoải mái nói năng, đi lại chốn công cộng hay thể hiện cảm xúc riêng tư thì nay những cử chỉ ấy dễ lọt vào ống kính truyền thông báo chí hay bất cứ chiếc điện thoại nào của người hiếu kỳ. Như vậy có thể còn xảy ra trường hợp đáng tiếc là tin đồn giả nhưng vì vị soi mói, để ý mà những lỗi lầm hay yếu điểm khác lại bị bộc lộ. Hay, những người có địa vị xã hội như làm công tác lãnh đạo, quản lý, giáo dục... thì tin đồn kéo theo sự suy diễn, chỉ trích của đám đông có thể ảnh hưởng tới tâm lý, công việc, đối tác, uy tín tức thời... Rất nhiều doanh nghiệp đã phải dừng lại trước một đối tác đang chịu tin đồn không hay để chờ xác minh thay vì gặp gỡ, ký hợp đồng. Riêng việc dừng lại ấy đã là thiệt thòi vì thời gian quý hơn vàng, uy tín danh dự của mỗi cá nhân cũng thế. Còn đối với một người chẳng ai biết, không có công việc, nghề nghiệp... thì tin đồn có lẽ chẳng ảnh hưởng gì nhiều nếu sự việc ấy không có sự liên quan giữa họ và một người nổi tiếng.
• Theo anh cần có những biện pháp nào để xử lý tin đồn giả để làm mạng xã hội được “trong lành” hơn?
- Trước hết, là ở ý thức của mỗi con người về mạng xã hội, luật pháp, sự tôn trọng đời tư, hình ảnh của người khác. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan đơn vị có nhân sự sử dụng mạng xã hội cần đưa ra những quy chuẩn, khuyến cáo. Tôi thấy nhiều cơ quan, công ty còn phổ biến cả một bộ quy tắc ứng xử với mạng xã hội và được thực hiện rất tốt. Trong đó, quy tắc nêu rõ không bôi nhọ hình ảnh, danh dự người khác; không chia sẻ bình luận phát xét những thông tin nhạy cảm chưa có căn cứ xác minh; không tham gia các tổ chức phi pháp nằm ngoài sự quản lý của pháp luật, nhà nước; sử dụng ngôn ngữ tương tác đảm bảo chuẩn mực, không tục tĩu phản cảm... Còn lại, ở mức quản lý vĩ mô hơn là nhiệm vụ của những cơ quan có chức năng, thẩm quyền nghiên cứu, kết hợp với hệ thống điều hành mạng xã hội tại Việt Nam.
• Xin cảm ơn anh!
Việt Quỳnh