Nguyễn Linh Khiếu được biết đến với tư cách một nhà thơ khi xuất hiện trong những tập thơ đầu tiên đã có nhiều phá cách trong thể loại và ngôn từ, mang đậm phù sa châu thổ và hàm ý sâu xa. Nhưng trong cuộc đời, thực ra anh làm công việc của một nhà nghiên cứu, PGS-TS Triết học Nguyễn Linh Khiếu. Năm 2018, anh làm nhiều người sửng sốt khi cho ra mắt tập trường ca “Phồn sinh” có độ dài hàng ngàn câu thơ với trên 700 trang in, không có bất cứ dấu chấm, dấu phẩy nào trong suốt tập sách dày dặn đó…
PV:Giữa thời buổi này cầm trên tay tập trường ca “Phồn sinh” quả thật là bất ngờ. Người ta quen đọc mạng, nhiều người viết vài ba câu “câu view” trên mạng mà lượng người theo dõi lên tới cả triệu lượt, thế mà anh vẫn bỏ công để viết một tập trường ca đồ sộ, đâu là lý do vậy?
PGS-TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu: Đúng là chỉ cần viết vài ba câu trên mạng có thể có cả triệu lượt theo dõi. Tôi cũng là một tín đồ của mạng xã hội tôi biết rõ điều này. Nhưng tôi viết “Phồn sinh” không để “câu view”. “Phồn sinh” tôi viết đã lâu rồi. Bắt đầu từ tháng 1.2002 và kết thúc vào tháng 1.2014. Tôi đã viết nó liên tục suốt 12 năm. Thực ra, năm 2007 khi mới hơn 200 trang A4, tôi đã mang “Phồn sinh” đến mấy nhà xuất bản cả trong Nam ngoài Bắc nhưng đều không được cấp giấy phép. Không in được, tôi viết tiếp đến 500 trang A4 thì kết thúc.
Viết “Phồn sinh” trước hết là viết vì tôi. Nhu cầu nội tại của cá nhân tôi thúc bách tôi phải viết nó. Không viết nó không được. Tôi không thấy “Phồn sinh” đồ sộ. Là một trường ca, tôi thấy nó phải viết như thế. Viết ngắn đi không được và viết dài hơn nữa cũng không được. Trong dáng vẻ hoàn thiện của nó đối với tôi “Phồn sinh” đúng là phải 135.745 chữ và dày 710 trang khổ 16x24.
Tôi không hiểu khi quyết định in tập sách này anh có chút e ngại nào rằng thơ dài thế, sách dày thế thì sẽ ít có độc giả không?
- Tôi biết người đọc của tôi là ai. Tôi biết thơ dài thế này, sách dày thế này lại được thể hiện dưới hình thức thơ văn xuôi không hề có bất cứ dấu chấm, dấu phẩy nào mà tuôn trào suốt hơn 700 trang thì chắc chắn là rất ít người đọc. Chị thấy đấy, nước ta hôm nay 96 triệu người, nhưng tôi chỉ in có 1.000 bản. Và tôi không dám chắc liệu có được 100 người đọc hết “Phồn sinh” hay không. Những tác phẩm văn học nhiều bạn đọc bao giờ cũng tốt. Nhưng những tác phẩm văn học ít bạn đọc không có nghĩa là không tốt. Một cuốn sách có rất ít bạn đọc thì có phải một cuốn sách dở không? Nhưng tôi làm thơ đâu phải vì người khác. Vì vậy, tôi không quá bận tâm về người đọc. Họ đọc tôi vì tôi là tôi. Tôi là một thế giới riêng, tôi không phải là họ. Tôi mà như họ thì họ đọc làm gì. Làm thơ là sáng tạo, mà đã là hoạt động sáng tạo thì không được để cho ai chi phối mình. Nhà thơ viết vì người khác thì sẽ đánh mất chính mình. Anh ta chỉ là một thằng mõ, một thằng hề, một nô tỳ hay một người khóc mướn trong các đám tang.
“Phồn sinh”, theo ý nghĩ chủ quan của anh, có gì giống và khác với Nguyễn Linh Khiếu thời kỳ đầu được coi như một hiện tượng của thơ ca với “Chùm mơ tiên cảm”, “Mùa thiêng”, “Hoa linh”?
- Với 3 tác phẩm nêu trên ở thời kỳ đầu khi mới xuất hiện đúng là, theo một số người, thơ tôi đã ghi được một dấu ấn nhất định. Nhưng rồi khi bắt tay viết “Phồn sinh” và sau đó suốt 18 năm tôi không in thêm một tập sách nào nữa, mà tập trung sức lực và tâm trí để hoàn thành 18 tập bản thảo. Không in là hoàn toàn do chủ ý của cá nhân tôi chứ không vì cái gì. Năm 2018, tôi in 3 tập gồm trường ca “Phồn sinh”, tập thơ “Sa hồng” và tập tùy văn “Beijing - lá phong vàng” với tổng cộng gần 1.200 trang. Năm 2019, theo kế hoạch tôi sẽ in tiếp 3 tập. Nghĩa là cùng với “Dòng Thiêng” (thơ và trường ca) đang in, tôi sẽ in trường ca “Hoa linh thảo” và tùy văn “Hoa khởi trinh”, nhưng có một chút trục trặc về phát hành nên 2 cuốn sau chưa thể in kịp.
Về mặt thi pháp, thế giới nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ và thông điệp thì, với tư cách là một tác giả thơ, cơ bản tôi vẫn nhất quán là tôi. Nhưng thời kỳ đầu nó trong sáng, tươi tắn, tự tin, yêu đời hơn. Với “Phồn sinh” và “Sa hồng”, cảm quan nghệ thuật và cảm thức nhân sinh vẫn thế, nhưng nó cho thấy một sự quyết liệt của dấn thân, nhân bản và ham sống. Ham sống một cách thái quá đến mức biến cả thế giới thành thế giới sinh sôi nảy nở và coi những gì hủy diệt sự sống là tội ác. Những vấn đề cốt tử của cuộc đời, của nghệ thuật, của sự sống ở thời kỳ đầu xuất hiện riêng lẻ trong các bài, các tập thơ thì đến “Phồn sinh” nó xuất hiện trong một chỉnh thể thống nhất của một hệ thống hoàn thiện, tạo lập nên thế giới phồn sinh. Nghĩa là tôi vẫn là tôi nhưng tôi đã hoàn toàn khác xa với tôi khi tôi còn trẻ. Nhà thơ trong quá trình sáng tạo thơ ca không chỉ khám phá chính mình, mà nhà thơ còn phải luôn luôn vượt qua chính bản thân mình. Vượt qua chứ không phủ định.
Ngay từ những tập thơ đầu tiên cho tới bây giờ, người ta luôn bắt gặp trong thơ anh những hình ảnh liên quan đến phù sa và châu thổ sông Hồng. Điều gì khiến những hình ảnh ấy luôn luôn trở đi trở lại trong thơ anh?
- Điều này thật đơn giản, bởi tôi sinh ra lớn lên ở cửa sông Hồng, nơi sông Hồng gặp biển. Thế giới tuổi tôi thơ tôi là dòng sông, triền đê, cánh đồng lúa, cây cỏ, bãi bồi, cua cáy, tôm cá, ếch nhái, trâu bò, lợn gà, cào cào, châu chấu, trẻ mục đồng và dĩ nhiên là phù sa nữa… Quanh năm tươi tốt, quanh năm mùa màng gặt hái, quanh năm vang lừng nhịp điệu sinh sôi nảy nở. Những khi thủy triều dâng cao, nước lũ sông Hồng bị đẩy ngược lại và tràn ngập đồng bãi, làng xóm đâu đâu cũng đỏ quạch phù sa sóng sánh mỡ màu.
Rồi cả đời tôi sinh sống ở châu thổ sông Hồng. Dĩ nhiên, nếu chỉ có thế thì phù sa và sông Hồng không thành nỗi ám ảnh của nhà thơ được. Bởi nó thân thuộc quá, gần gũi quá, bình thường quá. Rất may là tôi có dịp đi nhiều nước và chính sự khác biệt của mỗi vùng đất trên thế giới nơi tôi đến đã làm cho tôi nhận ra châu thổ sông Hồng là một đặc sắc, một đặc ân đối với thơ tôi. Tôi là một trong những nhà thơ của châu thổ sông Hồng.
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.
Đợt trước có nhiều tranh luận về chữ “Phồn sinh”, anh có thể nói thêm gì về hai chữ “Phồn sinh” và câu chuyện ấy?
- Hai chữ phồn sinh xuất hiện lần đầu tiên trong thơ tôi là năm 1995 trong bài thơ Phù sa sông Hồng. Khi viết thì theo dòng cảm xúc tôi không để ý. Sau khi in báo Văn nghệ tôi mới nhận ra mình đã tìm ra hai chữ phồn sinh. Đối với tôi đó là hai chữ hoàn toàn mới. Tuy nhiên, là một người nghiên cứu triết học, tôi thừa biết tôi chỉ là người tìm ra hai chữ phồn sinh thôi chứ không phải sáng tạo ra nó, phát minh ra nó, sản sinh ra nó và vì thế tôi hoàn toàn không có quyền sở hữu riêng nó. Tìm ra nó nghĩa là nó đã có rồi, đã tồn tại rồi, đã hiện diện ở đâu đó rồi, nhưng vì một lý do nào đó nó ít được dùng và đã bị khuất lấp trong ngôn ngữ và đời sống. Thực ra, phồn sinh được tạo thành bởi hai từ Hán là Phồn và Sinh. Hai từ này đã tồn tại hàng ngàn năm rồi và có nhiều nghĩa khác nhau nhưng có chung nghĩa là nhiều, đông đúc, sinh đẻ, sinh sôi nảy nở bất tận. Như vậy, trong ngôn ngữ thuần Việt không có hai chữ phồn sinh. Nó tồn tại trong đời sống ngôn ngữ của chúng ta với tư cách là từ Hán Việt. Phồn sinh - đó là một từ ngoại lại và lai ghép. Tôi không hiểu vì sao mà nó ít được dùng trong văn bản văn chương.
Phồn sinh trong thơ tôi là cả một thế giới sinh sôi nảy nở bất tận của châu thổ sông Hồng. Sau khi tìm ra hai chữ phồn sinh, năm 2002 khi in chung tập thơ “Dọc sông Hồng” cùng 4 tác giả khác, tôi đã đặt tên tập thơ của mình ở đó là “Phồn sinh”. Sau đó tôi viết trường ca “Phồn sinh” và đến năm 2018 được xuất bản như chị đã biết. Ngôn ngữ là tài sản chung của mọi người. Tôi không có đặc quyền nào với hai chữ phồn sinh cả, tuy nhiên, tên tập thơ, tên một tác phẩm văn chương lại gắn liền với từng tác giả. “Phồn sinh” là tên tập thơ của tôi xuất bản năm 2002 và là tên tập trường ca của tôi xuất bản năm 2018. Vì lẽ đó khi nhắc đến tôi mọi người hay liên tưởng tới hai chữ phồn sinh.
Vâng, mỗi nhà thơ gắn với một phong cách thể hiện và những “mật mã” mà chỉ gợi tới đã khiến người ta liên tưởng tới tác giả. Vì sao anh lại lựa chọn cách sử dụng rất nhiều hình ảnh, câu chữ ám chỉ bản thể của sự sống, của phồn thực và sinh sôi?
- Khi sáng tác không phải bao giờ tác giả cũng làm chủ được quá trình sáng tạo của mình. Nhất là khi viết trường ca. Các thủ pháp nghệ thuật cũng như vốn sống, vốn chữ nghĩa của tác giả trong quá trình sáng tạo nhiều khi hiển thị một cách tự nhiên. Trong thơ của tôi, nhất là trong hai trường ca “Phồn sinh” và “Hoa linh thảo” sở dĩ xuất hiện nhiều hình ảnh, câu chữ ám chỉ bản thể sự sống, của phồn thực và sinh sôi là do tôi đã thấm nhuần tinh thần phồn sinh của châu thổ sông Hồng. Với tôi, sông Hồng và châu thổ sông Hồng là thế giới phồn sinh. Trong cái màu xanh mướt mát của đồng quê, trong hương thơm ngạt ngào của cây cỏ, trong náo nhiệt của gia súc, trong rộn rã của chim chóc, trong xao xuyến của côn trùng, trong bì bõm của cá tôm, trong hồng hào những gương mặt người hớn hở… thực ra chẳng có gì ngoài đực và cái, ngoài trống và mái, ngoài trai và gái với những nhịp điệu hoan ca bất tận. Đó chính là thế giới của phồn thực, của nhục dục, của sinh sôi nảy nở.
Tình yêu cá nhân của nhà thơ giữ vai trò như nào trong việc tạo ra nguồn cảm hứng để nhà thơ tuôn trào cảm xúc trong cách xử lý những hình ảnh như vậy?
- Vâng tất cả là bởi tình yêu, tình luyến ái của muôn loài. Thực ra nhiều khi chúng ta lạm dụng hai chữ tình yêu. Chúng ta mang mô thức sống của con người để minh định đời sống của muôn loài. Tôi không biết thế giới tự nhiên có tình yêu hay không, hay đó chỉ là tình luyến ái. Hình như muôn loài, kể cả con người, động lực mạnh mẽ nhất của đời sống là sống theo tiếng gọi của bản năng gốc. Khi viết “Phồn sinh” tôi nhận ra tình yêu chỉ là một khía cạnh của sự sống. Hình như tình yêu là đặc trưng của thế giới con người. Sự sống vô cùng phong phú và đa dạng. Sự sống mang vẻ đẹp trần trụi và quyết liệt, nó không có nhiều cơ hội cho những thứ tình cảm vu vơ lãng mạn. Chúng ta nhìn bông hoa với biết bao biểu tượng mỹ cảm của tình cảm lứa đôi, nhưng với cây cỏ, đó chỉ là cơ quan sinh dục vào mùa phát dục. Chúng ta nghe tiếng chim hót lảnh lót như chuông vàng và tưởng tượng biết bao thông điệp về đời sống thanh bình no đủ, về cuộc đời đẹp tươi hạnh phúc, về đủ mọi thứ tuyệt vời của đời sống, nhưng đối với loài chim đó chỉ là tiếng con cái, con đực ời ợi gọi nhau mùa sinh sản. Do vậy, cái chi phối muôn loài chắc chắn không phải là tình yêu mà là nhục dục. Bởi vì truyền giống là mục đích tối thượng của muôn loài. Tôi nghĩ, truyền giống cũng là mục đích tối thượng của loài người, nhưng có lẽ nhục dục đã được thăng hoa bởi tình yêu. Không có tình yêu thì nhục dục thô thiển quá. Nếu không có nhục dục thì sẽ chẳng có tình yêu nào tồn tại được cả.
Ngoài việc ngợi ca sự sống sinh sôi, anh có thể nói thêm gì về thông điệp “Phồn sinh”? “Phồn sinh”, theo cảm nhận của tôi, còn gửi gắm nhiều điều về khát vọng Việt Nam?
- Thông điệp của “Phồn sinh” rất đơn giản. Đó là sự sống, là bất diệt. Châu thổ sông Hồng là thế giới phồn sinh muôn đời sinh sôi nảy nở. Sức sống của châu thổ sông Hồng cuồn cuộn như sông Hồng mùa lũ dạt dào năng lượng phì nhiêu và màu mỡ. Không ai, không thế lực nào có thể hủy diệt được sự sống của châu thổ sông Hồng. Đã trải qua dù ngàn năm Bắc thuộc, dù trăm năm thực dân đô hộ, dù thù trong giặc ngoài, dù chiến tranh loạn lạc, ngoại xâm, nội chiến, dù chuyên chế, độc tài, phát xít, toàn trị… không một thế lực nào có thể hủy diệt được sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Không thế lực nào có thể hủy diệt được sức sống của con người Việt Nam.
Dự định tiếp theo của anh là gì sau một tập trường ca lớn như “Phồn sinh”?
- Hiện tôi đang in tập “Dòng Thiêng” (thơ và trường ca) khoảng 260 trang khổ 14,5x20,5. “Dòng Thiêng” là tập hợp 4 tập thơ đã xuất bản trước đây của tôi có sửa chữa và bổ sung. Tập thơ này gồm 158 bài thơ tiêu biểu của tôi và 2 trường ca ngắn. Đây là cuốn sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành theo qui chế sách do nhà nước đặt hàng.
Tôi hiện còn 14 tập bản thảo thơ, trường ca và tùy văn. Trong những năm tới tôi sẽ lần lượt công bố những tác phẩm này. Đấy là những cuốn sách tôi đã viết trong 18 năm qua. Tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của bạn đọc và các nhà xuất bản để các cuốn sách của tôi được ra đời. Xin được cảm ơn bán nguyệt san Tinh hoa Việt của báo Đại Đoàn Kết đã cho tôi cơ hội trình bày một vài suy nghĩ của cá nhân mình.
Vâng, trân trọng cảm ơn anh!
* PGS-TS nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu sinh năm 1959 tại Thái Bình, hiện sống tại Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Các tác phẩm văn học đã xuất bản: “Hoa Linh” (thơ và trường ca, 2000), “Mùa thiêng” (thơ, 1995), “Chùm mơ tiên cảm” (thơ, 1991), “Phồn sinh” (trường ca, 2018), “Sa hồng” (thơ và trường ca, 2018), “Beijing - Lá phong vàng” (tùy văn 2018)...