“Sân khấu vẫn là một ngôi nhà thiêng liêng mà họ muốn chung tay, góp sức để giữ gìn, phát huy… tất cả những phẩm chất cần thiết của một “thánh đường” khi ánh đèn được thắp lên trong mắt khán giả...”, Nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ.
Sân khấu không chỉ được ví là “thánh đường” của các nghệ sĩ, mà còn là nơi mà công chúng, đặc biệt là người dân thành phố TP HCM tới thưởng thức ra sao, thưa anh?
- Nói về việc đi xem kịch, tôi tin TP HCM là náo nhiệt hơn cả với ánh đèn trên sân khấu lẫn dưới hàng ghế ở cả góc độ nghệ sĩ và khán giả. Tuy nhiên, nếu so với cách đây một đến hai thập niên thì sân khấu đã trầm lắng hơn rất nhiều so với các loại hình nghệ thuật khác đang phát triển, nhất là với không gian mạng. Dẫu vậy, sân khấu ở TP HCM vẫn là một điểm hẹn văn hóa vào những dịp cuối tuần cho lớp khán giả lớn tuổi cùng với khán giả trẻ. Đặc biệt vào những thời điểm như mùa lễ hội cuối năm, Tết… sân khấu lại rộn ràng như một kiểu “đến hẹn lại lên”.
Liên hoan Sân khấu TP HCM lần thứ nhất năm 2024 chủ đề Khát vọng Phương Nam đang diễn ra từ ngày 12 đến 29-11, dành cho nghệ thuật kịch nói. Sau đại dịch covid-19, sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói riêng, vốn hoạt động sôi nổi, thu hút sự quan tâm, yêu thích của khán giả rơi vào sự trầm lắng. Nhiều biến động tác động tới nghệ sĩ cũng như sự thay đổi thị hiếu công chúng, thêm kinh tế khó khăn, vốn đầu tư khó thu hồi, người dân mất thói quen thưởng thức sân khấu. Thế nhưng, tình yêu sân khấu vẫn cháy trong tim mỗi diễn viên.
Để tham gia vào vai chính Thuý Kiều trong vở kịch “Dưới bóng giai nhân” (Nhà hát Idecaf) sắp ra mắt vào tháng 12 tới đây, diễn viên Hồng Ánh đã phải từ chối 3 dự án phim điện ảnh và 1 dự án phim truyền hình dài tập. Qua những chia sẻ của các diễn viên nổi tiếng, dù đang bận rộn với nhiều chương trình điện ảnh, truyền hình, MC… nhưng chỉ cần sân khấu cần, là họ sẽ có mặt, lao động tận tâm tận lực, cạn nước mắt, cạn sức, khan tiếng… từ 9 giờ sáng đến 9 giờ đêm với mỗi vai diễn của mình.
Thưởng thức sân khấu, cũng chính là nét đẹp văn hoá của người dân thành phố, và điều đó đã làm TP HCM trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ tài năng khắp mọi miền đất nước về hội tụ?
- Giải trí về mặt tinh thần gần như là một thói quen không thể thiếu với người dân nơi đây. Dĩ nhiên, theo thời gian sẽ có những thăng trầm và cách thức thưởng ngoạn cũng khác nhau. Song, sân khấu kịch của TP HCM có thể xem là “thánh đường” đúng nghĩa, khi vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ chấp nhận gác lại rất nhiều dự án mang lại “nguồn tiền lớn” để sống chết với một vai diễn, một vở kịch… mà bản thân họ biết rằng niềm vui làm nghề lớn hơn rất nhiều với lợi ích vật chất mang lại. Cũng như vậy, chính cái không khí và nhiệt huyết này, khiến cho những bạn trẻ có tài năng cũng như đam mê với sân khấu ở khắp mọi miền… cũng chọn TP HCM là nơi để học, rèn luyện và đứng dưới ánh đèn để trau dồi nghề. Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận đây là một so sánh mang ý nghĩa “so bó đũa chọn cột cờ” mà thôi.
Có thể nói nhiều sân khấu từng luôn sáng đèn, cũng chính vì sự ủng hộ bền bỉ của khán giả?
- Sân khấu kịch, nói cho đúng, chưa bao giờ mang lại sự sung túc cho nghệ sĩ ở nghĩa đen của nó. Nhưng ở nghĩa bóng, người nghệ sĩ có lẽ cảm thấy hạnh phúc nhất khi được diễn trực tiếp hằng đêm trước ánh mắt khán giả, mọi diễn xuất trên sân khấu đều không thể “làm lại” như điện ảnh hay truyền hình… Do đó, chỉ có sự nhập tâm và lòng yêu nghề mới khiến các nghệ sĩ bước ra khỏi cánh gà và khóc cười cùng nhân vật của mình mỗi đêm.
Sau đại dịch covid-19, sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói riêng, vốn hoạt động sôi nổi, thu hút sự quan tâm, yêu thích của khán giả rơi vào sự trầm lắng ra sao, thưa anh?
- Chúng ta cũng biết giá vé của một vở kịch ngày hôm nay không phải là quá rẻ so với túi tiền của khán giả. Nhưng chúng ta cũng biết, giá vé ấy lại rất rẻ so với công sức của cả một tập thể nghệ sĩ lẫn anh em hậu đài khi sân khấu sáng đèn. Lứa khán giả cũ đang mất dần đi vì sức khỏe và tuổi tác. Lứa khán giả mới có nhiều chọn lựa giải trí hơn, gu thưởng thức cũng khác dần đi… Do đó, rất nhiều sân khấu buộc phải thay đổi mình để cập nhật với thị hiếu người xem, đồng thời họ cũng cố gắng làm sao giữ lại được bản sắc của thương hiệu sân khấu mà họ đã gây dựng. Một bài toàn rất khó cho những người nghệ sĩ, vừa chu toàn khả năng làm nghề lại vẫn giỏi kinh doanh để giữ sân khấu hoạt động. Đây là một giai đoạn trầm lắng tất yếu của sân khấu kịch TP HCM, nhưng cũng có thể xem là phép thử, để biết đâu sau nốt lặng này, sân khấu sẽ bắt đầu trở lại với sức sống như nó đã từng có cách đây không lâu. Và cũng đã có vài tín hiệu cho thấy sân khấu TP HCM cũng đang chuyển mình theo hướng tích cực như vậy.
Nhiều biến động tác động tới nghệ sĩ cũng như sự thay đổi thị hiếu công chúng, thêm kinh tế khó khăn, vốn đầu tư khó thu hồi, người dân mất thói quen thưởng thức sân khấu như thế nào?
- Đây đều là những vấn đề mà sân khấu kịch ở VN phải đối mặt chứ không riêng gì TP HCM. Lực lượng những người làm sân khấu cũng cần thời gian để điều chỉnh, thay đổi phương cách phù hợp hơn để sân khấu vẫn hoạt động, để nghệ sĩ vẫn có nơi làm nghề và khán giả vẫn đến để thưởng thức. Tôi cho rằng, mọi thứ lúc này nếu có thêm những hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý thì có thể sân khấu sẽ tốt hơn và tự tin hơn rất nhiều trong một thời đại mà giải trí đang thay đổi mạnh mẽ như thế này. Ví dụ như, chúng ta cần đầu tư những sân khấu thật hiện đại và phù hợp với nhu cầu của công chúng thưởng thức. Sau đó, cho các đơn vị làm sân khấu thuê lại để sáng đèn hằng đêm với các vở diễn của họ…
Thế nhưng, tình yêu sân khấu vẫn cháy trong tim mỗi diễn viên. Có thể nói, chúng ta nhìn thấy nỗ lực của rất nhiều đoàn diễn thông qua các hoạt động nhằm giữ gìn tình yêu này?
- Dĩ nhiên, nhìn vào các sân khấu kịch TP HCM, chúng ta vẫn luôn thấy những nỗ lực bền bỉ của những nghệ sĩ sân khấu. Tuy nhiên, 10 đến 20 năm nữa, chúng ta không dám chắc sân khấu có được như bây giờ, và các nghệ sĩ hôm nay cũng như nghệ sĩ trong tương lai có còn nhiều nhiệt huyết… Do với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu có những đặc thù rất riêng mà tôi tin là rất cần sự tiếp sức của các cấp quản lý… Chỉ như thế, sân khấu kịch TP HCM mới vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển như một loại hình nghệ thuật rất đặc trưng của vùng đất nơi đây.
Gần đây, khi tham gia vào buổi ra mắt vở chính kịch “Dưới bóng giai nhân”, anh nhìn thấy tình yêu ấy, vẫn thắm đượm trong mỗi diễn viên, dù họ đã rất nổi tiếng và đang thành công ở nhiều hoạt động nghệ thuật khác ngoài sân khấu?
- Để làm những vở kịch như “Dưới bóng giai nhân”, chỉ tình yêu làm nghề của nghệ sĩ là không đủ mà còn cần cả những bàn tay kinh doanh có nghề… Vì quy mô nghệ thuật lẫn mức độ đầu tư của vở diễn này rất lớn, nếu không nói là vở hiếm hoi có đầu tư lớn đến như vậy trong khoảng vài năm trở lại đây ở sân khấu kịch Idecaf nói riêng và sân khấu kịch TP HCM nói chung. Tôi chỉ mong là những vở diễn như thế này sẽ như một cách chúng ta thắp lại ngọn đuốc làm nghề, để các sân khấu kịch khác cũng tự tin đầu tư các vở diễn có chất lượng nghệ thuật và quy mô lớn hơn, nghệ sĩ chịu đầu tư thời gian hơn cho nhân vật, khán giả chịu đến sân khấu kịch nhiều hơn… Như một phản ứng dây chuyền để sân khấu có cơ hội chuyển mình mạnh mẽ, nhất là vào thời điểm mùa lễ hội cuối năm như thế này.
Anh đã nói “Sân khấu vẫn là một ngôi nhà thiêng liêng mà các nghệ sĩ muốn chung tay, góp sức để giữ gìn, phát huy… tất cả những phẩm chất cần thiết của một thánh đường khi ánh đèn được thắp lên trong mắt khán giả...” anh có thể chia sẻ cụ thể hơn?
- Với các nghệ sĩ kịch, sân khấu chính là thánh đường của họ. Vì tôi cho rằng, niềm vui hóa thân vào nhân vật trên sân khấu kịch sẽ lớn lao, hạnh phúc, trọn vẹn… hơn rất rất nhiều so với việc đi làm gameshow giải trí… để mưu sinh. Dĩ nhiên, không có công việc nào thấp kém hơn công việc nào. Nhưng trong căn tính của người nghệ sĩ, dù nghèo hay giàu về vật chất, mục tiêu hướng đến trong đời họ vẫn luôn là được tỏa sáng bằng tài năng của mình trên sân khấu. Và đó chính là lý do khi có những vở diễn như “Dưới bóng giai nhân”, kiểu như cơ hội bao nhiêu năm mới có một lần, họ đều muốn chung tay để thắp ánh đèn trên thánh đường rực rỡ nhất có thể…
Một vở diễn được đầu tư lớn, với 50 diễn viên nổi tiếng, hàng trăm phục trang… như “Dưới bóng giai nhân”, liệu có phải là điểm sáng cho việc hồi sinh của sân khấu?
- Một con én không thể làm nên mùa xuân, nhưng một cánh chim én sẽ là tín hiệu cho chúng ta biết là mùa xuân đang dần về đến. Tôi tin đây là điểm sáng, và vở diễn này sẽ hút khán giả lẫn sự quan tâm của các đơn vị sân khấu kịch tại TP HCM. Rất có thể, “Dưới bóng giai nhân” sẽ mang đến một làn gió mới cho sân khấu kịch TP HCM trong năm 2025 khởi sắc và hấp dẫn hơn ở mọi khía cạnh.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!