Sân khấu hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thu hút khán giả. Các nhà hát cũng rất sốt ruột, tìm mọi cách để có thể “sáng đèn”. Trong đó, một số nhà hát tiên phong dàn dựng những vở diễn bám sát hơi thở thời đại, thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn...
Dấn bước vào các đề tài mới lạ
Mới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt vở diễn “Cánh cửa hé mở”, khai thác chủ đề về công nghệ biến đổi gen và trí tuệ nhân tạo (AI). Một tác phẩm đậm màu sắc viễn tưởng, lạ lẫm nhưng rất thuyết phục...
Cũng phải thừa nhận, khá lâu rồi Nhà hát mới có một đêm sáng đèn nhiều cảm xúc như vậy. Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ, vở diễn đề tài giả tưởng là lời cảnh tỉnh nhân loại trước các xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra tràn lan hiện nay. Cánh cửa mở hé cho những điều thần kỳ, tự thân, thuận theo tự nhiên để cải biến mỗi cá thể, qua đó nâng tầm cho hiện thực thời đại. Tác phẩm cũng thể hiện mong muốn dấn bước vào các đề tài hóc búa và làm phong phú món ăn tinh thần, hướng tới tiếp cận nhiều hơn các đối tượng khán cải lương ở mọi lứa tuổi.
“Với nghệ sĩ, đây là một phép thử, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt. Nghệ thuật không có giới hạn, song song với bảo tồn cải lương truyền thống, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để phát triển nó trong thời gian tới” - NSND Triệu Trung Kiên cho hay.
Tuy nhiên, những vở diễn như thế này trên sân khấu truyền thống còn rất ít. Thời gian qua mới chỉ nổi lên những điểm sáng như TP Hải Phòng với những tác phẩm được đầu tư chỉn chu, có tác phẩm đỉnh cao... phục vụ rộng rãi mọi đối tượng công chúng. Hay như sân khấu của TPHCM cũng đã nhộn nhịp trở lại. Nhiều nhà hát dựng những vở mà mở bán vé trước cả 6 tháng hoặc 1 năm. Đây là tín hiệu vui cho thấy khán giả đã quay trở lại với sân khấu nhờ những vở diễn chất lượng.
Những năm gần đây, người ta nói nhiều đến câu chuyện sân khấu Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu vắng những vấn đề của thời đại, những gai góc mà xã hội đang rất cần lên tiếng. Chính vì không bắt nhịp được với hơi thở của thời đại khiến sân khấu thiếu sức sống, không lôi kéo được khán giả.
Nguyên nhân được cho rằng một phần do các tác giả chưa mạnh dạn, dấn thân để viết những trăn trở, khát vọng và mong mỏi của con người trong xã hội hiện nay. Các kịch bản hiện vẫn theo phương pháp sáng tác truyền thống, chưa có đột phá, chưa tạo dấu ấn đặc biệt. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở chỗ quan điểm, cách chọn lựa kịch bản an toàn của các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật. Đối với vở diễn, kịch bản chính là nơi bắt đầu, cho nên đây là điều vô cùng đáng quan ngại.
Nói như NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì sân khấu Việt Nam đang bị khủng hoảng về công chúng khán giả, thiếu những tác phẩm chất lượng cao, thiếu kịch bản dám đột phá mạnh vào những góc khuất của cuộc sống.
“Kịch bản mới không phải là ít vì hàng năm Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức 2 trại sáng tác cho tác giả ở cả 3 miền, nhưng kịch bản đáp ứng được mong muốn, đạt được yêu cầu của các nhà hát lại là vấn đề khác. Đa phần kịch bản hiện nay chưa chạm vào được những vấn đề gai góc nhất, những vấn đề mang hơi thở của cuộc sống, mang tính thời đại...” - NSND Giang Mạnh Hà nói.
Đừng chỉ giữ an toàn
Xa rời hiện thực đương đại là vấn đề chung của sân khấu và nhiều loại hình văn học nghệ thuật hiện nay. NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định: Điều mà khán giả ngày nay đang quan tâm thì sân khấu lại quay lưng, ngoảnh mặt. Kịch bản đa phần chưa xác định được những mũi nhọn để nói lên tâm tư, nguyện vọng hay những hình tượng nhân vật điển hình của xã hội ngày hôm nay. Bên cạnh đó, một phần là do các đơn vị nghệ thuật cả công lập và ngoài công lập hiện nay đang giữ sự an toàn cho hoạt động của mình.
Nhiều năm qua, có thể nói sân khấu vẫn xoay quanh việc tái hiện các vở diễn lịch sử, thiếu đi sự đa dạng với các đề tài đương đại, những vấn đề nóng hổi trong cuộc sống.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, sân khấu phải đi thẳng vào những vấn đề cuộc sống hiện nay thì mới đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo đội ngũ tác giả, thành phần sáng tạo bằng cơ chế đặc thù nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của đời sống xã hội. Những kịch bản có chất lượng, được giải thưởng cao, các cơ quan chức năng nên tổ chức đấu thầu dàn dựng.
“Tác phẩm sân khấu là một hàng hóa đặc biệt hướng đến đối tượng người xem thì phải được quảng bá để nó đến được với công chúng. Hiện nay kinh phí dành cho việc này ít được quan tâm, chính vì thế sân khấu đang bị lép vế với các loại hình nghệ thuật khác”- ông Thọ chia sẻ.
Còn NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, để có những tác phẩm sân khấu mang hơi thở cuộc sống, trước mắt cần có kế hoạch đào tạo và phát triển nhân lực dài hơi. Hội đồng nghệ thuật cần có định hướng đào tạo và đặt hàng cho những kịch bản mang tính thời đại, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả. Bên cạnh đó, những người làm sân khấu cần được tạo cơ hội đi học tập ở các quốc gia có nền nghệ thuật phát triển để có thể lĩnh hội những tinh hoa cũng như xu hướng làm sân khấu của thế giới.
Cũng có ý kiến cho rằng, để khán giả đến với sân khấu, với vở diễn, ngoài kịch bản tốt, đạo diễn giỏi, diễn viên tài năng thì sân khấu cũng phải liên tục thay đổi về mặt hình thức, nghĩa là phải tạo ra hấp lực về mặt thị giác. Về góc độ này, có thể nói vở diễn “Cánh cửa hé mở” của Nhà hát Cải lương Việt Nam khá thành công. Đạo diễn đã thay phông nền bằng màn hình led với những hình ảnh biến đổi kỳ ảo, tạo ra sức hút về mặt thị giác cho khán giả. Đây cũng là một lợi thế cho sân khấu trong thời đại công nghệ 4.0. Khi công nghệ thay đổi như vũ bão mà sân khấu không thay đổi thì sẽ thất bại.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi cho biết, thời gian tới, nghệ thuật sân khấu phải đặc biệt quan tâm tới việc nâng tầm văn hóa trong tác phẩm, xây dựng và sáng tạo được những tác phẩm lớn, vừa phản ánh được những yếu tố mới của hiện thực cuộc sống hôm nay, vừa đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, thưởng thức của đông đảo khán giả.