Sân khấu truyền thống ngày càng chịu nhiều áp lực trước sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí hiện đại. Các nhà hát ngoài nỗ lực làm mới mình bằng những sản phẩm, phù hợp với thị hiếu, tâm lý của người xem, thì họ còn phải nhanh nhạy trong việc quảng bá, tiếp cận khán giả trên các nền tảng mạng xã hội...
Hàng năm, các nhà hát công lập, nhất là các sân khấu truyền thống đều được đầu tư dàn dựng ít nhất từ 1 đến 2 tác phẩm mới. Tuy nhiên, để mang những “đứa con tinh thần” đến với khán giả không chỉ ở tài năng của các nghệ sĩ, mà còn là đầu tư về sân khấu, trang phục, truyền thông… Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc “thắng” hay “thua” của sân khấu truyền thống đang thực sự bước vào cuộc đua.
Bởi nếu như trước đây, khán giả có thể tìm đến nhà hát, rạp chiếu phim vào các ngày nghỉ cuối tuần, nhưng giờ thói quen ấy của nhiều người đã thay đổi. Họ chọn ở nhà xem, nghe các chương trình nghệ thuật trên các nền tảng trực tuyến như YouTube, TikTok... Vì vậy, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật cũng đang phải thay đổi để bắt kịp xu hướng này. Ngoài việc làm mới mình bằng cách thử nghiệm những kịch bản mới, hợp tác với các đạo diễn quốc tế hay làm mới những tác phẩm kinh điển... là việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên nền tảng mạng xã hội.
Các trang Fanpage được đầu tư sử dụng như một kênh thông tin chính thức với nội dung được cập nhật nhanh chóng, gần gũi với khán giả. Một số nhà hát rất quan tâm chăm chút để nâng số lượng người theo dõi, lượng người truy cập, kịp thời có những điều chỉnh qua việc tương tác, bình luận trong từng bài đăng cho phù hợp với yêu cầu, thị hiếu của khán giả.
Đơn cử như Nhà hát Nhạc Vũ Kịch (VNOB) sử dụng quét mã QR trên màn hình sân khấu trước giờ biểu diễn, từ vở Hàm lệ Minh Châu (2022), Ballet Đông Hồ (2023) để khán giả có thể tìm hiểu trước về nội dung vở diễn, các diễn viên tham gia, thứ tự các tiết mục... Nhờ vậy tiết kiệm một phần chi phí so với việc in tờ rơi, khán giả chủ động trong việc tiếp cận buổi diễn.
Nhiều vở diễn của VNOB gần đây như vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” đã tạo ra sự đột phá trong cách thể hiện, kết hợp độc đáo giữa sân khấu tối giản và công nghệ Visual LED hiện đại, kết hợp giữa nghệ thuật thị giác với nghệ thuật trình diễn nhạc kịch, mang lại những trải nghiệm mới cho khán giả nên nhận được nhiều những phản hồi tích cực.
NSƯT Sỹ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, nhà hát thường xuyên livestream trên trang fanpage để giới thiệu các vở kịch sắp diễn, các chương trình ưu đãi khi khán giả mua vé. Các nghệ sĩ của Nhà hát cũng rất tích cực giới thiệu về vở diễn, giao lưu trực tuyến với khản giả. Việc đặt vé online, soát vé bằng việc quét mã QR được áp dụng dễ dàng, thuận tiện.
Thực tế cho thấy, với sự phát triển của công nghệ, nhiều đơn vị sân khấu truyền thống đang rất nỗ lực để bắt kịp xu thế. Nhiều chủ nhân của các kênh YouTube, TikTok cũng đã hệ thống hóa video của các vở diễn nổi tiếng trong lĩnh vực cải lương, tuồng, chèo... để lan tỏa đến khán giả, cung cấp một kênh thú vị để khán giả tìm đến với nghệ thuật sân khấu.
Tuy nhiên, không ít đơn vị nghệ thuật cũng chia sẻ những khó khăn mà họ đang phải đối mặt. NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, các sản phẩm nghệ thuật online hiện nay chúng ta đưa lên mới chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự hấp dẫn để có thể thu được tiền. Muốn thu hút được khán giả thì phải có sự đầu tư về công nghệ để có những sản phẩm nghệ thuật thích ứng với thị trường nghệ thuật hiện nay.
Còn theo TS Nguyễn Hồ Phong - Trường Đại học Văn hóa TPHCM, xét ở góc độ tâm lý, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ sẽ kéo theo xu hướng tâm lý tiêu dùng “nhanh và gọn” của công chúng. Sức hút của các sản phẩm giải trí ngắn, siêu ngắn trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại đã chứng minh điều này. Tâm lý tiêu dùng mang đậm chất đời sống công nghiệp - đô thị là thách thức rất lớn để các sản phẩm nghệ thuật của sân khấu truyền thống thích nghi, tồn tại và phát triển đúng với những giá trị cốt lõi, giàu bản sắc.
Ông Phong cũng phân tích, một trong những thuộc tính cơ bản của nhiều loại hình sân khấu truyền thống là diễn biến câu chuyện của vở diễn, lời ca thường kéo dài. Điển hình như nghệ thuật Cải lương, sau nhiều lần “cải cách” thì hiện nay phần lớn các vở diễn vẫn có độ dài trung bình khoảng 90 - 120 phút. Độ dài này phù hợp tâm lý của phân khúc khán giả có nhiều thời gian nhưng lại chưa hợp lý với tâm lý tiêu dùng của nhóm khán giả bận rộn, có sở thích thụ hưởng chương trình ngắn qua các phương tiện điện tử cá nhân.
Có thể nói, sân khấu truyền thống đang phải đối mặt với vô vàn những khó khăn khi phải cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại. Nhưng đó là xu thế tất yếu, vì vậy đòi hỏi nhà quản lý và các nghệ sĩ sẽ phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo để tìm ra cho mình con đường phù hợp.