Tìm lại thuở vàng son cho sân khấu truyền thống

Minh Quân 28/10/2023 07:55

Tự hào với lịch sử hình thành và phát triển, thế nhưng sân khấu truyền thống nhiều năm qua dường như vẫn đang dậm chân tại chỗ do “nhiều vở yếu, thiếu vở hay” và vẫn loay hoay đi tìm khán giả.

Hiện đại hóa sân khấu truyền thống là một hướng đi trong nỗ lực tìm kiếm khán giả. Ảnh: Quang Vinh.

Kể từ khi ra đời, Tuồng, Chèo, Múa rối nước, Cải lương, các bộ môn Dân ca kịch… đã trở thành những món ăn tinh thần của người Việt Nam từ làng quê đến thành thị. Mỗi buổi diễn là một ngày hội với người dân. Thậm chí có một thời, người dân thuộc lòng các trò diễn, tích tuồng, các nhân vật sân khấu.

“Bài ca muôn thuở”

Thế nhưng từ cuối thế kỷ XX tới nay, sân khấu truyền thống đang phải đối mặt với tình trạng mất dần khán giả. Ngay cả những bộ môn sân khấu vốn đắt khách trước đây như Cải lương, Kịch nói cũng lâm vào tình trạng này. NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ, cho đến nay, thực trạng khán giả của nghệ thuật sân khấu truyền thống “ngày càng thê thảm” đến mức nếu không tìm cách giải quyết thì loại hình nghệ thuật này sẽ không còn lý do để tồn tại, phát triển.

Theo bà Mùi, nguyên nhân có thể có nhiều, như do có ít vở diễn hay, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay, ít nghệ sĩ giỏi, công tác tuyên truyền quảng bá của các đơn vị sân khấu truyền thống còn rất thiếu và yếu… nhưng quan trọng nhất có lẽ là do chúng ta chưa chú trọng đúng mức tới việc tổ chức, giáo dục, đào tạo các thế hệ khán giả mới của sân khấu truyền thống, trong khi lớp khán giả trung niên và cao niên hiểu và say mê nó đã ngày càng ít dần.

Cảnh trong vở Quan Âm Thị Kính của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Không những vậy, việc vắng khán giả của sân khấu truyền thống ngày càng thành “bệnh kinh niên” nhất là sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. PGS.TS Trần Trí Trắc (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) cho rằng mối quan hệ giữa nghệ thuật sân khấu với khán giả đang khủng hoảng trầm trọng. Tức là sân khấu truyền thống không có khán giả, đêm diễn nào cũng “vắng như chùa bà Đanh”. Vì tác phẩm sân khấu rất cũ về nội dung và hình thức, không có gì đổi mới. Nhân vật chủ lực của hai dòng sân khấu Nhà nước và tư nhân (xã hội hóa) đều không phải là những hình tượng con người đương thời của khán giả đương thời và những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng của thời đại thế giới phẳng, công nghệ 4.0, xã hội số… Nghĩa là, thẩm mỹ sân khấu không đồng điệu với thẩm mỹ của khán giả của ngày hôm nay.

Cảnh trong trích đoạn "Ông già cõng vợ đi xem hội" của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Biến “ba không” thành “ba có”

Việc sân khấu truyền thống thiếu vắng khán giả nhiều năm qua khiến những người trong cuộc luôn day dứt, bởi có quá nhiều nguyên nhân nhưng không thể một sớm một chiều có thể tháo gỡ được. Và nếu chỉ có những người làm nghề thì cũng không thể giải quyết được… Trong khi đó, khán giả là khâu then chốt, là đường dẫn kết nối đến sự hứng khởi, sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, là điều sống còn của sân khấu.

Để sân khấu trở lại thuở vàng son một thời, NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, khâu quảng bá giá trị của các loại hình nghệ thuật vẫn còn rất nhiều hạn chế. Thực trạng này có nguyên nhân từ việc chất lượng nội dung và nghệ thuật của các chương trình, hình thức trình diễn, giới thiệu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng. Nhưng cũng có nguyên nhân từ việc các đơn vị nghệ thuật chưa năng động sáng tạo và chưa có điều kiện giới thiệu quảng bá tác phẩm đến công chúng. Chính vì vậy, phải quan tâm phổ biến tác phẩm đến công chúng khán giả trẻ, đây là chiến lược cũng là sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật sân khấu.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, trong khi các đài truyền hình của cả nước đều không tổ chức được chương trình sân khấu truyền hình, thì duy nhất Đài Truyền hình Hải Phòng đã làm được chương trình sân khấu truyền hình. Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng đã liên tục, thường xuyên tổ chức chương trình này. Cho đến hết năm 2023, đã kín lịch phát sóng mỗi tháng một lần và phát lại hơn một lần, không chỉ trên sóng Đài Truyền hình Hải Phòng mà đã hội đủ nội lực cho “sân khấu đóng hộp” này “đầy tràn” ra ngoài, vượt khỏi màn ảnh nhỏ truyền hình, để diễn “tươi sống” cho khán giả.

“Nếu coi sân khấu truyền hình là một dạng thức của sân khấu đóng hộp (bởi được quay và phát sóng chỉ trên màn ảnh nhỏ), thì đây là một đổi mới quan trọng của sân khấu nhằm lấy lại khán giả, và có ý nghĩa lan toả rất lớn” - bà Thái bày tỏ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay nghệ thuật sân khấu truyền thống đang tồn tại hiện tượng “ba không”. Đó là, không có đội ngũ biên kịch, không có lực lượng lý luận - phê bình đủ sức và không có khán giả đến xem. Vì vậy, muốn phục hưng nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam thời đổi mới, hội nhập quốc tế thì trước hết giải pháp đầu tiên là phục hưng lại “ba không” thành “ba có”. Nếu không có ba thành tố là tác giả, nhà lý luận, phê bình sân khấu và khán giả thì mọi việc bàn về chấn hưng, đổi mới nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng chỉ dừng lại ở kỳ vọng mà thôi.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, riêng ngành sân khấu biểu diễn, việc chấn hưng và đổi mới nằm ở việc tìm lại lượng người xem đã mất, nhất là người xem trẻ. Cách tốt nhất là giữ vững tính chuyên nghiệp của người hoạt động sân khấu, của nghề sân khấu trong tinh thần đối thoại thế sự - nghệ thuật với người xem, mà chỉ có nghệ thuật sân khấu mới có được trong tính đặc thù của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm lại thuở vàng son cho sân khấu truyền thống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO