Sân khấu truyền thống: 'Tre già' nhưng 'măng chưa mọc'

Minh Quân 08/06/2023 07:15

Thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%; từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Trong khi tình trạng chung là các đơn vị sân khấu truyền thống luôn không tuyển đủ diễn viên.

Một số tiết mục sân khấu truyền thống.

Khó tuyển được diễn viễn tài năng

Đó là chưa kể theo thời gian nhiều nghệ sĩ đã bỏ dở giữa chừng, vì tự thấy không đủ khả năng, hoặc sau khi “suy đi tính lại” đã lựa chọn con đường khác. Tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, hiện phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng chỉ có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%...

Không chỉ các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tình trạng này ở nhiều địa phương còn báo động hơn nhiều. Có thể kể đến như trường hợp Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa với biên chế giới hạn 86 người (cả 3 đoàn Chèo, Tuồng, Cải lương gồm nghệ sĩ biểu diễn, nhạc công, nhân viên ánh sáng, âm thanh, hành chính, lái xe...); diễn viên biểu diễn và nhạc công ít ỏi như vậy khó có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Chính vì thế mới đây tại 2 cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng - Dân ca kịch toàn quốc 2023 và Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc năm 2023, ban tổ chức đã phải bỏ từ “trẻ”, không giới hạn tuổi để nhiều đơn vị có đủ quân số dự thi. Trước đó, tại nhiều cuộc thi tài năng diễn viên trẻ của sân khấu truyền thống toàn quốc, một số đơn vị không cử được diễn viên tham gia, có đơn vị chỉ cử được một, hai thí sinh đi thi nhưng chưa đủ độ chín để có thể đảm đương các vai diễn mẫu. Đây là một thực tế rất đáng báo động trong công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển cho loại hình nghệ thuật truyền thống.

Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thuý Mùi, “thầy già, con hát trẻ” vốn là đặc thù của nghệ thuật biểu diễn nói chung. Nhưng hiện nay sân khấu Việt Nam đang đối diện với chuyện “tre già” nhưng “măng” chưa mọc và chỉ mươi năm nữa sẽ có nguy cơ đứt nguồn. Thời gian qua có quá nhiều chính sách thay đổi từ đào tạo tới biên chế, sáp nhập tại các đơn vị nghệ thuật địa phương khiến cho nhiều tài năng sau khi ra trường, định biên của nhà hát không tăng, hợp đồng cũng không được ký; chưa kể, nếu có được ký hợp đồng thì nhà hát cũng không đủ sức để chi trả lương cho các em. Từ đó, nhiều nhà hát buộc phải chấp nhận mất đi thế hệ kế cận đầy nhiệt huyết và tài năng.

Lực lượng ngày một teo tóp

Việc thiếu vắng lực lượng kế cận cho sân khấu truyền thống đã và đang là “bài toán” khó chưa tìm ra lời giải trong nhiều năm qua. Thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không thiếu những người trẻ tài năng, có thanh, có sắc song hầu hết các nghệ sĩ trẻ đang bị thu hút vào những lĩnh vực “hot”, dễ thành “sao”... Trong khi đó, với nghệ thuật truyền thống, để nổi tiếng thì phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, học tập, rèn luyện cả chục năm trời. Ngay cả khi đã đạt được những thành tích nổi bật thì đa số đào, kép chính ở các nhà hát truyền thống vẫn phải tất tả mưu sinh.

Hiện nay chế độ, chính sách với viên chức, người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã và đang tồn tại rất nhiều vướng mắc, bất cập. Dù đã có nhiều lần điều chỉnh cho thấy sự quan tâm của Nhà nước với đội ngũ nhân lực ngành nghệ thuật thì với mức lương vài triệu đồng 1 tháng, đa phần các nghệ sĩ thuộc đoàn nghệ thuật công lập không đủ chi phí để trang trải cuộc sống. Lương của nghệ sĩ trẻ cả tháng không bằng thù lao diễn ngoài một buổi. Ngoài lương, theo quy định còn có khoản phụ cấp ưu đãi nghề 15% và 20%, phụ cấp độc hại (hay tiền thanh sắc) là 0,2% và 0,3% cho lần lượt hai đối tượng nhạc công và diễn viên nhưng cũng không đáng kể.

Để giải quyết những bất cập này, theo ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, phải nhìn ở nhiều góc độ, nhưng có lẽ vấn đề cốt yếu nhất đang nằm ở chỗ thiếu vắng những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những nhà cầm quân sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đơn vị. Ông Tuấn cũng dẫn chứng, hiện nay một số địa phương đã không thật sự quan tâm tới việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, nên không có chính sách hay cơ chế đặc thù để đãi ngộ, thu hút lực lượng diễn viên trẻ… Không dựng vở mới, không thường xuyên đỏ đèn, tất cả chỉ trông chờ vào ngân sách eo hẹp, nhiều vị lãnh đạo cứ ngồi đó và thụ động chấp nhận lực lượng nghệ sĩ của mình ngày một teo tóp, già nua… Họ không có đủ bản lĩnh, dũng cảm để lo được kinh phí nhận người trẻ về làm theo hình thức xã hội hóa.

Thực tế cho thấy, để “san lấp” khoảng trống về nguồn nhân lực trẻ của sân khấu truyền thống còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan để giải quyết triệt để từ khâu tuyển sinh, đào tạo cho tới những chế độ, chính sách đặc thù để diễn viên có thể sống được bằng nghề, yên tâm dồn toàn lực cống hiến và tiếp tục nối dài những di sản nghệ thuật mà cha ông để lại. Liệu sân khấu có giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại bám nghề hay không đó là mối quan tâm của giới yêu nghệ thuật sân khấu hiện nay. Sau vinh quang trở về, họ lại “vật vã” lao vào cuộc mưu sinh để kiếm sống với đủ thứ nghề, khiến tài năng ngày càng mai một, trong khi ai cũng biết với nghệ thuật sân khấu thì đây là yếu tố quyết định, sống còn.

Theo NSND Trịnh Thuý Mùi, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, bảo đảm đời sống, giảm bớt khó khăn cho nghệ sĩ. Sân khấu nghệ thuật truyền thống càng bị đẩy vào thế khó, vì vậy người làm sân khấu phải bắt tay vào thực hiện ngay những việc cần thiết, vận dụng nhiều sáng tạo độc đáo, đưa sân khấu trở lại với những đêm diễn chật kín khán giả như sân khấu thời hoàng kim, trong đó có số đông khán giả trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu truyền thống: 'Tre già' nhưng 'măng chưa mọc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO