Tôi thấy trí tuệ nhân tạo đang đe dọa và làm chúng ta hoảng hốt. Sự thông minh của AI có thể trả lời cho con người tất cả các câu hỏi, có thể thay thế hàng nghìn nhân công, nhưng có một thứ tôi tin rằng trí tuệ nhân tạo dù đến thời nào, có phát triển đến đâu cũng không tạo ra được đó là cảm giác như: sự thổn thức, sự dày vò khi đau đớn, niềm vui hân hoan...
Chính vì vậy tôi cho rằng trí tuệ nhân tạo cũng chỉ là phương tiện tối ưu để phục vụ con người chứ không thể thay thế con người. Còn trong trường hợp trí tuệ nhân tạo thay thế được con người thì chỉ khi con người đã sụp đổ hoàn toàn, thất bại hoàn toàn, hoặc thế gian trở thành một nơi vô cảm, không còn ý nghĩa gì nữa.
Sự vô cảm luôn tồn tại trong cuộc sống và nó đang thống trị chúng ta từng bước. Chúng ta có nguy cơ trở thành robot hóa. Chỉ có cái cuối cùng là văn chương và nghệ thuật sẽ cứu giúp con người thoát ra khỏi sự vô cảm.
Văn chương là sự độc nhất, trí tuệ nhân tạo không thể nào sánh bằng. Hồi còn trẻ tôi có viết bài thơ tình cho một cô gái tôi yêu đơn phương: “Tóc em buông như hoàng hôn buông xuống/ Anh làm sao có thể chạy qua chiều”.
Tôi tin rằng trí tuệ nhân tạo không thể viết được câu thơ đó. AI có thể viết câu văn phạm chuẩn xác hơn, thông minh hơn, thời đại hơn nhưng nó không thể có được thứ cảm giác mơ hồ khi mái tóc cô gái buông xuống như hoàng hôn trùm xuống thế gian mà tôi không bao giờ chạy qua được.
Trí tuệ nhân tạo chỉ tổng hợp các trạng thái tình cảm của con người để làm thơ nhưng ở đó không có một sự sáng tạo nào trong hình ảnh cũng như ngôn từ. Trí tuệ nhân tạo bị sáo mòn bởi nó mượn tất cả những gì nhà văn, nhà thơ đã nói để khi chạm vào nó bật ra theo cài đặt hệ thống.
Trí tuệ nhân tạo là một công cụ vô cùng tuyệt hảo cho rất nhiều công việc của chúng ta trong điều hành, quản lý, xử lý vấn đề số nhưng không thể xử lý được những vấn đề đang diễn ra bên trong chúng ta. Đối với người cầm bút, chúng ta có thể tận dụng tối đa công nghệ của AI. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các nhà văn, nhà thơ tìm hiểu về thông tin, tri thức cơ bản, về những vấn đề cần nghiên cứu như các khuynh hướng, chủ nghĩa, trường phái... Một nhà văn không chỉ cần biết về ngôn ngữ mà anh ta cần phải biết về khoa học, chính trị, triết học, tôn giáo... Những điều đó sẽ cần thời gian nên AI sẽ giúp việc bằng cách tổng hợp thông tin để họ thấu hiểu một cách cơ bản nhất.
Nếu nhà văn, nhà thơ biết cách tận dụng AI thì sẽ nhàn nhã hơn rất nhiều, nhưng để không sợ AI thì chỉ có một cách rằng anh phải là một người viết bằng cảm xúc, bằng những trải nghiệm của chính mình. Một con robot có thể chế tạo trong 6 tháng nhưng con người cầm bút cần trải qua hàng chục năm từ trong thai mẹ, cho đến ra đời, bước đi, vui buồn, đau khổ và rất nhiều cảm xúc khác. Anh ta có thể không đủ sức để tổng hợp thông tin như một AI nhưng anh ta có thứ mà tất cả những cái vô cảm của bộ máy không thể chạm vào được, đó là sự rung cảm.
Nếu nhà văn không thể hiện đến tận cùng của mình, không bày tỏ những gì diễn ra trong tâm hồn mình, không mang đến tiếng nói trung thực về rung cảm thì anh ta có thể thua trí tuệ nhân tạo. Nếu anh ta chỉ viết cho công việc tức anh ta phải viết, không phải viết từ tâm hồn anh ấy, không phải là nỗi phiền muộn, khổ đau hay hạnh phúc, giấc mơ lớn lao hay bé bỏng thì trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế anh ta bất cứ lúc nào. Còn với những người viết bằng những trải nghiệm dù là nhỏ bé nhất cho đến điều lớn lao nhất thì không cần bận tâm đến việc bị trí tuệ nhân tạo thế chỗ.
Trong tương lai gần, tôi nghĩ cũng có thể có sự cạnh tranh giữa trí tuệ nhân tạo và con người. Nhưng điều đó chỉ xảy ra ở một mức độ nào đó chứ nó không thể đe dọa. Bởi vì con người vẫn là chủ thể. Trí tuệ nhân tạo vẫn là do con người sinh ra.
Người ta dùng khoa học, công nghệ để tập hợp tất cả những kiến thức cơ bản nhất, những cái gì con người đã làm ra đưa vào để trí tuệ nhân tạo tổng hợp, khi ta chạm vào vấn đề gì thì đưa ra câu trả lời như một sự bắt chước con người. Trí tuệ nhân tạo sẽ có những cạnh tranh ở một số lĩnh vực nào đó, thậm chí cạnh tranh với nhà văn. Nếu nhà văn sống một cách chân thực nhất, sống với tất cả những gì con người đang sống, đang trải nghiệm, đang diễn ra thì không có gì có thể thay đổi vị trí của nhà văn trong cuộc sống này.
Trí tuệ nhân tạo với văn học - nghệ thuật
Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển đang đặt ra hàng loạt băn khoăn xen lẫn sự hoài nghi. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, sự phát triển của AI đã giúp khoảng cách giữa con người và công nghệ ngày càng thu hẹp. Hiện nay, thông qua một số ứng dụng AI, với một số yêu cầu do con người nêu ra, các ứng dụng này đã có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây.
Càng ngày càng thấy xuất hiện nhiều bức tranh được các ứng dụng AI thực hiện. Tương tự, âm nhạc, nhiếp ảnh, văn học, báo chí - tuyền thông và rất nhiều lĩnh vực đang bị trí tuệ nhân tạo lấn sân. Không hề vô lý khi có những người tỏ ra lo ngại rằng sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo sẽ khiến nhiều nghề mất đi.
Vậy liệu những công cụ có sử dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT với khả năng sáng tạo nội dung có thể khiến nhà văn, nhà thơ, nhà báo trở nên thất nghiệp? Hay người soạn nhạc có mất việc khi trí tuệ nhân tạo có khả năng sáng tác âm nhạc tốt hơn? Giới họa sĩ có bị ảnh hưởng khi những máy móc cũng có thể cung cấp cho người ta những bức tranh theo từng ý muốn chủ quan?...
Từ số báo 193 (ngày 10/4/2023), Tinh hoa Việt (Báo Đại Đoàn Kết) xin mở chuyên đề “Trí tuệ nhân tạo với văn học - nghệ thuật” với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ…
T.H.V