“Công việc kinh doanh sản xuất cà phê của tôi khá bận rộn, nên tôi đã ngừng viết tiểu thuyết chừng 5 năm, ngoại trừ vài truyện ngắn lẻ tẻ. Nhưng quãng thời gian ngừng viết là rất cần thiết, tôi nạp thêm năng lượng từ việc bươn chải kiếm sống, từ việc đọc thêm sách vở, xem phim, quan sát sự biến đổi mỗi ngày của xã hội và thế giới”.
Nhà văn Đặng Thiều Quang bắt đầu câu chuyện. Vào lúc này, Hà Nội đang chìm vào những ngày mưa phùn. Sương mờ phủ dày trên mái phố.
Nhà văn Đặng Thiều Quang.
PV:Dường như thời gian qua, cảm giác anh đang rơi vào trạng thái “ngủ đông” về sáng tác văn chương?
Nhà văn Đặng Thiều Quang: “Ngủ đông” là một hình ảnh khá hay cho nhà văn, nó nuôi dưỡng những giấc mơ, là điều vô cùng cần thiết cho những người viết lách. Tôi đã từng quan niệm rằng công việc của một nhà văn chính là kể lại những giấc mơ, trước khi nó tan biến. Tất nhiên, đó cũng là một cách nói ẩn dụ, nhưng thậm chí nó đúng cả với nghĩa đen luôn.
Tôi đã từng nghe nói đến cuốn “Săn cá Thần”, vậy anh đang viết đến đâu rồi?
- Tôi đã viết xong từ 2012 và in trên báo VOV dưới hình thức truyện dài kỳ, và sau đó xuất bản dưới hình thức cuốn tiểu thuyết vào năm 2013. Sách đã bán hết veo ngay sau khi ra mắt, đến nay vẫn chưa tái bản. Có thể nói nó khá ăn khách, những độc giả online chờ đợi tôi viết và công bố từng chương một, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi tôi ra sách. Năm ngoái, nhiều ý tưởng mới gây hứng thú, khiến tôi đã khởi động viết tiếp phần 2 cuốn tiểu thuyết này. Dự kiến cuối năm nay tôi sẽ xuất bản phần 2 và tái bản phần 1.
Một thời gian dài không xuất hiện trên văn đàn, anh đã làm những gì vào lúc không văn chương?
- Tôi tập trung vào kinh doanh, những việc liên quan đến sở thích cá nhân và gia đình, con cái. Tôi có nhiều thú vui, chẳng hạn như đi phượt, câu cá, chơi game, ca hát, chơi thủy sinh, đọc sách…
Nhờ có vợ tôi quán xuyến giúp đỡ công việc kinh doanh và chăm lo gia đình, mọi thứ với tôi đang diễn ra tốt đẹp và thuận lợi. Gia đình ổn định, công việc kinh doanh cũng tiến triển tốt. Điều duy nhất bấp bênh chính là những trang viết, những hoạt động sáng tạo khác của tôi, nó luôn đầy ngẫu hứng, thất thường, phiêu lưu và mạo hiểm, không thể đoán trước được.
Thú chơi câu cá của anh, còn giúp anh thăng bằng giữa đời thường nhật?
- Nó như môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe, bền bỉ, dẻo dai, kiên trì. Nó giúp bản thân vượt qua những giới hạn, kích thích chúng ta sáng tạo, kích thích máu phiêu lưu. Quan trọng nhất, là nó giúp chúng ta tránh được những nỗi nhàm chán tẻ nhạt của cuộc sống.
Một số tác phẩm đã xuất bản.
Còn quán cà phê Quang của anh thì sao?
- Đã có lúc tôi mở cả chuỗi vài cửa hàng ở Hà Nội, có lúc thành công và có lúc khó khăn, nhất là giai đoạn ban đầu. Nhưng đến nay mọi thứ đã khá tốt, thương hiệu Café Quang đã có chỗ đứng trên thị trường. Việc quyết định tập trung vào sản xuất nhỏ và chất lượng cao giúp tôi có một cuộc sống cân bằng, tránh rủi ro, giảm thiểu áp lực. Nhờ đó, tôi có đủ thời gian cho gia đình, con cái, và thời gian cho riêng mình, và nhất là văn chương.
Tôi nhớ những tháng ngày thanh xuân, anh từng “chui”vào góc cầu thang để viết?
- Đó là quãng thời gian những năm 2000. Khi đó tôi còn là một thanh niên chưa lập gia đình, tự do, tôi cũng có một quán cà phê ở đường Hồ Đắc Di. Quán rất rộng, nhưng không gian riêng của tôi chỉ chừng 2 mét vuông dưới gầm cầu thang, và tôi thấy nó rất phù hợp. Tôi lắp quạt thông gió, một cánh cửa chớp, và ở lỳ trong cái thế giới riêng đó để hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Chờ tuyết rơi”. Tôi nghĩ chính sự tương phản đó, trong một không gian chật chội tù túng, người nghệ sĩ sẽ tìm thấy tự do trong sáng tạo.
Còn bây giờ, những lúc có thể sáng tác được là khi nào?
- Thật buồn cười là bây giờ mặc dù đã có gia đình, mọi thứ vẫn lặp lại như thế, tôi cũng vẫn có một không gian để sống trong thế giới riêng, bất kể lúc nào. Đó là một cái studio mini nhỏ xíu như cái buồng điện thoại công cộng ngày xưa vậy, bọc mút xốp cách âm. Tôi tha hồ viết lách, đọc sách, chơi game, vẽ tranh, ca hát ở trong đó, hầu như không làm phiền đến ai. Có lẽ tôi chỉ viết lách được trong những điều kiện không gian chật chội o bế như thế thì phải? Có dạo tôi cũng ôm laptop ngồi quán viết lách, nhưng rất dễ bị phân tâm. Viết lách mang một đặc thù riêng, đó là công việc sáng tạo mang tính cá nhân, đơn độc, tập trung.
Tâm trạng của anh trong lúc viết và sau đó?
- Đầy hứng thú, và sau đấy tâm trí tôi sẽ còn lơ lửng trong cái thế giới tưởng tượng ấy rất lâu, cho tới khi quay lại viết tiếp. Trong lúc ta tạm ngừng viết, các nhân vật và các tình huống trong truyện vẫn tiếp tục tới tới lui lui, nó như những bản nháp trong đầu ta vậy. Thậm chí cho tới lúc viết tiếp, hầu như không có gì là chắc chắn cả, các nhân vật có lý lẽ và cá tính riêng của chúng. Viết văn hấp dẫn chính là vì thế, ta để mặc cho trí tưởng tượng của ta đi xa nhất có thể, đầy bất ngờ…
Nhớ lại thời tỏa sáng của văn chương của anh là khi nào?
- Tôi nghĩ chính là lúc này, khi tôi đang đầy ắp ý tưởng sau quãng thời gian ngủ đông và nạp năng lượng. Tôi đang cảm thấy đầy hứng khởi với phần 2 Săn Cá Thần đang viết dở. Chắc chắn nó sẽ là một sự thay đổi lớn, một bước ngoặt quan trọng…
Còn với tôi, đó là thời gian anh ở trong bút nhóm Hương Đầu Mùa, và cách đây khoảng 10 năm, khi anh dồn dập tái bản sách cũ và liên tục ra sách mới?
- Cám ơn chị đã nhớ đến điều đó! Tất cả những ký ức đẹp đẽ đó đã qua rồi. Người nghệ sĩ sáng tạo một cách đầy bản năng: Tôi muốn ví nó như một con ngựa hoang tung vó, tạo nên một hình ảnh đẹp. Nhưng ngay khi người ta nhìn thấy vẻ đẹp đó, nó đã xong việc, nó đã kịp đến một cánh đồng mới, say mê một chân trời mới. Chính vì thế, đối với tôi, những tác phẩm hay nhất luôn là thứ mà tôi sẽ viết, chứ không phải những gì ở sau lưng. Viết lách là một thứ khao khát muốn vượt lên mãi, vượt qua những giới hạn cũ, là thách thức làm mới chính mình, là không lặp lại chính mình.
Là người rất thích những khuynh hướng văn học mới, anh đã hòa nhập ra sao, như dự định viết chung một cuốn sách với nhà văn khác, hoặc post từng chương tiểu thuyết trên mạng để tương tác với bạn đọc?
- Tôi vẫn cho rằng việc viết lách là hoàn toàn mang tính cá nhân, và nó phải để lại dấu ấn cá nhân của tác giả. Vì vậy tôi chưa từng có ý định viết chung với tác giả khác. Tuy nhiên, trong môi trường mạng xã hội, những tương tác và tranh luận cũng khiến tôi thấy rất thú vị, nảy ra những ý tưởng mới, nên tôi vẫn post một vài chương bản thảo lên facebook để thu hút sự quan tâm bàn luận của độc giả, bạn bè. Nếu nói về khuynh hướng, mối quan tâm của tôi hiện nay trải rộng từ rất nhiều lĩnh vực như triết học, khoa học, kinh tế học, xã hội học. Đặc biệt là sự biến đổi chóng mặt của công nghệ đã làm thế giới này biến đổi theo những cách thức chưa từng có, văn chương không thể đứng ngoài, mãi đi theo những lối mòn cũ. Văn chương không thể mãi kể về những vấn đề cá nhân chẳng liên quan gì đến thời cuộc, vì nó sẽ chẳng khiến ai bận tâm cả. Rõ ràng, nó phải nói đến những điều tương đối phổ quát, những vấn đề muôn thuở nhưng xuất hiện dưới những hiện tượng mới.
Trong văn chương, anh thường chú ý sử dụng câu văn hay và đẹp, anh chia sẻ sao về điều này?
- Cái đẹp luôn là một điều bất cứ ai cũng hướng tới. Người ta luôn tìm thấy cái đẹp trong mọi khía cạnh của cuộc sống, thậm chí trong cả những điều tồi tệ đang xảy ra mỗi ngày trên thế giới này. Văn chương đặc biệt cần hướng đến cái đẹp hơn nữa. Những câu văn thực ra đều bình đẳng, nhưng chúng bù trừ cho nhau, đôi khi cả cuốn sách sẽ có vài đoạn lấp lánh nổi bật lên, là nhờ có vô số những trường đoạn khác làm nền cho nó. Vẻ đẹp tổng thể và sức cuốn hút là điều quan trọng, tôi không tìm kiếm sự hoàn hảo, thậm chí tôi nghĩ sự không hoàn hảo hoặc chính những sai sót mới làm nên dấu ấn cá nhân của tác giả. Thật khó mà biết được những gì trong tâm tưởng đã dẫn dắt một nhà văn viết nên những văn bản dị thường, mà nếu đẽo gọt sửa chữa nó cho tròn trịa, sẽ đánh mất vẻ tươi mới nguyên bản dị thường đó.
Xin cảm ơn anh và chúc tác phẩm mới sắp ra mắt của anh tiếp tục được bạn đọc hào hứng đón nhận.
Chặng đường văn chương của anh bắt đầu từ đâu và anh đã quan niệm ra sao về nó?
Tôi bắt đầu viết truyện ngắn đăng báo từ năm 1992 khi vào năm nhất trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, và năm 1994 tôi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Hoen gỉ”. Từ sau cuốn đầu tay, tôi biết là chỉ tiểu thuyết mới có thể khiến tôi cảm thấy “đã tay” khi viết. Nó gây nghiện, rất phê! Có thể ví truyện ngắn như nhiếp ảnh, còn tiểu thuyết và truyện dài như điện ảnh và phim truyền hình vậy. Quan niệm của tôi về văn chương, thì nó chính là một thế giới mà nhà văn mong muốn, mơ ước. Là một thế giới mà nó nên là. Nhà văn trình chiếu một thế giới như nó có thể và nên là như thế, và nếu may mắn, độc giả có thể đồng cảm, nhận ra chính những mơ ước của mình trong đó.