Với nhà văn Hoàng Anh Tú, khi trẻ em có tuổi thơ hạnh phúc thì năng lực chống chịu áp lực cao hơn những bé phải trải qua tuổi thơ nhiều bất hạnh. Đó là do khi gặp những áp lực bên ngoài, lũ trẻ sẽ dựa được vào những hạnh phúc chúng đã từng có để hy vọng cũng như làm điểm tựa bật nhảy. Còn khi có một tuổi thơ quá nhiều bất hạnh, các em thường có nguy cơ buông xuôi vì không chịu thêm nổi nữa.
Khi tiếp xúc với trẻ em cũng như quan sát sự trưởng thành của các con, nhà văn Hoàng Anh Tú nhận ra điều thú vị và rất tuyệt vời ở lũ trẻ mà hình như càng lớn chúng ta càng mất dần đi đó là lòng bao dung: “Lũ trẻ rất dễ tha thứ cho bố mẹ, dễ giận nhưng mau quên. Có những lúc, tôi nghĩ, nếu là người lớn, lỗi lầm, tổn thương đó thật khó để tha thứ.
Nhưng bọn trẻ lúc đó giận dữ đấy, tổn thương đấy, đau khổ đấy mà thoắt cái chúng đã tươi vui trở lại. Đúng là trẻ con, nhỉ? Hay cũng là bởi suy nghĩ đơn giản, thẳng tuột, không vòng vo, toan tính, lũ trẻ luôn là những vị quân sư cực hiệu quả cho tôi. Có những thứ đau đầu người lớn mà với bọn trẻ lại giản đơn vô cùng vì chúng nghĩ đơn giản.
Sự trưởng thành cũng vậy, người lớn của chúng ta đôi khi phải vấp ngã hoặc gặp một áp lực đủ mạnh rồi vượt qua được sẽ trưởng thành. Lũ trẻ rất khác, chúng trưởng thành đôi khi lại từ việc chúng phát hiện, khám phá hoặc thành công một điều gì đó bé xíu. Như cô bé út nhà tôi, khi trở thành lớp trưởng, cô bé bỗng trưởng thành một cách kỳ diệu.
Thế nên tôi luôn hồ nghi câu nói của người lớn: Không có áp lực - không có kim cương. Dù về lý thuyết có thể nó đúng, nhưng cũng tùy vào mỗi đứa trẻ. Có những đứa trẻ áp lực giúp chúng trưởng thành nhưng cũng sẽ có những đứa trẻ áp lực khiến chúng tự cô lập bản thân và có những đứa trẻ, áp lực khiến chúng muốn buông bỏ cuộc đời. Vấn đề của người lớn đó là phải hiểu khả năng chống chịu áp lực của con mình đến đâu, phải dạy con năng lực chống chịu áp lực trước khi nghĩ áp lực giúp con mình trưởng thành. Con người ta nâng được 20kg không có nghĩa là con mình cũng vậy. Mỗi đứa trẻ là một bản thể riêng biệt. Hiểu con mới yêu con được đúng cách”.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, với một đứa trẻ, hạnh phúc đơn giản, không phức tạp như người lớn khi nghĩ về hạnh phúc. Đó là sự lắng nghe của cha mẹ, sự cổ vũ của cha mẹ, sự ghi nhận của cha mẹ. Khi cha mẹ cho trẻ lòng tin của mình, lũ trẻ sẽ vô cùng phấn khích và hạnh phúc. Bạn bè, thầy cô cũng vậy. Lũ trẻ hạnh phúc nếu chúng có nhiều bạn bè, chúng được thầy cô tin yêu chúng. Chứ không phải những món quà chúng ta mua cho chúng hay sự hy sinh của cha mẹ: “Đó là lý do tôi vẫn hay nhắc các bậc cha mẹ rằng câu hỏi lớn nhất một đứa trẻ hay tìm kiếm câu trả lời là: Nụ cười của cha mẹ đâu rồi? Chúng thích được có bố mẹ hay cười cùng chúng chứ không thích thú gì với những bản mặt nhăn như bị rách, cau có, cáu gắt. Nên đôi khi cùng cười với lũ trẻ lại là món quà mà chúng thích nhận nhiều hơn.
Dạy con hạnh phúc bắt đầu từ việc chính mình phải hạnh phúc khi bên con. Tôi biết chứ, con đường mưu sinh ngoài kia gươm đao tua tủa, nhiều cha mẹ về mệt mỏi rã rời lại còn bắt họ phải tỏ ra hạnh phúc thì đúng là quá khó. Nhưng con cái của chúng ta được chúng ta sinh ra trong hạnh phúc kia mà? Sao sinh con ra thì hạnh phúc mà nuôi con lớn lại đầy rẫy những bực bội?
Một điều quan trọng nữa, trong hành trình trưởng thành cùng con, hạnh phúc cùng con tôi thấy nhiều cha mẹ quên, đó là dạy con lòng biết ơn. Các cha mẹ chỉ chăm chăm dạy con biết ơn cha mẹ mà quên dạy con biết ơn những thứ khác trong cuộc sống hàng ngày mà con gặp. Nếu một đứa trẻ chỉ biết ơn cha mẹ thì đó chỉ là sự biết ơn sáo rỗng, lý thuyết. Việc đó, sợi dây huyết thống đã làm được rồi, con cái biết ơn đấng sinh thành đôi khi đã là bản năng mặc định do xã hội quy định.
Nhưng 1 đứa trẻ mà biết ơn cả những thứ khác ngoài lòng biết ơn cha mẹ, chúng sẽ hạnh phúc hơn những đứa trẻ chỉ biết đòi hỏi người khác phải làm cho chúng. Tôi vẫn dạy con trả phí cho cuộc đời. Trả phí ở đây không phải là tiền bạc mà là lời cảm ơn, là sự chung tay, là khoảng thời gian con dành tặng cho những người cần sự giúp đỡ, là trách nhiệm và là niềm vui con sẽ lan tỏa. Dạy con rằng mọi thứ ở đời không miễn phí mà nó được thu phí bằng sự quan tâm, lắng nghe và đáp đền của mỗi chúng ta vậy”.
Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) là ngày lễ vì trẻ em, thế hệ tương lai, đồng thời cũng là ngày nhắc nhở những người lớn chúng ta. Hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn, cả về thể chất và tinh thần.
Để đổ đầy tinh thần cho con, nhà văn Hoàng Anh Tú đã áp dụng như các cách anh từng làm khi bằng tuổi chúng. Anh luôn nhớ lại hồi bé điều gì làm anh vui thì bây giờ, anh làm điều đó cho con mình: “Mỗi thời mỗi khác nhưng hạnh phúc thì giống nhau. Như ngày bé, tôi tìm thấy niềm vui tự thân từ sách, tôi sẽ mua sách về để khắp nhà, để con quờ tay là chạm phải. Như hồi bé, tôi rất thích nói chuyện, bây giờ, tôi khuyến khích con mình kết nối bạn bè nhiều hơn, không phạt con khi cô giáo nhắn về: Con nói chuyện riêng trong lớp. Như hồi bé, mỗi khi lòng trống rỗng, tôi đổ đầy vào bản thân bằng việc nghĩ ra đủ trò khiến mình vui, giờ tôi cũng hay chia sẻ với các con mình vậy, và cùng chúng bày ra đủ thứ trò vui”.
Nhà văn Hoàng Anh Tú nghĩ, nhiều đứa trẻ không thấy cuộc sống này thú vị là bởi chúng không biết biến cuộc đời chúng thành nhiều thứ thú vị. Có một kỷ niệm mà anh hay kể cho con: “Đó là một hôm bố buồn quá, buồn ơi là buồn, bố đã tô chiếc dép của mình thành hai màu xanh đỏ, chỉ bằng bút bi. Và sau đó bố đi đôi dép đó ra đường trong sự hí hửng, vui lắm”. Bày ra nhiều trò, ngớ ngẩn cũng được, miễn là vui. Học hành cũng vậy, theo anh, đừng để lý thuyết khiến chúng ta khô khốc, hãy tưới tắm bằng những thực hành, thí nghiệm, áp dụng nó trong cuộc đời của mình.
“Học Sử thì vào bảo tàng, học Toán thì ra chợ, học Văn thì đọc sách ngôn tình, học gì thì thử nấy tự nhiên sẽ thấy vui, dù nói thật kết quả thi cử của tôi cũng bết bát lắm. Nhưng chả sao cả, điểm số không quyết định chúng ta ai thông minh, ai ngu dốt. Tôi thấy nhiều người cha mẹ thật buồn cười khi ngày xưa mình học dốt nhưng giờ cứ muốn con phải học giỏi”.