Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dễ cách đây đã gần 30 năm. Hồi ấy, tôi, một phóng viên trẻ của Báo Quân đội Nhân dân, nghe theo lời khuyên của ông bạn đồng niên, đồng đội Ngô Tự Lập (nay là nhà văn, tiến sĩ, nhạc sĩ) đã cùng dịch giả Đăng Bảy của Báo Văn Nghệ, lặn lội vào xóm Cò làng Khương Hạ chung mua một mảnh đất bằng số tiền còm mà hai vợ chồng tôi khi ấy chắt bóp được. Tình cờ mảnh đất ấy lại nằm ở cạnh nhà Nguyễn Huy Thiệp. Thế là tôi được quen anh, một thời gia
Nguyễn Huy Thiệp bộc lộ: “Nếu anh có trí tuệ thì anh sẽ tìm ra đường sống, còn nếu không có đạo thì anh sẽ đi vào chỗ chết ngay…” |
Tôi nhớ, hồi đó trong nhà của Nguyễn Huy Thiệp có một cán bộ y học dân tộc của lực lượng công an, làm nghề bắt mạch bốc thuốc. Tôi cũng có đôi ba bận phải nhờ tới thầy lang mang nhưng không mặc sắc phục đó… Tôi còn nhớ hồi ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã bắt đầu vẽ, trên giấy dó. Anh có vẽ tặng tôi bức chân dung (thật tiếc do phải chuyển nhà quá nhiều lần nên tôi đã đánh mất kỷ vật này)… Bây giờ nghe nói, Nguyễn Huy Thiệp vẫn kiếm thêm đồng ra đồng vào giúp vợ bằng nghề vẽ. Anh đã từng có không chỉ một cuộc triển lãm chung với các họa sĩ “xịn”. Con trai đầu của anh cũng là một họa sĩ, rất thú vị…
Ngay từ hồi đấy, dù còn trẻ tôi đã kịp nhận thấy Nguyễn Huy Thiệp không hẳn đã trùng khít với những trang viết của anh mà đúng hơn, anh là phần bổ sung cho những trang viết đó, để tổng thể trở nên hài hòa hơn. Trong giao tiếp đời thường, anh, một người có tư duy văn chương riết róng, lại luôn nhã nhặn, bao dung, thậm chí là nhũn nhặn (ít ra là với tôi)… Anh từng tâm sự với tôi: “Xét cho cùng, tất cả những người làm văn học nghệ thuật, bản thân con người ta đều rất yếu ớt, người nào cũng thế. Kể cả những đấng quân vương, tướng lĩnh, cho đến các ấy... Vì con người nó thế, bản tính của những con người, đó là yếu ớt. Và ở đời nó cũng có nhiều nghịch lý, thí dụ như là tác phẩm nó phải thế nọ thế kia, nhưng bản thân tôi trong cuộc sống cũng là con người chừng mực chứ không phải là quá khích. Trong cuộc sống bình thường, mình là con người “cục”, đấy là mọi người nói, và thực tế nó là thế. Trong cuộc sống gia đình cũng như với bạn bè, mình là người hiền…”
Anh cũng luôn đau đáu với những nỗi vất vả của vợ con trong những mưu sinh… Biết những việc anh đã cố gắng làm cho gia đình, lắm khi tôi cảm thấy xấu hổ vì sự vô tâm của mình đối với những công việc của vợ con tôi…
Từ thuở đó, mặc dù không thường xuyên có cơ hội gặp Nguyễn Huy Thiệp (vụ đầu tư đất đó về sau với tôi là con số không!) nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn được trò chuyện cùng anh, với tư cách một nhà báo. Tôi đã thực hiện không chỉ một cuộc trò chuyện với anh và từng công bố nội dung những cuộc trò chuyện đó trên tờ An ninh Thế giới Cuối tháng… Chưa bao giờ Nguyễn Huy Thiệp phản hồi ý kiến của anh về những bài báo đó nhưng việc anh vẫn duy trì quan hệ thân hữu với tôi cho phép tôi tin rằng, có lẽ ở một mức độ nào đó tôi cũng lưu giữ được trong anh một mối thiện cảm nào đó. Thảng hoặc có việc gì cần tới tôi, anh đều trao đổi một cách chân tình, gần gụi…
Mới đây nhất, khi chuẩn bị đám cưới cho cậu con trai út, Nguyễn Huy Thiệp đã nhắn tin mời tôi. Rủi là hôm đó tôi phải đi công tác xa nên tôi đã tìm tới anh trước để chúc mừng gia đình. Qua điện thoại, Nguyễn Huy Thiệp lại nhắn tôi ra quán cà phê Nhân ở ngõ Hàng Hành. Đây là nơi anh chiều chiều hay ngồi với vài ba người bạn tâm giao, trong đó có ông chủ khách sạn chó mèo là nhà thơ dân gian Bảo Sinh. Thấy tôi tới, ông Bảo Sinh ý tứ ra bàn khác ngồi để tôi được một mình đối thoại với nhà văn. Sau những câu chuyện đời thường, như thường lệ tôi lại bắt tay vào tác nghiệp vì với tôi, mỗi lần được gặp Nguyễn Huy Thiệp là một cơ hội để hỏi anh về những điều thú vị cho độc giả. Và không phải bao giờ tôi cũng sẵn sàng đồng tình với mọi điều anh nói nhưng dù anh nói gì thì tôi vẫn thấy đó là những thông tin có thể rất bổ ích để tham khảo, để tìm những gợi mở mới cho những ngẫm ngợi ở tương lai.
Sau khi nghe Nguyễn Huy Thiệp say sưa kể cậu con trai út và những lặn lội thú vị lên Tây Bắc để hỏi vợ cho con (anh nói, hơn ba chục năm nay anh không một lần quay lại nơi tuổi trẻ đã trôi qua đó vì hãi những ký ức quá nhọc nhằn ở đấy), tôi chợt nhớ tới những tuyên bố của anh trong vài năm gần đây về quyết định rửa tay gác kiếm, thôi không viết văn nữa…
Hồng Thanh Quang: Bây giờ, khi không viết văn nữa thì anh cảm thấy sướng hơn chứ? Hay khi còn viết văn thì sướng hơn?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp |
Nguyễn Huy Thiệp: Viết văn sướng hơn chứ, vì trước tiên viết văn là một nghề đặc biệt. Thứ hai, tôi cũng nghĩ là mọi người đều quý trọng những người làm công việc văn học. Chẳng phải chỉ riêng ở Việt Nam ta đâu mà ở đâu cũng thế..
- Ở đâu cũng thế vì ở đâu thì khởi thủy cũng từ lời…
Tức là trong Đạo Phật có khái niệm bát nhã. Trí tuệ là điều cao nhất chứ không phải là tiền bạc, tên tuổi hay gì gì đấy… Ma la Bát nhã Ma la Mật đa…
- Nói thật là tôi cũng không có nhiều kiến thức về Bát nhã Ma la Mật đa Tâm kinh… Nên tôi chỉ muốn hỏi anh, một khi viết văn sướng hơn thì bây giờ, sau không chỉ một lần tuyên bố thôi viết, anh có viết văn nữa không?
Viết văn là một trong những công việc quan trọng trong cuộc đời. Tất nhiên, trong cuộc đời còn có nhiều việc cũng quan trọng không kém và cũng hay không kém, những công việc của một con người bình thường như sinh, lão, bệnh, tử hay những chuyện nọ, chuyện kia, quan hệ bè bạn… Cuộc sống là thế, nghề nào cũng có cái hay của nó. Nhưng nghề viết văn nó đặc biệt vì nó là bát nhã, nó là một cái gì đấy về sáng tạo. Và lý thú. Một khi anh đã sáng tạo thì anh đánh lừa được thần chết, thậm chí đánh lừa được thời gian. Tôi nghĩ là những tay làm thơ, viết văn, vẽ tranh, hay làm âm nhạc… thì trẻ lâu lắm. Nhìn chung, cuộc sống của họ phong phú và sinh động hơn nhiều nghề khác, kể cả nghề làm chính trị gia. Người nào mà có một chút văn chương thì cũng bay bổng hơn và khác hơn nhiều người khác.
- Sao người ta nói rằng một chính trị gia nếu không may mê văn chương thì ngang bị bỏ bùa và dẫn đến một kết cục không hay ho gì? Bời vì, anh đang oách như một chính trị gia nhưng khi dính vào văn chương thì thành ra như tay mơ, thậm chí như ngớ ngẩn?
Không, tôi nghĩ riêng về chính trị thì nó hơi oái ăm một chút. Chính trị, văn chương và tôn giáo đều cùng chung một thứ công cụ, đấy là ngôn ngữ. Cho nên, tôi đã viết trong một bài bình luận nào đấy của tôi là, nhiều khi những nhà chính trị là những nhà văn không thành đạt. Và cũng có những tay muốn làm chính trị nhưng làm không nổi nên trở thành nhà văn. Ngôn ngữ là thứ rất hiểm hóc, nói hay cũng được, nói dở cũng được, người mà giỏi ngôn ngữ thì có thể biến hóa từ có thành không, từ đúng thành sai, từ đen thành trắng, từ dở thành hay… Tôi nghĩ, nó là một thứ công cụ, một thứ vô chiêu. Chứ còn những thứ khác như anh kỹ sư điện, anh thợ hàn, hay anh nông dân đều có dụng cụ của riêng mình, nó cụ thể. Nhưng riêng tôn giáo là một, chính trị là hai và nhà văn là ba, nó là vô chiêu.
- Vô chiêu có thể thắng hữu chiêu. Tôi nhớ khi tôi còn trẻ và quyết định bỏ nghề kỹ sư vô tuyến điện sang nghề viết, cha tôi có nói với tôi là, con phải nghĩ lại đi vì nghệ sĩ đánh đàn thì họ còn có đàn để làm công cụ, kỹ sư vô tuyến cũng có những kiến thức chắc chắn này nọ hay ít nhất cũng có tuốc-nơ-vít để vặn máy vô tuyến, còn con làm chữ thì chữ ở đất nước mình dễ chết lắm, chả mấy ai sống được tốt về chữ cả, quá mong manh… y vậy mà tôi cứ đắm đuối mà lao đầu vào…
Tôi vẫn nghĩ rằng là ngôn ngữ là bát nhã, là thứ để trau dồi tư duy, xét cho cùng nó là đạo. Đạo tức là con đường thoát hiểm cho từng cá nhân, từng gia đình, thậm chí cho cả quốc gia. Cái ấy nó là do sự chà xát về ngôn ngữ mà nẩy ra những điều đấy thôi. Trên thế giới, người ta quy định những điều tốt, điều xấu, điều đúng, điều sai, hay, dở, luật pháp… Tất cả những thứ đấy nó là ngôn ngữ đấy chứ, nó là vô chiêu đấy chứ. Vì nó có hình hài cụ thể đâu.
- Thật ra ngôn ngữ nó quyết định tất cả thiên biến vạn hóa của những sự đụng độ vật chất. Ngôn ngữ nhiều khi có thể tan một hồi chiến tranh, có thể giải quyết mọi mâu thuẫn khác?
Đúng, đỉnh cao của ngôn ngữ vẫn là bát nhã, vẫn là trí tuệ. Đồng thời nó cũng xây dựng những điều tốt đẹp, những điều thiện, điều hay. Ngôn ngữ nó quan trọng đến mức độ biến không thành có vì nếu không cẩn thận có người chỉ vì vài ba chữ nghĩa mà đã có thể đẩy cá nhân con người, cả gia đình, thậm chí cả dân tộc vào những tai họa. Đấy là kinh nghiệm ở lịch sử nước mình và nhiều nước khác trên thế giới. Nhiều khi bị chấp bởi những lời nói vớ vẩn mà cuối cùng đẩy người nọ, người kia, thậm chí đẩy cả dân tộc vào những tai họa mà sự thực thì không phải là thế.
- Anh nói thế nhưng theo tôi biết, các nhà duy vật lại bảo rằng các cuộc chiến tranh đều có nguyên nhân sâu xa từ những lý do vật chất?
Đấy là nhìn gần, nhìn gần thì người nào tham gia chiến tranh cũng đều khẳng định chính nghĩa về họ. Nếu nhìn xa thì anh sẽ thấy nó là khác. Ví dụ anh nhìn thấy 2 người đánh nhau ở đầu phố kia thì người nào cũng bảo là tôi phải, nhưng nếu chúng ta nhìn xa ra thì chúng ta chỉ thấy rằng đấy là một đám láo nháo, chẳng biết bên nào đúng bên nào sai.
- Nhưng chính những người tham dự công cuộc đấy thì đánh giá như thế nào? Vì đối với họ quyền lợi sát sườn là sống chết, còn đối với người quan sát thì đó chỉ là trò bông lơn. Vậy thì cái gì ở đây là đúng, cảm giác của người trong cuộc hay cảm giác của những người quan sát? Thượng đế là đúng hay con người là đúng?
Thế thì nó phải vừa đúng vừa sai. Nếu anh bị tham gia vào trong cuộc đấy thì anh phải luôn luôn cố tránh nó ra.
- Nếu anh sinh ra trên mảnh đất này anh bắt buộc phải can dự vào thì làm sao anh tránh được?
Tránh được chứ. Tại sao trong cũng ở trong hoàn cảnh rất khó khăn có người tránh được, có người không tránh được? Cũng có những lúc tránh được, có những lúc không. Nó đòi hỏi nhiều yếu tố, anh phải vừa có vừa không, sắc sắc không không. Tức là anh phải vừa có tinh thần, vừa có vật chất. Một chuyện đơn giản, ví dụ như khi con anh ốm, muốn cứu nó anh phải có hiểu biết, có điều kiện, chứ nếu anh vô minh, không có mối quan hệ, thì không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm…
- Tôi vẫn không hiểu, làm sao mà tránh được? Nếu tất cả đều đứng ngoài cuộc thì ai sẽ là người giải quyết vấn đề của cõi đời này? Trong khi chúng ta đều chứng kiến rằng có những sự bắt buộc quyết tử bằng sự sinh tồn.
Nguyễn Du đã có nói: “Ngẫm hay muôn sự tại trời”…
- Vâng, “Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao…”. Một mặt, tôi rất đồng ý với điều đó, nhưng mặt khác, ta có thể hiểu con người là cái gì? Mình là con sâu, là cái kiến? Tại trời là chuyện khi anh có những khoảng lùi, nhưng khi ở trong những tình huống không thể lùi ra được, anh bắt buộc phải can dự, có trách nhiệm phải giải quyết vì nó để lại hệ lụy đến tất cả những người thân thiết của mình, thái độ của con người nên như thế nào?
Theo tôi, cần phải có trí tuệ.
- Ra thế. Nếu tất cả những ai coi mình là người trí tuệ đều tránh ra thì cuối cùng cái ác sẽ chiến thắng cái thiện? Đành phải tin là thôi kệ cái ác, đằng nào cũng có một ông nào đấy sẽ trị cái ác, đó không phải là việc của người có trí tuệ như ta?
Thực tế là thế chứ, vừa phải có cái ác, cái thiện.
- Liệu tư duy như thế có nên tồn tại? Suy cho cùng trong cuộc đời chúng ta vẫn có những việc chúng ta phải đứng ra giải quyết chứ, khúc mắc của con mình làm sao có thể để kệ cho số phận, cho duyên số được?
Thực ra thiện ác nó cũng là hiếu sinh, và hiếu sát. Bao giờ cũng vậy, cũng có khu vực thế này, thế kia, chỗ bóng đen, chỗ ánh sáng, chỗ tốt, chỗ xấu, thuận lợi và không thuận lợi. Người giỏi phải là người có thể thoát khỏi chỗ khó khăn, thoát khỏi chỗ bóng tối để đi ra chỗ có ánh sáng.
- Ai cũng ra ánh sáng thì ai sẽ là người chịu ở trong bóng tối vì bóng tối cũng không thể để trống không được?
Mình không phải là thượng đế nên mình không thể quyết định điều đó được, đây là tôi nghĩ về cá nhân tôi, trong một tập thể nhỏ, một gia đình, một cơ quan. Rõ ràng trên thế giới bao giờ nó cũng có cái sống và cái chết. Nếu anh có trí tuệ thì anh sẽ tìm ra đường sống, còn nếu không có đạo thì anh sẽ đi vào chỗ chết ngay.
- Trong gia đình cũng thế, suy cho cùng thì sẽ phải có người đứng ra giải quyết các sự cố hàng ngày, nếu mình thoát ra khỏi đấy thì chính người thân của mình sẽ phải chịu, anh nghĩ thế nào về cách nhìn này?
Chính vì thế mới cần các nhà chính trị.
- Bằng thái độ văn nhân là mình biết cái đạo của mình, nhưng mình cũng phải tôn trọng cả những công việc của người xung quanh. Thật bi thảm cho một dân tộc toàn những người viết thơ, viết văn, hay toàn những người đánh thuê.... Dân tộc hay là phải có đủ các vai, hay hơn nữa là các vai đấy phải được phân cho những người đúng thể chất, tính trạng.
Rất đúng. Theo tôi quan sát thì trong một gia đình, bao giờ cũng có lõi sắt của gia đình đấy, hay trong một cơ quan cũng vậy, cả một quốc gia cũng thế. Trong chuyến đi Mỹ, tôi có nói chuyện với một người, khi tôi hỏi tại sao tôi thấy ở nước Mỹ mọi thứ rất quy củ, rạch ròi như vậy… thì họ có trả lời rằng, vì trong đời sống của họ, nhất là từ đời sống đầu tiên, họ đã xây dựng được một bộ quy tắc.
- Anh có nghĩ là ở Mỹ khi xây dựng điều luật người ta xuất phát từ quan điểm, con người ai cũng có thể mắc sai lầm, điều luật được sử dụng để tránh mắc sai lầm chứ không phải như ở một số nơi khác, con người lúc nào cũng tốt, điều luật chỉ để điều chỉnh những cái tốt?
Thực ra đây lại quay về vấn đề văn học, là vấn đề ngôn ngữ, bát nhã. Ngôn ngữ là thứ rất dễ hiểu lầm. Nên nếu các điều luật, ngôn ngữ càng cô đúc, càng ít, đơn giản thì càng dễ hiểu. Như đứa trẻ 6 tuổi đi học mà nhồi nhét đủ thứ ngôn ngữ, sách vở vào đầu nó thì nó sẽ không thể tiếp thu nổi. Làm sao để đứa trẻ đó học càng ít chữ mà lại tiếp thu được càng nhiều. Quá nhiều tiền đề sẽ không tốt. Chữ nghĩa cũng thế, một tác phẩm văn học nếu càng đơn giản thì càng dễ để người đọc cảm thụ được, nhà văn không thể dụ dẫn độc giả vào mê lộ của mình mà nhà văn phải mở ra cho độc giả nhìn thấy thế giới này một cách giản đơn hơn. Người ta có câu “tâm viên ý mã”, có nghĩa tâm con người giống như khu vườn, ý con người giống như con ngựa. Nếu cứ mở sức sáng tạo quá rộng, quá miên man thì sẽ rất nguy hiểm, nhất là ở những nơi dân trí thấp.
- Theo anh, nước mình dân trí thấp hay cao?
Trước là thấp, giờ đỡ hơn. Ví dụ như trong chuyến đi Tây Bắc vừa rồi, tôi nhận thấy sau 35 năm, nếu không có đổi mới thì sẽ rất nguy. Tây Bắc giờ có nhiều điểm thay đổi, mặc dù có cả cái được, cả cái mất. Cũng giống như ở đời, có câu “sắc sắc không không”, giống như ở đời, thà mình có cái nhà tử tế còn hơn không có nhà, mình có tiền còn hơn không có, có học thức còn hơn không có học thức, có danh còn hơn không có danh. Nhưng phải có điểm dừng. Cái gì quá cũng sẽ dẫn đến bi kịch…
- Đúng thế, cái gì quá cũng đều là dở. Lạc quan quá là dở, nhưng bi quan quá lại càng dở. Trong đời thường đã vậy. Trong văn học lại càng vậy. Xin được hỏi, cảm nhận chung nhất của anh về văn học Việt Nam hiện nay?
Mỗi một thời, đất nước lại có một thế hệ anh hùng, một thế hệ nhà văn. Bản thân cha với con cũng vậy, mình sinh ra một đứa con, nó sẽ tạo ra một gia đình, thậm chí nó tạo ra một bộ lạc. Mình là thế thệ trước kia rồi, mình không nên nghiêm khắc quá hoặc dễ dãi quá với thế hệ của sau. Vì ở một góc độ nào đó, mỗi thời lại có một cái hay riêng. Tạo hóa hiếu sinh nhưng cũng hiếu sát, nó phải loại bỏ những hư đốn, thì mới có tiến bộ. Thế giới vẫn luôn tồn tại quy luật cá lớn nuốt cá bé, những kẻ thiếu hiểu biết, không có trí bát nhã sẽ nguy cơ bị triệt tiêu. Ngược lại, những người hiểu biết và có trí sẽ biết vươn lên, biết điều hòa, và lớn mạnh…
- Người ta rất ca tụng câu của học giả Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn thì nước Nam còn”. Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, thế kỷ XVIII mới có Truyện Kiều, tôi không nghĩ là trước khi có Truyện Kiều thì người Việt Nam sống không hạnh phúc. Vậy anh nghĩ thế nào về vai trò của văn học trong đời sống cộng đồng?
Lại quay trở về vấn đề ngôn ngữ, nếu ông không có trí bát nhã, không có ngôn ngữ, ông sẽ bị tiêu diệt. Nếu không bảo tồn được ngôn ngữ của cộng đồng ông, sẽ bị mất nước. Có Truyện Kiều vẫn hơn không có Truyện Kiều…. Giờ chúng ta đang sống ở thời càng ngày càng khắc nghiệt, văn minh là quá trình phát triển đi đến tận thế. Chúng ta đang tiến tới tận thế. Bắt đầu Đạo Phật đã chỉ ra là, chúng ta đang tiến tới những ngày cuối cùng của cuộc sống. Và như thế rất khắc nghiệt, càng khắc nghiệt nó càng đòi hỏi văn học phải có trí tuệ, có bát nhã. Văn chương ngày xưa rất thô sơ, đơn giản, một chiều nhưng văn học bây giờ đòi hỏi phải đổi mới. Cái tệ hại của văn học trước đổi mới là hơi đơn giản quá, nhìn một chiều quá. Tôi cho rằng, văn học thế hệ đổi mới của chúng tôi đã làm được hai điều: một là về ngôn ngữ, ngôn ngữ có sự bạo động, đột phá… Đó là về mặt hình thức. Thứ hai, về mặt nội dung là có đạo. Không dám nói là không có nhưng trước kia hơi đơn giản, mà đạo phong phú vô cùng, đạo là con đường thoát hiểm. Trước văn học đổi mới chỉ có con người chung chung thôi, chứ chưa có con người cá nhân đâu. Truyện “Tướng về hưu” của tôi có cả ái, ố, hỉ, nộ, rồi tất cả mọi chuyện… Cuộc sống thực là như thế, nên truyện đó mới được đón nhận, nó hợp thời. Đạo là con đường thoát hiểm nên về khía cạnh nào đấy nó cũng đưa nền văn học Việt Nam thoát hiểm, ít nhất là về mặt hình thức. Văn học trước kia là vô thần nhưng giờ thì đã có tín ngưỡng, nếu không thì ta chỉ nhìn thấy vật chất thôi, mà không nhìn thấy có thế giới ảo nữa. Nó bao trùm cả tôn giáo, chính trị, văn học. Hôm trước khi xem ti vi tôi thấy người ta lý luận về ngân hàng rất hay: làm gì có ngân hàng, làm gì có tiền, nhưng mà người ta quy định ra một cái thẻ cào, nó là một cái giá trị rất ảo. Mà lại rất thực… Quan trọng nhất là trí bát nhã thì không phải ai cũng để ý. Nếu văn học trong bao nhiêu năm bị coi rẻ, thì như thế là người ta coi rẻ trí tuệ…
- Tôi thì lại nghĩ rằng, trong những hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn với sự sinh tồn của một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia, văn học bắt buộc phải thực hiện những nhiệm vụ dân sinh nào đó. Và đó không phải là sự coi rẻ… Nó là sự bắt buộc, không có cách lựa chọn khác trong một giai đoạn nào đó…
Tôi cũng đã đi vài ba nước thì thấy rằng, xung quanh bậc chính trị gia có rất nhiều tay lung tung, có cả nhà văn, họa sĩ… nhưng tất cả những thứ đó là để trau dồi, để làm phong phú thêm trí bát nhã của nhà chính trị. Như tổng thống Bill Clinton cũng có những người bạn học của ông để trao đổi với nhau. Vì cho dù có là Tổng thống hay Chủ tịch nước thì cũng không thể cái gì cũng biết. Mà nói để thấy rằng cần có những người có trí bát nhã xung quanh các chính trị gia. Không thể coi thường văn học. Tôi rất mừng khi thấy anh là một nhà thơ nhưng đã trở thành tổng biên tập của một tờ báo quan trọng như báo Đại Đoàn Kết…
- Cũng là công việc cả thôi anh…
Công việc thì công việc nhưng thường những người giỏi về văn học, biết về ngôn ngữ rõ ràng thì họ có cách hành xử khác hơn.
- Đọc anh viết về tiểu luận, phê bình, xem ra có vẻ Nguyễn Huy Thiệp rất coi thường thơ của xứ này, nhưng nếu hiểu kỹ ra thực chất là anh chỉ coi thường một số kẻ làm thơ nhất định, chứ cái thái độ thật của anh vẫn là sự kính trọng thơ.
Tôi đã nói rồi, thơ là người mẹ của mọi thể loại, của mọi hình thức sáng tạo, mọi nghề, kể cả chính trị gia, kiến trúc sư, người sản xuất, kể cả nhà văn. Nếu anh chú ý thì nhà văn mà biết làm thơ thì nó cũng khác. Đọc văn nó có nhịp điệu, tiết điệu chứ không sẽ đơn thuần như viết báo. Nhà văn có thơ vẫn hơn nhà văn không có thơ…
- Cảm ơn anh! Chúc anh mọi sự tốt lành!