Do công việc, tôi có nhiều lần được tiếp xúc với nhà văn, nhà báo Thiếu Sơn – người cùng quê với tôi. Lần đầu tiên là vào cuối năm 1974 khi ông vừa được chính quyền Thiệu trao trả tự do tại Lộc Ninh và được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra Hà Nội. Ông có đến thăm Mặt trận Trung ương, chào Chủ tịch Hoàng Quốc Việt.
Những lần tiếp theo, tôi được Mặt trận phân công đưa ông đi thăm “người xưa, cảnh cũ”, gặp gỡ các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, nhà sử học Đào Duy Anh, những người bạn văn chương một thời, thăm trường Bưởi (tức Chu Văn An) nơi 45 năm về trước ông đã từng tốt nghiệp Thành chung. Và cuối cùng là đưa ông về thăm Hải Dương – nơi ông sinh ra và ấp ủ biết bao kỷ niệm vui buồn của thời thơ ấu, thăm Sơn La, Móng Cái… những địa phương ông đã từng sống thời niên thiếu.
Qua những chuyến đi dài ngày đó, tôi ít nhiều hiểu được cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Ông tên thật là Lê Sĩ Quý, sinh năm 1908 tại thành phố Hải Dương trong một gia đình công chức. Ông sớm mồ côi mẹ.
Do công việc, cha ông thường xuyên phải đi lưu động, nay tỉnh này, sang năm lại chuyển sang tỉnh khác, mà đa phần là các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy, việc học tập của ông thời nhỏ cũng không ổn định, lúc ở Sơn La, khi thì Móng Cái… mãi sau này ông mới được về Hà Nội học trường Bưởi.
Sau khi đỗ Thành Chung, ông vào làm thư ký ở nhà máy Dây Thép Gia Định.
Từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với mảnh đất Phương Nam.
Vừa làm công chức, vừa tham gia viết văn, viết báo và cả dạy học. Ông là một trong những cây bút chủ lực của báo Nam Phong, Phụ nữ Tân Văn, Đuốc Nhã Nam.
Tác phẩm phê bình văn học của ông với tiêu đề “Phê bình và cảo luận” được xuất bản năm 1933 đã gây được tiếng vang lớn. Cũng do đó, ông được xếp vào hàng ngũ những nhà phê bình văn học đầu tiên của nước ta.
Sau “Phê bình và cảo luận”, ông cho ra đời hàng loạt những tác phẩm như: Câu chuyện văn học, Đời sống tinh thần, Người bạn gái v.v… được bạn đọc say sưa đón nhận và giới trí thức thời đó đánh giá cao.
Năm 1940, Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại. Thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man phong trào cách mạng. Các công chức người Việt ở bưu điện Gia Định bị bắt phải thề trung thành với Nhà nước Pháp. Thiếu Sơn cương quyết phản đối và làm đơn xin thôi việc. Nhưng các nhà chức trách không cho ông thôi việc mà điều ông về bưu điện Sài Gòn. Trong lúc chuyện trò, ông thú nhận: Từ đó, ý thức căm thù giặc và đấu tranh cho sự trường tồn của dân tộc nảy nở mạnh mẽ trong ông.
Trong buổi gặp mặt tại trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hồi cuối năm 1974, ông kể: “Những lần cùng luật sư Phạm Văn Bạch được làm việc với đặc phái viên của Trung ương và của Tổng bộ Việt Minh là nhà hoạt động cách mạng Hoàng Quốc Việt vào tháng 9/1945 sau Cách mạng Tháng Tám đã làm thay đổi cuộc đời tôi”.
Từ ngày đó, ông trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị, làm báo công khai hợp pháp, đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc. Thấy Đảng xã hội Pháp ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, ông tham gia Đảng Xã hội Pháp SFIO với cương vị Tổng Thư ký các chi bộ đảng viên người Việt. Với cương vị trên, ông làm Chủ bút tờ báo Công Lý (Jusstice) – tờ báo đầu tiên viết bằng tiếng Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta do một nhóm đảng viên đảng Xã hội Pháp ủng hộ kháng chiến sáng lập tại Sài Gòn. Đây cũng là tờ báo lớn ở Sài Gòn lúc đó có những đóng góp tích cực vào phong trào “báo chí thống nhất” của những năm 1947 – 1949.
Năm 1949 cuốn sách chính trị đầu tiên của ông nhan đề “Giữa hai cuộc cách mạng" được xuất bản. Cũng năm đó, ông được Trung tướng Nguyễn Bình mời vào chiến khu. Tại chiến khu ông gặp linh mục Nguyễn Bá Luật và rất nhiều trí thức nổi tiếng – những người bạn của ông như: Giáo sư Ca Văn Thỉnh, giáo sư Phạm Thiều, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt v.v… Những cuộc gặp gỡ đó đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của ông, tạo cho ông niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Sau đó không lâu, ông đưa Alain Savary, nghị viên Hội đồng Liên Hiệp Pháp – người mang sứ mệnh của Đảng xã hội Pháp sang Việt Nam tìm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam, vào vùng giải phóng để gặp lãnh đạo ta. Cùng đi với Alain Savary có luật sư Trịnh Đình Thảo, dược sĩ Nguyễn Văn Liễn, bác sĩ Trần Duy Hưng và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã thay mặt lãnh đạo đón tiếp khách. Trung tướng Nguyễn Bình, Chủ tịch Ủy ban Hành chính – kháng chiến Nam bộ Phạm Văn Bạch và nhiều vị lãnh đạo khác đã có những buổi làm việc với đại diện Nghị viện Liên Hiệp Pháp. Những cuộc hội đàm rất cởi mở và đạt kết quả tốt.
Về Sài Gòn, Savary bay ra Hà Nội tìm cách lên Việt Bắc xin gặp Hồ Chủ tịch. Đó cũng là lúc nhà văn, nhà báo Thiếu Sơn bị bắt và giam giữ tại bốt Catina với lý do “Việt cộng nằm vùng”.
Trước áp lực mạnh mẽ của các nghị sĩ Đảng xã hội Pháp cũng như báo giới tiến bộ, bọn thực dân Pháp ở Sài Gòn phải trả tự do cho ông.
Ra tù, ông tiếp tục đấu tranh công khai. Ông sáng lập tổ chức Liên hiệp Lao động trí thức Nam Bộ và đề cử Michel Nguyễn Văn Vĩ làm Chủ tịch. Đặc biệt, ông cùng luật sư Trịnh Đình Thảo tổ chức cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Pháp Georges Duhamel – Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, với hơn 100 nhà trí thức có tên tuổi của miền Nam tại nhà luật sư Trịnh Đình Thảo. Cuộc gặp gỡ đó đã giúp cho nhà văn Pháp hiểu rõ hơn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta và thái độ chính trị của giới trí thức Việt Nam yêu nước. Sau sự kiện này, Thiếu Sơn lại bị Sở mật thám triệu lên tra hỏi.
Thấy khó tiếp tục hoạt động công khai tại Sài Gòn, năm 1949 ông cùng nhiều trí thức yêu nước như: Vũ Tùng, Dương Tử Giang v.v… ra chiến khu trực tiếp tham gia kháng chiến. Lúc đầu, ông công tác ở Sở Thông tin Nam Bộ do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm giám đốc, sau đó về Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ rồi cuối cùng làm Thư ký Tòa soạn báo Cứu Quốc Nam bộ.
Năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ, ông được tổ chức phân công trở lại Sài Gòn hoạt động công khai cho đến năm 1972. Ông đã cùng các nhà báo Vũ Tùng, Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm dùng các báo Công Lý, Điện Báo, Duy Tân đấu tranh trực diện với chế độ Ngô Đình Diệm.
Bài “Chào đô thành, chào các bạn” của ông đăng trên báo Công Lý ca ngợi cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta, bày tỏ lòng nhớ thương các đồng chí lãnh đạo mà ông đã từng được chung sống ở chiến khu.
Ông đã bị quy tội “tuyên truyền cộng sản” và bị giam suốt 3 năm. Ra tù, ông lại tiếp tục dùng ngòi bút đấu tranh chống kẻ thù.
Năm 1968, ông cùng một số nhân sĩ yêu nước lên chiến khu để thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, mà ông là một sáng lập viên. Trong Liên Minh, ông được phân công phụ trách Ủy ban bảo vệ văn hóa dân tộc, tham gia phong trào đòi quyền sống và có chân trong Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù.
Ngày 22/11/1970, Thiếu Sơn diễn thuyết tại đại học Văn khoa Sài Gòn với đề tài “Từ văn học tiền chiến đến văn học hậu chiến”. Đây là một sự kiện gây tiếng vang lớn trong dư luận báo chí thời đó.
Năm 1972 ông lại bị bắt giam và đày đi Côn Đảo vì những bài ông viết đăng trên các báo Thần Chung, Đuốc nhà Nam với lý do “những bài báo đó làm nguy hại đến an ninh quốc gia”.
Năm 1973, thực hiện các điều khoản của Hiệp định Paris chính quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc phải trao trả ông cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Từ Lộc Ninh ông được đưa ra Hà Nội. Sau một thời gian điều dưỡng để phục hồi sức khỏe, ông được cử đi công tác ở nước ngoài cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thời gian công tác tại Pháp, ông đã có nhiều đóng góp vào phong trào trí thức và Việt kiều.
Bài viết cuối cùng của ông là bài “Trí thức với cách mạng, cách mạng với trí thức” đăng trên báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 27/12/1977.
Do bị tai biến mạch máu não, ông mất ngày 3/1/1978 tại TP Hồ Chí Minh.
Thiếu Sơn là nhà văn, nhà báo lão thành, nhiều lần bị thực dân và tay sai bắt cầm tù, nhưng luôn luôn giữ vững tấm lòng son sắt với Tổ quốc và nhân dân.
Cuộc đời của ông là cuộc đời của một chiến sĩ, một trí thức yêu nước và cách mạng. Ông đã dùng ngòi bút của mình làm vũ khí đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho hòa bình, thống nhất đất nước.
Bạn bè, đồng đội thấy ở ông một Thiếu Sơn luôn lạc quan, yêu đời, sống thanh cao – một tấm gương sáng của một trí thức suốt đời phụng sự Tổ quốc.