“Lettres à Mina” (Thư gửi Mina) khi phát hành ở Pháp, đã “tìm được chỗ đứng giữa hơn năm trăm đầu sách cùng xuất bản mùa tiểu thuyết này”, như lời Nhà văn Thuận chia sẻ. Và thật vui khi buổi ra mắt “Lettres à Mina” của chị tại tư gia vào Chủ nhật (ngày 4/10) độc giả Pháp ngữ đến giao lưu đông, điều này làm nhà văn Thuận bất ngờ.
“Nhìn từ bên ngoài, sẽ không bao giờ hình dung được hết mức độ cạnh tranh bên trong thị trường sách Pháp”, Thuận nói. “Được cái, lo lắng không thuộc cá tính của tôi. Hoạt động một cách chuyên nghiệp, cố gắng hết mình, nhưng tôi cũng coi tất cả những điều này như một trò chơi. Thành công thì vui, mà không thành công cũng chẳng buồn, cuộc sống không vì thế mà dừng lại. Nhiệm vụ chủ yếu của người viết vẫn chỉ là viết”.
Thuận kể chị chủ yếu làm việc ở nhà, có những tuần chị hầu như không bước chân xuống tầu điện ngầm: “Nhịp viết của tôi lâu nay vẫn vậy, hai hoặc ba năm ra một tiểu thuyết, xen giữa là nghỉ ngơi và dịch thuật, thỉnh thoảng tham gia hội thảo hay festival”.
Các buổi ra mắt sách trước đây của Thuận tại Pháp đều tổ chức ở một hiệu sách trong trung tâm Paris hoặc văn phòng của nhà xuất bản. “Năm nay do Covid nên chúng tôi thấy nhiều trở ngại trong việc mời độc giả vào một không gian khép kín. Sau đôi chút do dự, tôi quyết định làm ngay tại vườn nhà”.
Theo chia sẻ của Thuận, do công việc của chồng chị - họa sĩ Trần Trọng Vũ - cần nhiều không gian, nên cách đây gần 20 năm, anh chị đã chuyển từ trung tâm Paris ra ngoại ô phía Nam. Căn nhà mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp những năm 30 thế kỷ trước. Giản dị, thanh thoát, với một khu vườn rất xanh. Khi nhìn những tán cây lớn cây, luống hoa, chùm nho trĩu quả, đàn cá bơi thong thả dưới lá súng là là mặt nước, đủ không gian này cũng là nguồn cảm hứng cho sáng tác: “Đó thực sự là buồng phổi lọc ô-xy cho cả gia đình, nó còn giúp tôi những trải nghiệm về 4 mùa của khí hậu ôn đới. Tôi thích tự tay cầm kéo tỉa những cành cây đã mục hay cắt những gốc tre mọc vô tội vạ. Lao động chân tay khiến đầu óc sảng khoái. Như người ta vẫn nói, thế giới thực vật và màu xanh lục xoa dịu mọi tâm hồn. Nhưng chúng tôi chỉ cảm nhận hết giá trị của thiên nhiên quanh mình trong đợt cấm túc vì Covid vừa qua. Mùa xuân và mùa hè 2020 thật kỳ lạ, trong khi con người bị trừng phạt thì cây cỏ được ưu đãi, hoa nở như chưa từng được nở và trái cây thì ngọt ngào hết cỡ. Nho trong vườn nhà tôi đơm những chùm dài 3 gang tay”.
Rất ít khi Thuận chia sẻ cuộc sống riêng tư với công chúng. Trong dịp ra mắt sách này, công chúng được dịp bước chân vào ngôi nhà của vợ chồng nhà văn họa sĩ mà họ ưa thích. Xưởng vẽ của họa sĩ Trần Trọng Vũ nằm bên cạnh khu vườn um tùm cây lá với lối đi trải gạch trên thảm cỏ xanh, ở giữa không gian mà cây cối được phát triển hết sức tự nhiên, um tùm như một góc rừng nhỏ mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh bình, thuần khiết.
Chị chia sẻ: “Đó có lẽ là nơi nghệ thuật nhất trong toàn bộ ngôi nhà. Trần cao, tường trắng, 2 giếng trời, một cây lê cổ thụ cho hoa trắng vào mùa xuân và quả ngọt vào mùa hè, một cây hồng leo rất cao, tất cả đối lập với tính hiện đại của những tác phẩm đang được làm bên trong, xưởng vẽ đó thổi luồng khí mới vào không gian sống của chúng tôi”.
Buổi ra mắt sách tại nhà riêng dù trời mưa không tổ chức được trong vườn như đã dự định, nhưng không gây ảnh hưởng nào cho gia đình, vì khách được mời vào salon và ban công.
“Tôi quả thực không ngờ là độc giả và bạn bè đến đông như vậy. Tất cả đều đeo khẩu trang. Tất cả đều nhiệt tình, tuy Paris vừa trải qua một trận bão lớn và nước Pháp đang đứng trước nguy cơ bị làn sóng Covid-19 thứ hai. Ngay từ đầu, tôi xác định đây là một dịp đùa vui, nên không có áp lực. Hôm đó, sau khi đã mệt nhoài vì ký sách, tôi vẫn kịp bỏ ra khoảng 45 phút để giao lưu, giới thiệu tiểu thuyết “Lettres à Mina”, đọc một số trích đoạn, và trả lời các câu hỏi. Trừ lúc sáng tác cần yên tĩnh tuyệt đối, tôi không phải là một người sống khép kín. Tôi cũng không phải là một ngôi sao để phải tránh sự tò mò của paparazzi. Sự quan tâm của độc giả với văn chương, theo cách nào đó, cho tôi ít nhiều lạc quan”, Thuận kể lại.
Thời tiết không thuận lợi nên gần cuối buổi khách mời mới ra thăm khu vườn. Nhiều độc giả sống trong nội thành khi đến không gian riêng của gia đình chị, ngoài niềm vui được gặp gỡ tác giả, biết thêm về một tác phẩm mới, còn có nỗi háo hức khám phá cuộc sống điền viên: “Mùa thu hay mưa, nhưng thiên nhiên hóa ra lại êm dịu hơn bao giờ hết. Hẳn đó là lý do mà buổi ra mắt sách vừa rồi đã cho tôi một dịp tiếp xúc nhiều độc giả nhí. Cha mẹ đã dẫn các cháu đến chơi, có lẽ với hy vọng để các cháu yêu quý văn chương nghệ thuật và biết thế nào là công việc của một người viết, một nghề khá đặc biệt. Dù chỉ trao đổi vài câu ngắn ngủi, đề tặng mấy dòng, nhưng tôi cảm thấy rất xúc động. Ai mà biết được, từ những cô bé cậu bé đó sẽ xuất hiện một nhà văn tương lai?”
Để chuẩn bị buổi ra mắt sách này, Thuận nói chị chỉ đưa giấy mời lên trang cá nhân hoặc viết thư gửi một vài độc giả không sử dụng Facebook. Còn với khách của đơn vị xuất bản, Thuận dự định ở một buổi sau với địa điểm khác khi tình hình Covid đỡ căng thẳng.
Thuận kể chị không thể nhớ hết những buổi giới thiệu sách tại Pháp. Ngoài ra, chị đã đi nhiều nơi, như Bỉ và Thụy Sĩ, những vùng nói tiếng Pháp. Nhiều lần chị lưu lại vài ngày, nếu đó là festival hay hội thảo: “Có những nơi độc giả đã quen với các tác phẩm của tôi, có những nơi Thuận là một cái tên xa lạ. Nhưng nói chung tôi đều tham gia nhiệt tình, nếu đầu óc không đang rối bời vì một bản thảo dở dang. Tìm hiểu cách sống, văn hóa của một nơi chốn, dù là đô thị lớn hay ngôi làng hẻo lánh, không phải trong tư cách du lịch, là một việc mà tôi rất thích và luôn tìm cách nếu có dịp. Tất cả đều làm giàu có thêm kho trải nghiệm của người viết, tất cả sẽ được sắp xếp vào các ngăn kéo li ti trong ký ức của tôi để đợi có dịp là được đưa ra sử dụng”.
Còn với độc giả Việt Nam, Thuận bảo chị trao đổi chủ yếu qua… Facebook và email: “Tôi thấy điều này cũng thú vị, thậm chí thuận lợi, vì tôi dễ cảm nhận ngôn ngữ viết hơn. Tôi cho rằng, khi viết người ta chín chắn, đúng mực hơn. Khi đọc câu chữ, rõ ràng là bạn không dễ bị đánh lừa bởi cử chỉ, giọng nói, vẻ mặt, trang phục, dáng vẻ của người đối diện”.
Mỗi khi về Việt Nam, Thuận đều được tổ chức các buổi gặp gỡ. Dịp gần nhất của chị là mùa hè năm 2018, tại TP HCM: “Tôi rất ấn tượng với các bạn trẻ ở đây. Họ sôi nổi, háo hức khám phá thế giới bên ngoài. Một công chúng hiếu kỳ, không thành kiến, luôn tạo cho tôi niềm vui chia sẻ. Tôi sẵn sàng nói với các bạn trẻ nhiều thứ, không chỉ về các sáng tác của tôi, không chỉ văn chương”.
Thời gian qua khi Pháp giãn cách xã hội, cuộc sống của Thuận và gia đình không thay đổi gì nhiều, bởi ngoài xã hội có ra sao, thì việc hàng ngày của chị vẫn là ngồi bên bàn, viết: “Nhưng tôi quan sát thấy xã hội Pháp đang gặp vô vàn khó khăn, nhiều thói quen buộc phải từ bỏ, một số nghề không còn tương lai, cả một thế hệ trẻ đột nhiên trở nên bơ vơ trước những thử thách xa lạ…
Hơn bao giờ hết, tôi thấy con người cần giảm bớt nhu cầu vật chất, và hướng đến những giá trị tinh thần. Nếu chứng kiến những cửa hàng cửa hiệu vắng tanh trong những khu du lịch vốn vô cùng sầm uất, chúng ta sẽ đành chấp nhận rằng chủ nghĩa tiêu thụ đang phải trả những cái giá rất đắt”.
Chia sẻ dự định, Thuận cho biết trong năm tới sẽ xuất bản tiểu thuyết “Công viên những cây sậy” mà chị viết đầu năm nay, và có thể cả bản dịch “Sérotonine” tác phẩm mới nhất của Michel Houellebecq.
Nhà văn Thuận, tác giả của các tiểu thuyết “Made in Vietnam”, “Chinatown”, “Paris 11/8”, “T mất tích”, “Vân Vy”, “ Thang máy Sài Gòn”, “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”, “Thư gửi Mina” (6 trong số đó đã được dịch và xuất bản ở Pháp). Ngoài ra, chị còn tham gia công việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt. Cùng với nhà nghiên cứu văn học Đoàn Cầm Thi, chị gái song sinh của mình, nhà văn Thuận đã dịch, xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam, tổ chức nhiều buổi hội thảo giới thiệu các tác phẩm văn học, nhà văn Việt Nam tại Pháp.