Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, anh Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, tổng diện tích trồng các loại hoa để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu của TP Đà Lạt là hơn 1.500 ha. Đà Lạt sản xuất hoa quanh năm với trên 400 loài hoa (hàng ngàn giống). Riêng vụ hoa Tết, nhà vườn chủ yếu trồng hoa lan, lily, lay ơn, hoa hồng, cẩm chướng, cát tường, đồng tiền…, trong đó hoa cúc được trồng nhiều nhất với 680 ha. Năm nay, nhà vườn khấp khởi mừng vì hoa được mùa, chất lượng khá tốt. Thế nhưng, đột nhiên, dịch bệnh Covid-19 lại xảy ra ở nhiều tỉnh thành, trong đó có những địa phương vốn tiêu thụ nhiều hoa Tết của Đà Lạt như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM… khiến đầu ra của hoa Tết gặp khó khăn. Tâm lý của người tiêu dùng ở các tỉnh thành khác cũng bị ảnh hưởng vì lo sợ dịch sẽ lan rộng. Một số chủ vựa kinh doanh hoa tại Phường 5 và Phường 11 (TP Đà Lạt) cho hay, 10 ngày trước, nhiều thương lái gọi điện đặt hàng số lượng lớn các loại hoa lily, cúc, hoa hồng, lay ơn… để cung ứng cho các tỉnh phía Bắc. Thế nhưng, 4 ngày nay, đã có một số bạn hàng xin tạm hoãn, chờ xem dịch Covid-19 diễn biến ra sao. Theo ông Sang, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ các loại hoa của Đà Lạt giảm từ 40-80%; vào các tháng 3 và 4/2020, chỉ tiêu thụ được khoảng 20% - 30% sản lượng; đặc biệt trong giai đoạn cách ly xã hội, 90% sản lượng hoa của ở địa phương phải đổ bỏ hoặc ủ làm phân. “Hội đã phối hợp xúc tiến quảng bá hoa Đà Lạt, nhất là trên mạng xã hội Facebook; thông báo kịp thời tình hình diễn biến thị trường để những người sản xuất và kinh doanh hoa có kế hoạch điều tiết. Hiệp hội Hoa cũng đã có công văn gửi các Sở Công Thương Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM… Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để các phương tiện chở hoa tươi của Đà Lạt vào khu vực nội đô trong dịp Tết Tân Sửu 2021; tránh tình trạng xe chở hoa bị ùn tắc khiến chất lượng hoa giảm sút”, anh Sang nói.