Nhà xây dựng trái phép: Phát hiện nhiều, xử lý ít

NGUYÊN VŨ 24/08/2021 09:00

Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh tồn tại nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng, dù được phát hiện, công bố sai phạm, lập biên bản xử phạt, song việc xử lý lại gặp nhiều khó khăn. Việc chấp hành các quyết định xử phạt ít, có năm tỷ lệ chấp hành dưới 50%.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

Con số thống kê được Sở Xây dựng TP HCM công bố về công tác quản lý nhà nước trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 cho biết, có 288 trường hợp vi phạm. Trong đó, sai phép là 133 trường hợp, không phép là 92 trường hợp, các vi phạm khác như công trình xây dựng không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng… là 63 trường hợp.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, số vụ vi phạm trật tự xây dựng năm 2020 là 793 trường hợp, trong đó, sai phép là 335 trường hợp, không phép là 458 trường hợp. Số vụ việc không phép, sai phép các năm trước đó liên tiếp như sau: Năm 2019 có 2.358 trường hợp, năm 2018 là 2.419 trường hợp, năm 2017 là 2.856 trường hợp, năm 2016 là 2.351 trường hợp, năm 2015 là 2.153 trường hợp và năm 2014 là 2.366 trường hợp.

Trong số các vụ xây dựng không phép, sai phép được phát hiện, có nhiều vụ việc được đánh giá là “rất nghiêm trọng”, những vi phạm tại công trình có quy mô lớn nhưng “qua mặt” được cơ quan chức năng. Đơn cử, trường hợp 7 công trình vi phạm tại Phường 12 (Quận 10), trong đó có công trình khách sạn Cường Thanh III (tại số 252/43 và 252/45 Cao Thắng) quy mô được cấp phép 5 tầng nhưng xây vượt thêm tầng 6, 7, 8, 9 và sân thượng với tổng diện tích lần lượt là hơn 415 m2 và hơn 418 m2. Hay như các công trình tại TP Thủ Đức tại đường số 36, thửa đất số 756, tờ 49 (thuộc phường Linh Đông)… các chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ đã tự ý thay đổi thiết kế, kết cấu bên trong không theo giấy phép xây dựng. Biến nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini để bán kiếm lời.

Bế tắc?

Vì sao những công trình vi phạm trật tự xây dựng quy mô lớn lại có thể diễn ra công khai trong một thời gian dài, liên tiếp các năm ở các quận trung tâm thành phố?

Lực lượng quản lý trật tự xây dựng tuy đông người, nhưng vụ việc xây nhà không phép, trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Đáng nói hơn, khi phát hiện hàng loạt công trình vi phạm thì việc xử lý cũng dường như bế tắc. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt hành chính từ năm 2013-2017 đạt khoảng 55%, từ năm 2018-2019 tỷ lệ chấp hành quyết định xử phạt dưới 50%. Trong đó, quyết định chưa chấp hành toàn bộ chiếm 15%; chưa chấp hành hình thức phạt tiền chiếm 35% và chưa chấp hành khắc phục hậu quả chiếm 40%.

Nhìn nhận về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, một số quy định của pháp luật hiện nay cũng khiến cho chính quyền gặp khó. Chẳng hạn, Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017 xử lý vi phạm quy định về trật tự xây dựng chỉ có quy định về xử phạt 20 - 30 triệu đồng hành vi tổ chức thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Trong khi đó, đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn (dưới 7 tầng…) được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, từ đó dẫn đến nhiều trường hợp xây dựng không phép nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng không bị xử phạt.

“Bên cạnh đó, Luật Xây dựng 2014 có quy định về xử phạt nhưng còn “lỏng”, dẫn tới tình trạng, công trình vi phạm xây dựng bị xử phạt nhưng sau đó vẫn thi công “chui” do chính quyền không thể áp dụng các biện pháp đặc biệt. Ví dụ như ngừng cung cấp điện, nước chẳng hạn” - luật sư Phượng nhận định.

Với hàng loạt vụ việc nhà xây không phép, trái phép đã phát hiện tại TP HCM nhưng chưa chấp hành hình thức phạt tiền chiếm 35% và chưa chấp hành khắc phục hậu quả chiếm 40%. Vậy, hình thức xử lý sẽ như thế nào, hay vẫn tiếp tục để nguyên sai phạm? Thiết nghĩ, chính quyền cơ sở không để xảy ra vi phạm, chứ không phải để vi phạm rồi mới xử lý, dẫn tới hiện trạng “xử lý không được”. Chỉ xử lý nghiêm minh từ gốc thì mới không để xảy ra việc công chức “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý” và các chủ công trình cũng vì thế mà không vi phạm nữa.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị ban hành quyết định thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện, gồm: Đội trưởng, không quá 2 phó đội trưởng và các công chức. Thời gian thí điểm là 2 năm, tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thực tế tình hình vi phạm trật tự xây dựng một số địa phương ở TP HCM còn phức tạp, do công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận, huyện còn hạn chế. Có trường hợp 1 công trình vi phạm nhưng có đến 2 đơn vị lập biên bản cho cùng 1 hành vi. Tại UBND các phường, xã, việc kiểm tra, xử lý công trình xây dựng không phép chỉ có 1 cán bộ địa chính đảm nhiệm nhưng khối lượng công việc khá lớn. Nên cần thiết có một lực lượng chuyên môn, chuyên trách để giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà xây dựng trái phép: Phát hiện nhiều, xử lý ít