Nhạc sĩ của những cung đường

Nguyễn Hiếu 06/07/2021 15:18

Trong tám công trình được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam 2018 có hai công trình khẳng định rõ quyết định dũng cảm và đúng đắn mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.

Nhạc sĩ Phạm Hồng Sơn.

Đó là Đường dây tải diện 500KV và Đường Hồ Chí Minh. Nói đến Đường Hồ Chí Minh thì không thể không nhắc đến kĩ sư Phạm Hồng Sơn - vị Tổng giám đốc đã có 17 năm liền gắn bó và chỉ đạo việc xây dựng tuyến đường mang tên Bác dài 3.183km chạy qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phạm Hồng Sơn gắn bó với Đường Hồ Chí Minh từ lúc nhà nước mới hình thành ý tưởng ban đầu, khi Ban dự án này mới chỉ là văn phòng thường trực (VPTT) Ban chỉ đạo Nhà nước về Công trình Xa lộ Bắc Nam đặt ở trụ sở Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) 80 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Từ vị trí là Phó giám đốc Sở GTVT Kom Tum, Phạm Hồng Sơn ra nhận nhiệm vụ là Phó Chánh VPTT mới có 7 người và sau đó làm Tổng giám đốc Ban dự án Đường Hồ Chí Minh tròn một thập niên, ông đã gắn bó thực sự với con đường từ huyền thoại đến hiện thực này.

Trong chuyến công tác vào trung tuần tháng 4 vừa qua, tôi có may mắn được kĩ sư Phạm Hồng Sơn mời trở lại nhánh phía tây đường Hồ Chí Minh. Đoạn đường này dài 500 km từ bến phà Xuân Sơn – Quảng Bình đến Thạnh Mỹ - Quảng Nam. Trong 500 km đó dường như ở mỗi mét đất, mỗi địa danh trên đoạn đường này đều gắn bó với những dấu tích một thời chiến tranh ác liệt cùng những chiến công oai hùng của quân dân ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Những địa điểm từng là túi bom, đạn giặc Mỹ trút xuống hòng ngăn chặn bước hành quân phá nát những binh trạm hậu cần của ta Bến phà Xuân Sơn, Trạm Ang, Núi U Bò, Ngà ba đường đi Đà Nẵng-Khâm Đức, Thạnh Mỹ… Cùng những địa danh đã in sâu đậm trong trí óc mỗi người dân về những chiến công vẻ vang, sự hi sinh hào hùng của quân dân ta như Hang Tám cô, Khe Sanh, Tà Cơn, Ca Tang…

Đối với Phạm Hồng Sơn, đường Hồ Chí Minh nói chung, và nhánh phía tây nổi tiếng thì chẳng những ông thuộc như trên lòng bàn tay; nơi nào núi hay sạt lở, nơi nào cần làm đường bê tông, đoạn đường nào do đơn vị nào làm… chất lượng ra sao mà ông còn nhớ đến một cách sâu sắc vì nó gắn liền nhiều kỉ niệm xương thịt với ông. Như ở ngầm Ca Tang (tên cũ là Khe Tang) trong chuyến đi thị sát với tướng Đồng Sĩ Nguyên - dạo đó là đặc phái viên Chính phủ vào chiều 10/9/2001. Hôm đó, ông đã suýt chết vì đang vượt qua ngầm thì nước lũ đột ngột tràn về dìm ngập xe chở ông, cuốn trôi hàng trăm cuốn sách nhạc của ông mang theo để tặng các đơn vị thi công đường. Hay như chuyến ông cùng tham gia làm thành viên đoàn văn nghệ xung kích, sau mỗi tiết mục công nhân làm đường lại cầm cành cây bẻ vội bên đường giả làm hoa tặng các nghệ sĩ với lời bộc bạch chân thành “Xin cứ coi đây là hoa tươi Hà Nội nhé”.

Làm việc với Phạm Hồng Sơn đã lâu và cũng biết Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh nổi tiếng là một nhạc sĩ đã được duy danh trong Hội Nhạc sĩ Hà Nội và Hội Nhạc sĩ Việt Nam vì những tác phẩm âm nhạc đích thực của ông, nhưng quả tình trong chuyến đi dài ngày vừa rồi, tôi mới nhận ra chất nghệ sĩ trong nhà quản lý tài ba và có nhiều đóng góp với những công trình có thể gọi là kì vĩ và hoành tráng. Đó là Đường Hồ Chí Minh, và cầu vượt biển dài nhất Việt Nam Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) khi ông sang làm Tổng giám đốc Ban dự án Hai. Một công trình mà mỗi khi nhớ lại Phạm Hồng Sơn hay ví von “Đó là đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Bên cạnh hai công trình xây dựng trong đó công trình Đường Hồ Chí Minh, Phạm Hồng Sơn đã cống hiến trong gần hai thập niên của đoạn đời sung sức nhất thì trong âm nhạc ông có một sự nghiệp sáng tác khá đặc biệt. Ông đã từng được tặng thưởng Huy chương Vàng quốc gia cho thành tựu cả sáng tác và biểu diễn. Các ca khúc của ông đã được các ca sĩ nổi tiếng như NSND Thu Hiền, NSND Vy Hoa, NSƯT Trọng Tấn, NSƯT Thuý Nội… biểu diễn và có mặt trong các CD chọn lọc của họ.

Trong chuyến đi này nhạc sĩ Phạm Hồng Sơn tặng tôi tuyển tập nhạc của ông. Chỉ mới đọc đầu đề những nhạc phẩm trong tuyển tập tôi chợt nhận ra có lẽ Phạm Hồng Sơn là nhạc sĩ viết nhiều và hay nhất về đường Hồ Chí Minh. Nhạc phẩm của ông chính là tiếng vang, hay chính xác là được nhạc hoá từ những công việc đã gắn bó một cách máu thịt với ông suốt 17 năm. Ngay tên gọi tập nhạc cũng là tên ca khúc đã làm nên thương hiệu nhạc sĩ Phạm Hồng Sơn “Con đường của Bác - Đường Hồ Chí Minh”. Còn 9 nhạc phẩm được chọn lọc trong tuyển này đúng là những dư âm của những gì nhạc sĩ từng trải, từng sống, từng cống hiến. “Người bạn Cuba trên đường Hồ Chí Minh”, “Hát về những con đường”, “Xuân về trên Tây Nguyên”, “Nhớ người khảo sát công trình”, “Hát mãi với Trường Sơn”, “Nhớ bạn”, “Chiều phố nhỏ”…

Khi cùng chúng tôi dừng chân ở ngầm Ca Tang, đứng trên bờ nhìn ngầm cạn chỉ có dòng nước nhỏ chảy qua những hòn cuội, tảng đá, nhớ đến kỉ niệm sinh tử khi đi với tướng Đồng Sĩ Nguyên, Phạm Hồng Sơn nổi máu nghệ sĩ. Ông lấy cây ghi ta luôn mang theo bên mình, dạo vài nốt rồi cất chất giọng teno trầm ấm ngân lên ca khúc của chính mình “Hát mãi với Trường Sơn” với những ca từ mang đầy lòng tự hào của người đã góp công sức làm nên công trình trước núi rừng hùng vĩ.

Nghe nhạc sĩ hát, tôi lặng đi vì xúc động trước nhạc phẩm về đường Hồ Chí Minh do chính tác giả - người góp công lớn tạo nên con đường này, nên hỏi Phạm Hồng Sơn về sự ra đời của “Hát mãi với Trường Sơn”. Phạm Hồng Sơn cho biết. Đó là vào đầu tháng 8/2001, Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn kí quyết định thành lập Đoàn văn nghệ xung kích đi biểu diễn phục vụ các đơn vị thi công xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Hà Tĩnh vào Kon Tum. Phạm Hồng Sơn tham gia với tư cách là Phó đoàn kiêm diễn viên biểu diễn. Đoàn vừa đi vừa phục vụ liên tục mấy đêm liền kể cả những khi mưa, gió trong sự tán thưởng nồng nhiệt của công nhân làm đường và sự biểu diễn hết mình của diễn viên (có cả diễn viên chuyên nghiệp đa phần là nghệ sĩ quân đội như các NSƯT, NSND như Trung Kiên, Vi Hoa, Hồng Hạnh, Anh Phương). Lần đi đó trong đoàn có nhà báo Thanh Thuỷ (báo Lao Động) sau khi nghe Phạm Hồng Sơn biểu diễn, đã hỏi: “Anh Sơn đã sáng tác được bài nào cho anh em làm đường chưa?”. Phạm Hồng Sơn thành thật: “Phải có đàn ghi ta tôi mới viết được”. Đến Thị xã Hà Tĩnh, nhà báo Thanh Thuỷ dẫn Phạm Hồng Sơn đi mua cây đàn ưng ý nhất. Ngay tối hôm đó trong khuôn viên trường học, giữa anh chị em công nhân và nghệ sĩ giao lưu. Ngoài trời đang đùng đùng mưa gió. Xúc động vì tình cảm của những người làm đường giữa Trường Sơn, những nốt nhạc đầu của giai điệu “Hát mãi với Trường Sơn” bật ra. Nhạc sĩ rút vội cuốn sổ chép nhạc luôn mang bên mình ghi vội. Đến ba giờ chiều hôm sau thì bản nhạc hoàn thành. Nhạc sĩ hát thử cho ca sĩ Vi Hoa và hỏi: “Em nghe thử anh lên quãng tám như thế này có ổn không nhé”. Vi Hoa nghe xong gật đầu: “Rất hợp anh ạ”.

Đêm biểu diễn ở Bến Quan, khi giới thiệu tiết mục tốp ca trình bày ca khúc “Hát mãi với Trường Sơn” NSND Trung Kiên giới thiệu: “Đây là bài hát trẻ nhất thế giới vì vừa được nhạc sĩ Phạm Hồng Sơn sáng tác chiều nay. Mời mọi người thưởng thức”. Thế là trong tay các nghệ sĩ đều cầm bản nhạc vừa nhìn vào đó vừa hát. “Em ơi đi cùng anh. Về thăm Trường Sơn xanh… Hát mãi với Trường Sơn…”

Tôi hỏi Phạm Hồng Sơn về trường lớp nào đã đào tạo ông trở thành nhạc sĩ. Phạm Hồng Sơn mỉm cười cho biết. “Em thích ca hát từ bé, nhưng toàn tự học thôi. Mãi đến khi ra Hà Nội nhận công tác em đăng kí học ghi ta do nhạc sĩ Ngọc Thanh ở phố Hàng Trống dạy trong 6 tháng, kèm cả ít nhiều nhạc lý đến khi độc tấu được bài “Làng tôi” của Văn Cao thì thôi. Anh cứ để ý thì thấy trong ca khúc của em hay chuyển khúc thức, nhịp… Có lẽ do phần nào ảnh hưởng thủ pháp viết của nhạc sĩ Văn Cao”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ của những cung đường