Hải Phòng vừa triển khai mô hình điểm “Tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm” tới khu dân cư. Theo ông Đỗ Tràng Thành- Phó Chủ tịch UB MTTQ Hải Phòng, không có lực lượng giám sát nào toàn diện và sâu sát bằng lực lượng giám sát của nhân dân.
Giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại HTX Vĩnh Tiên, huyện Tiên Lãng.
Trước đó, UBND TP Hải Phòng và Ủy ban MTTQ Hải Phòng đã ký kết phối hợp thực hiện Chương trình vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020. Đây là hoạt động nhằm thực hiện Chương trình phối hợp số 90 ngày 30/3/2016 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Thành phố đề ra chỉ tiêu công tác bảo đảm ATTP cho từng giai đoạn cụ thể.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, vận động ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh thực phẩm ký cam kết; hơn 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Từ đó chấn chỉnh kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.
Theo UBMTTQ huyện Tiên Lãng, việc ra mắt mô hình “Tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm” được triển khai tới từng thôn tại huyện Tiên Lãng mới đây là bước cụ thể hóa chương trình phối hợp “Vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm” giữa UBND và Ủy ban MTTQ huyện Tiên Lãng nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn, các tổ chức hội đoàn thể trong việc tổ chức và vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Hiện có 14 thôn trên địa bàn các xã tham gia ký cam kết triển khai thực hiện tốt mô hình “Tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm” với 4 chỉ tiêu: 100% thôn, khu dân cư tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và giám sát an toàn thực phẩm, phấn đấu đến năm 2020 vận động ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh thực phẩm ký cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Cát Hải phối hợp với UBND thị trấn Cát Bà cũng vừa triển khai mô hình “Tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm” tại thị trấn Cát Bà. Với đặc thù là địa phương phát triển du lịch, qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt, số vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm giảm. Tuy nhiên gần đây do các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phát triển khá nhanh nên nhiều hàng hóa chưa được kiểm dịch, đóng dấu; hầu hết các hộ kinh doanh không có hợp đồng, sổ sách theo dõi hàng hóa nhập, xuất, nhất là các hộ kinh doanh bán lẻ, gây khó khăn trong việc xác định nguồn hàng và lưu lượng hàng hóa.
Do đó, mô hình điểm “Tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm” đã được xây dựng và triển khai tại thị trấn Cát Bà nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, cùng với việc siết chặt quản lý của chính quyền tạo chuyển biển căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn. Tại thị trấn Cát Bà, đại diện 19 tổ dân phố đã ký cam kết thực hiện mô hình trên.
Ông Đỗ Tràng Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Hải Phòng nhấn mạnh: Không có lực lượng giám sát nào toàn diện và sâu sát bằng lực lượng giám sát của nhân dân. MTTQ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân cùng với cơ quan báo chí hãy trở thành lực lượng tuyên truyền, giám sát hùng hậu nhất, hiệu quả nhất trong việc Tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm”.