Ngày 29/7, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế và đại diện các địa phương trên cả nước tại 63 điểm cầu trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, môi trường nước ta vẫn chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.
Cùng với sự phát triển nhanh của khoa học - công nghệ đã có nhiều tổ hợp công nghiệp phức tạp, quy mô lớn được đầu tư vào Việt Nam tạo ra những thách thức lớn trong việc nhận diện, dự báo kịp thời các vấn đề môi trường. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, khu công nghiệp, nông thôn và làng nghề; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.
Mặc dù vậy, công tác bảo vệ môi trường của nước ta trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Cùng với đó, tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường tiếp tục được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương và tại các bộ, ngành; khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường liên tục được tăng cường, mở rộng; đã hình thành được một phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, trọng tâm là chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm.
Nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, nông thôn mới, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường đã được triển khai thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm bao gồm: công tác đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động đầu tư phát triển; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái; quản lý chất lượng các thành phần môi trường; tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Tổng cục Môi trường tổng hợp, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2022 và định hướng giai đoạn 2022 - 2025 của ngành tài nguyên và môi trường sẽ được trình bày tại Phiên toàn thể của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V tổ chức vào ngày 4/8 tới đây.