Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Mỹ trong năm 2023 đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Năm 2022, Mỹ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam, với kim ngạch 13,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần xuất khẩu của ngành.
Đánh giá về dư địa cho nông sản Việt tại thị trường Mỹ, bà Phan Thị Mỹ Yến - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu phát triển thương hiệu Việt, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho hay, trong 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 88 tỷ USD. Nhập khẩu ước đạt 12,57 tỷ USD. Hiện nay, xuất khẩu sang thị trường này chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Những dữ liệu nói trên cho thấy, Mỹ luôn là thị trường giàu tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu khai thác, đặc biệt là với ngành hàng nông sản. Tuy nhiên, do sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là ở dạng thô, không nhãn mác, cho nên nông sản Việt vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu tại thị trường này.
Là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ, bà Ngô Tường Vi - CEO Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải cùng nhau xây dựng chiến lược để khai thác thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự tiện lợi để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ, tạo được lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, việc Mỹ gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam thời gian qua cũng đặt ra nhiều rào cản cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt. Con số thống kê cho thấy, đến nay, Hoa Kỳ áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam với 53 vụ kiện. Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ) để lấy ý kiến các bên liên quan. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải hết sức cẩn trọng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể chủ động phòng, chống ứng phó bất kỳ rùi ro nào có thể xảy ra khi xuất khẩu sang thị trường này.