Để đối phó với nhu cầu nhập khẩu đang giảm nhanh, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải chuyển hướng đa dạng hóa thị trường. Điều này cũng đặt các DN Việt đối mặt với nhiều rủi ro trên thị trường quốc tế.
Chưa hết khó khăn
Những khó khăn của ngành dệt may nói riêng và các DN nói chung trong hoạt động xuất nhập khẩu đã bộc lộ từ cuối năm 2022 đến nay. Không chỉ là những khó khăn đến từ việc đơn hàng giảm, tiếp cận vốn vay khó… DN còn đối diện nhiều cạm bẫy ở thương trường.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, thời gian qua các DN ngành may đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường, tìm ra những phân khúc thị trường riêng. Tuy nhiên, kèm theo các cơ hội thì cũng nhiều rủi ro xuất hiện.
Theo ông Giang, đầu tiên là phương thức thanh toán. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, các đối tác quốc tế luôn gây áp lực, không còn đàm phán bình đẳng. Khó khăn thứ hai là các thị trường thường dựng lên hàng rào kỹ thuật một cách bất ngờ, ngay khi thấy lượng hàng xuất khẩu của nước ta tăng đột biến. Chưa hết, các đối tác tại thị trường phát triển như EU luôn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe, thậm chí đơn phương chấm dứt hợp đồng... “Với những khó khăn này, các DN rất cần hỗ trợ các vấn đề về tư vấn pháp lý, tăng cường kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả” – ông Giang nêu quan điểm.
Theo bà Đàm Việt Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn 911, có 6 rủi ro cơ bản trong giao thương quốc tế mà DN cần phải nhận diện. Bà Anh cho biết, vừa qua DN gặp rủi ro khá nhiều về khả năng thanh toán như không thanh toán đầy đủ hoặc đúng hạn, thay đổi quy định về thanh toán, rủi ro về các phương thức thanh toán chuyển tiền (TTR/ LC/ hạn mức tín dụng)…
Mới đây, vào hồi cuối tháng 4, Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến nghị DN Việt Nam không giao dịch với Công ty Eurl ATS Food vì công ty này nằm trong danh sách DN gian lận thương mại mà Bộ Thương mại Algeria liệt kê. Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến nghị, các DN Việt Nam không giao dịch với công ty Eurl ATS Food; đồng thời cần tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch như đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty và nhờ các cơ quan chức năng thẩm tra; không nên quá tin tưởng vào công ty môi giới dù làm việc lâu năm và cần kiểm tra thông tin đối tác nhập khẩu. Nếu tiến tới giao kết hợp đồng thương mại, cần chọn phương thức thanh toán thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận hoặc nhờ thu qua ngân hàng (DP, CAD at sight) yêu cầu khách đặt cọc từ 20% trở lên.
Nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro
Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trước bối cảnh nhiều biến động và tiềm ẩn nguy cơ thách thức của kinh tế thế giới nói chung, các DN cần tìm hiểu rõ các thuận lợi, khó khăn để có kế hoạch, chiến lược cụ thể. Đầu tư có trách nhiệm với xã hội trên nguyên tắc hỗ trợ giữa các bên liên quan, bình đẳng và cùng chia sẻ lợi ích.
"Bên cạnh việc tìm ra giải pháp vượt qua các thách thức hiện nay về vốn, tài chính, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cần chuyên sâu và nâng chất lượng sản phẩm… Để hợp tác được với nước ngoài, cần chuẩn bị sẵn các dự án cụ thể, để mời gọi hợp tác đầu tư. Nếu chưa có các dự án cụ thể, DN chú trọng nâng cấp các sản phẩm hiện có của mình để có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các DN có vốn FDI..."
Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho hay, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị thì DN cần nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp. Do đó, DN cần lưu ý đến vai trò của các hiệp hội DN, để cùng với cơ quan chức năng hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường. Đặc biệt hiệp hội sẽ trở thành đầu mối để tập hợp những khó khăn vướng mắc của DN, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các DN, hội viên.
Ông Vân chia sẻ, ngay từ khi thành lập, Hiệp hội đã có Ban Pháp chế trực thuộc Ban Điều hành Hiệp hội thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, chia sẻ kiến thức pháp luật, phổ biến thông tin về luật pháp kinh tế quốc tế, cùng những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Để từ đó DN hội viên có thêm kiến thức pháp luật nhằm hội nhập sâu rộng với đối tác nước ngoài trong hoạt đầu đầu tư, sản xuất kinh doanh.