Nhận diện văn học mạng

Minh Quân 07/10/2016 00:52

Hiện nhiều tác phẩm văn học mạng dù bán chạy nhưng vẫn bị hoài nghi về chất lượng. Một câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra: văn học mạng ở Việt Nam sẽ phát triển đến đâu? Tọa đàm “Văn học mạng trong không gian văn hóa đương đại”do Viện Văn học tổ chức vào sáng 6/10, tại Hà Nội đã phần nào lý giải những băn khoăn ấy.

Nhận diện văn học mạng

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Thực đơn mới…

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận định: “Sự ra đời của mạng xã hội như blog và facebook đã mang lại cơ hội cho việc tự xuất bản và do đó đã định nghĩa lại lối viết, sản phẩm sách và tác giả.

Thuật ngữ “văn học mạng” được sinh ra để gắn cho trào lưu này và mau chóng được các nhà phê bình chấp nhận. Khi số lượng người dùng internet Việt Nam tăng và 1/3 dân số truy cập Facebook năm 2016, không gian công cộng này trở thành “nhà xuất bản” lớn hơn bao giờ”.

Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, sự có mặt của văn học mạng ở Việt Nam đã đem tới một thách thức đáng kể đối với các nhà sản xuất văn chương chính thống.

Hiển nhiên là những trường hợp này cho thấy phương tiện truyền thông mới đã thay đổi định nghĩa về người viết. Ở Việt Nam, bên cạnh thuộc tính của văn học mạng, xã hội cũng chứng kiến một khuynh hướng khi thế giới ảo này tìm cách hòa nhập vào văn chương dòng chính.

Đáng chú ý là khuynh hướng này tạo ra một ấn tượng rằng văn học mạng là một nhánh nối dài của văn chương thông thường hoặc chỉ là một tờ giấy điện tử để viết bằng bàn phím thay vì cây bút.

Ở một hướng khác, một số nhà văn đặt câu hỏi về vai trò của họ khi những dấu hiệu của phương tiện truyền thông mới xuất hiện. Sự đan cài và xung đột giữa hai hình thái văn học cho thấy sự tác động của phương tiện truyền thông mới đến sự thay đổi trong nền tảng tư tưởng của xã hội. Ở đó, cả tác giả và độc giả không thể tiêu thụ văn chương như trước nữa.

Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, viết lách thuộc về một qui trình truyền thông phức tạp nhưng hợp thời khi được vận hành bằng các phương tiện di động và cầm tay. Văn học mạng đã trở thành thực đơn tự nấu của thế hệ mới.

Đa dạng diện mạo văn học

Nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu nhận định: “Diện mạo của văn học mạng Việt Nam ở thời điểm hiện nay là sự hợp lưu của 3 nhánh chính gồm nhánh văn học mạng xuất phát từ blog cá nhân; nhánh văn học mạng xuất phát từ các tạp chí văn chương điện tử tiếng Việt cập nhật đều đặn; văn học dân gian đương đại sáng tác và lưu truyền qua mạng”.

Theo đó với nhánh văn học mạng xuất xứ từ blog, thể loại chính của nhánh văn học này là tiểu thuyết. Đề tài chủ yếu xoay quanh tình yêu đôi lứa và những cảm xúc, suy tư trước những vấn đề xã hội.

Trong quan hệ tương tác với công chúng, nhánh văn học này được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt, bằng chứng là nhiều cuốn thuộc dạng sách bán chạy nhất trong năm qua.

Công chúng của nó phần lớn là những người trẻ tuổi sống ở đô thị. Giá trị văn học của những tác phẩm thuộc nhánh này trong con mắt của những độc giả, có kinh nghiệm văn học dày dặn, không thật sự được đánh giá cao.

Nhưng một khi chúng thu hút được lượng công chúng đáng kể trong thời buổi văn hoá đọc bị cạnh tranh gay gắt với văn hoá nghe nhìn thì không thể phủ nhận rằng chúng có những nhân tố gây được sức hấp dẫn lớn. Có thể thấy những tác giả ở nhánh này khi viết dường như không đặt quá nhiều những mục tiêu nghiêm trọng.

“Họ kể chuyện một cách tự nhiên với lối viết biến thể từ nhật ký, đặc biệt là ở thể loại tản văn. Họ xác định rất rõ việc hướng tới mục đích giải trí, thậm chí cả mục đích thương mại. Bản thân điều này cũng có ý nghĩa đáng kể” - TS Hiếu cho hay.

Còn ở nhánh thứ hai là các tác phẩm đăng trên các website văn học điện tử. Những sáng tác được đăng tải trên các website này lại cho ta một hình dung rất khác về văn học mạng. Ở đây, các tác giả đã tận dụng tính chất tự do để triển khai những thực hành nghệ thuật của mình trên cả hai phương diện tư tưởng và thi pháp.

Sự độc lập của nhánh văn học này với kênh chính thống được đặc biệt nhấn mạnh ở khuynh hướng thẩm mỹ. Các website văn học này trở thành đất cho những thể nghiệm văn học cực đoan nhất, mạnh mẽ nhất trong vài ba năm trở lại đây.

Nhánh văn học này không đặt cho mình mục đích là nhằm vào số đông công chúng. Nó thách thức với thị hiếu thời thượng. Nó tự xác định vị trí đứng ở ngoại vi, vị trí của một dòng phụ lưu bên cạnh dòng văn chương đứng ở trung tâm, thuộc về chính lưu, sống vừa vặn trong không gian công chính thống.

Nhánh thứ ba-bộ phận văn học dân gian đương đại được sáng tác và lưu hành qua mạng với các thể loại giễu nhại, cười cợt chiếm ưu thế. Nhờ mạng internet, thể loại này có tốc độ phát tán cực kỳ nhanh chóng, sức phổ cập hết sức rộng lớn.

Điểm chung giữa loại hình văn học dân gian đương đại mạng với truyền thống nằm ở chỗ đều tồn tại trong một không gian phi chính thống, là tiếng nói của đại chúng, từ bộ phận bên trên của xã hội, tác giả chấp nhận vô danh, không sở hữu bản quyền…

Như vậy, nếu nhánh thứ nhất của văn học mạng Việt Nam góp phần định hình nên dòng văn học thị dân kiểu mới thì nhánh thứ hai của nó lại nhằm mục đích thách thức những ý niệm về văn học hiện có.

Tất cả đã cho thấy văn học thực ra chỉ là những quy ước, những hiện tượng lịch sử không bất biến. Còn nhánh thứ ba là một dạng thời sự mạng, một kênh truyền thông của cư dân mạng.

Sự tồn tại của cả ba nhánh văn học này cho thấy văn học đương đại đang vận động với ý thức dân chủ hoá, phá vỡ sự quan liêu, sự cố thủ của cái trung tâm. Ít nhất, ở thời điểm này, văn học mạng đã góp phần làm đa dạng hoá diện mạo của nền văn học đương đại.

Văn học Hà Nội thời kỳ 1947-1954

Ngày 6/10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Nhận diện thành tựu văn chương 1947-1954 trong Hà Nội tạm chiếm”. Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã cùng đánh giá, các tác phẩm được viết ở thời kỳ thực dân Pháp tạm chiếm Hà Nội vẫn giữ được lòng yêu nước, giá trị nhân văn, tính dân tộc sâu sắc, góp phần gìn giữ đạo đức, bảo vệ truyền thống dân tộc nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng…

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự tọa đàm cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức các hội thảo, tổ chức sưu tầm và in ấn lại các tác phẩm văn chương 1947-1954 trong Hà Nội tạm chiếm. Từ đó, để hậu thế biết thêm thời kỳ Thủ đô có nhiều tác phẩm văn học giá trị.

T.Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện văn học mạng