Lịch sử cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam ào ạt như một dòng sông lớn, tuôn chảy mãnh liệt, bi tráng để lại biết bao bài học quý báu cho các thế hệ con cháu mai sau. Một trong những bài học quý báu nhất là: Khi những người lãnh đạo đất nước có chính sách sáng suốt, khoan dung qui tụ được mọi thành phần, lực lượng trong cả nước kết thành sức mạnh của dân tộc thì sự nghiệp cách mạng nhất định thành công. Bài học đó đã được Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam đúc kết lại thành mấy câu nói giản dị: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Vào một ngày cuối tháng 8 năm 1945 có một đoàn người áo nâu túi vải lên thuyền vượt dòng sông Hồng lặng lẽ đi vào nội thành Hà Nội. Trong đoàn người đó có một người cách mạng gầy yếu, giản dị, đôi mắt rất sáng tên là Hồ Chí Minh, sau này nhân dân Việt Nam vẫn trìu mến và kính yêu quen gọi là Bác Hồ.
Là một lãnh tụ cách mạng học vấn rất sâu rộng, ngay sau khi nắm cương vị cao nhất của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã đặc biệt quan tâm tới tầng lớp trí thức trong đó có rất nhiều trí thức cũ tham gia bộ máy chế độ phong kiến đang sống ở thủ đô Hà Nội. Hồ Chủ tịch nhận định trí thức Việt Nam có kiến thức, có tinh thần yêu nước nồng nàn và ý thức dân tộc cao. Người nói: “Trí thức là vốn quý của dân tộc. Không có trí thức liên minh với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được. Người còn nói: “Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”. “Không có những trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Trí thức có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng”.
Ngay những ngày đầu tiên của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi Nhân tài kiến quốc và Người đã trao những cương vị quan trọng trong Chính phủ cho trí thức, cả những trí thức đã từng làm việc cho chế độ cũ như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; và rất nhiều trí thức yêu nước khác đang sống và làm việc ở trong nước cũng như ngoài nước như: Hoàng Xuân Hãn, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng... Trí tuệ sáng suốt, tình cảm chân thành, tấm lòng khoan dung của Bác Hồ đã cảm hóa được hầu hết những trí thức ưu tú nhất của nước Việt Nam trong những năm tháng đó.
Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 59 bổ nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng là một phó bảng, từng làm báo và hoạt động chính trị nhận chức Bộ trưởng Nội vụ; ông Vũ Trọng Khánh là một luật gia được Pháp đào tạo và đặc biệt là cụ Bùi Bằng Đoàn từng là Thượng thư Bộ Hình của Nam Triều, cả hai đều được nhận chức quan trọng trong Hội đồng Thẩm phán Phúc thẩm được thành lập trong Bộ Nội vụ. Xin lưu ý là Hội đồng này còn có thẩm quyền đưa ra xem xét lại các vụ án và các trường hợp bắt giữ hoặc giam cầm. Hội đồng này gồm một đại biểu của Chính phủ, một thanh tra hành chính và một thẩm phán đều do Bộ Nội vụ đề nghị và sắc lệnh công nhận.
Theo một số người kể lại, khi đích thân ông Vũ Đình Huỳnh vâng lệnh của Hồ Chủ tịch đến tư gia của cụ Bùi Bằng Đoàn để chuyển lời của Hồ Chủ tịch mời cụ Bùi ra giúp dân, giúp nước thì cụ còn e ngại vì dù sao cụ cũng là một ông quan thượng thư (tương đương với bộ trưởng) của chế độ cũ. Nhưng khi được biết Hồ Chủ Tịch đã nói cụ Bùi là bậc đại thần ẩn mình trong triều để làm việc thiện thì cụ Bùi Bằng Đoàn vô cùng cảm động và nhận lời đến gặp Hồ Chủ tịch vào ngày 22/11/1945. Và thế là ngay ngày hôm sau, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, có quyền hạn rất lớn chuyên xử lý các vụ việc liên quan đến các quan chức vi phạm pháp luật. Cụ Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm vào Ban Thanh tra này. Cuối năm 1946, tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Một chức vụ quan trọng tương đương chức Chủ tịch Quốc hội hiện nay.
Một trí thức nổi tiếng khác là giáo sư Hồ Đắc Di sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, được Pháp đào tạo rất cẩn thận. Ngay từ năm 1919, ông Hồ Đắc Di đã gặp Nguyễn Ái Quốc ở Paris và đã rất ngưỡng mộ. Tới ngày 2/9/1945, nghe toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ đọc ở quảng trường Ba Đình, được biết đó chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông đã vô cùng cảm phục. Ông nói: “Đối với riêng tôi, thân thế và sự nghiệp của Hồ Chí Minh gắn bó với cả sự thức tỉnh về ý thức dân tộc trong buổi đầu, với cả sự lựa chọn con đường đi về sau này, với cả niềm tin vững chắc vào tương lai của đất nước”…
Một trong những sức mạnh ghê gớm để chính quyền non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vượt qua thử thách “ngàn cân treo sợi tóc” cuối năm 1945 và suốt năm 1946 là Hồ Chủ tịch luôn biết trọng dụng nhân tài và mạnh dạn giao những công việc trọng đại của chính phủ cho những người tài. Người giao cho giáo sư Trần Đại Nghĩa phụ trách ngành quân giới Việt Nam; Giáo sư Tạ Quang Bửu đã từng đảm nhận chức vụ bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Giáo sư Nguyễn Văn Huyên nhận chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Giáo sư Tôn Thất Tùng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Đó là những bằng chứng sống động về trọng dụng nhân tài, dụng nhân như dụng mộc kết thành sức mạnh dân tộc Việt của Bác Hồ.
Xin được ghi lại tình cảm của của trí thức cũ đối với Bác Hồ:
Cụ Vũ Đình Hòe đã viết trong Hồi ký: “Tôi đã từng nghe bạn bè nói đến Nguyễn Ái Quốc một cách cung kính, nhưng mãi đến Cách mạng tháng Tám thành công mới được giáp mặt với Người tức thì bị chinh phục ngay bởi đôi mắt Hồ Chí Minh”.
Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nói: “Bác Hồ luôn luôn chăm sóc và hướng dẫn tôi trong hai cuộc kháng chiến, Bác đã cho tôi cái cương vị để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả nhất. Bác luôn là hình ảnh thiêng liêng rất gần gũi với tôi. Trong tâm khảm tôi, một bên là ba má và anh chị tôi, còn một bên là Bác Hồ”.
Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng đã viết những dòng rất xúc động về Bác Hồ: “Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”. “Nếu quả tôi đóng góp chút gì về khoa học, chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ. Tôi hiểu rằng sự nghiệp khoa học bao giờ cũng là sự nghiệp tập thể. Người làm công tác khoa học phải học cách phối hợp, phối hợp rất tài tình các binh chủng khác nhau như Bác Hồ đã tập hợp trí dũng của dân ta, đưa dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác Hồ chủ trương cho thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất thu hút mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú ý lôi kéo tầng lớp tư sản, địa chủ yêu nước và tiến bộ. Mặt trận Dân tộc thống nhất đã ký tuyên ngôn đoàn kết với Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội, ký thỏa hiệp với Việt Nam quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội về việc thành lập Chính phủ liên hiệp.
Vào những tháng đầu năm 1946, Bác Hồ lại yêu cầu vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt. Các trí thức cũ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhà tư sản theo đạo Thiên chúa Ngô Tử Hạ, thượng thư Bùi Bằng Đoàn, các ông: Phan Anh, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Văn Tố, các lãnh tụ Việt Nam quốc dân Đảng: Chu Phượng, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Vũ Hồng Khanh đều được Bác Hồ mời vào tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên Việt.
Lịch sử cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhận bài học quí báu mà Bác Hồ đã để lại cho các thế hệ con cháu mai sau là: Sáng suốt, nhân hòa, khoan dung qui tụ mọi thành phần, lực lượng trong cả nước kết thành sức mạnh dân tộc Việt không gì ngăn cản nổi.