Giữa những xô bồ của cuộc sống, những tất bật lo toan cơm áo, đọc được thông tin về việc học sinh nhặt được tài sản đánh rơi, tìm mọi cách trả lại cho người bị mất, ai nghe cũng thấy ấm lòng.
Số tiền các em nhặt được không hề nhỏ, ở những vùng nông thôn nghèo khó thì đó là tài sản của cả một đời người. Nhưng những đứa trẻ ấy đã tìm mọi cách để trả lại cho người mất. Đơn cử như trường hợp em Nguyễn Bình Minh (lớp 7A, Trường THCS Đông Tân, TP Thanh Hóa) nhặt được chiếc túi xách bên trong có hơn 70 triệu đồng, điện thoại di động, nhiều giấy tờ tùy thân. Sau đó, Minh đem trả lại cho chủ nhân số tài sản này. Rồi trường hợp của hai học sinh tại Hà Nội- Đỗ Hồng Ngọc, Trần Thị Minh Thư, học lớp 6A3 Trường THCS Gia Thụy, quận Long Biên trên đường đến trường học đã phát hiện và nhặt được một chiếc ví với nhiều giấy tờ, tiền mặt (20 triệu đồng) bên trong. Hai em đã mang chiếc ví đến Công an phường Gia Thụy giao nộp. Kịp thời ghi nhận hành động đẹp, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất của hai em, Trường THCS Gia Thụy (quận Long Biên, Hà Nội), Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đã tặng giấy khen, biểu dương việc làm tốt của các em. Hay mới đây nhất, học sinh Trịnh Đình Hải Duy -Trường THCS Phan Huy Chú (Thạch Hà- Hà Tĩnh) đã được nhà trường và địa phương tặng giấy khen vì khi nhặt được ví, thấy bên trong có nhiều tiền (hơn 18 triệu đồng) cùng giấy tờ, Duy đã cùng mẹ đến chính quyền địa phương nhờ tìm người làm rơi để trả lại.
Nhiều lời khen ngợi, ngưỡng mộ từ bạn bè, người thân, thày cô giáo đã dành cho các em… Việc làm tốt của những học sinh nhỏ tuổi đã và đang góp phần nhân lên lòng tốt, cái tốt trong cuộc sống hôm nay.
Thật mừng là trong quy định mới về đánh giá học sinh (tiểu học) tới đây, phẩm chất và năng lực của người học sẽ được đề cao (mà không phụ thuộc vào nội dung kiến thức trong SGK). Do vậy, kiến thức trong SGK chỉ là tài liệu dạy học để hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh.
Theo phân tích từ các chuyên gia, để xây dựng đạo đức lối sống đẹp cho học sinh, ngành giáo dục cũng nên xem thời đại thay đổi gì để thay đổi theo; mục tiêu giáo dục đạo đức là không thay đổi mà phương pháp, cách làm phải thay đổi. Tại sao lại nói như vậy, bởi giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay đang bị xem nhẹ, khi nhiều học sinh được học đủ kiến thức cao siêu, tham dự và giành giải cao ở rất nhiều cuộc thi nhưng vẫn có hành động phản cảm trong đời thường.
Để lan tỏa yêu thương, lan tỏa ứng xử đẹp, yêu cầu đặt ra là dù ở môi trường nào: Gia đình - nhà trường hay xã hội, thì mỗi người lớn cũng cần là một tấm gương để giáo dục trẻ; Sợi dây liên kết “chân kiềng” nói trên trong việc giáo dục nề nếp, tác phong, ý thức cho trẻ em cần được siết lại. Có như vậy thì mục tiêu giáo dục toàn diện mới đạt hiệu quả.