Để vươn lên từ một tỉnh nghèo, Bình Dương đã có một chiến lược cực kỳ đúng đắn, đó là phát triển các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, có các chính sách thu hút hiệu quả lao động từ khắp các tỉnh, thành cả nước.
Đãi ngộ để thu hút lao động
Trong các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của mình, Bình Dương xác định con người là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, quyết định tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng nhằm hoàn thành quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Khi vừa tái lập tỉnh, dân số Bình Dương có 679 ngàn người, mật độ 252 người/km2. Để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh, thành khác đến định cư, làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Điểm nổi bật trong chính sách thu hút nguồn nhân lực của Bình Dương là luôn tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội như y tế, giáo dục, bảo hiểm… mà không có sự phân biệt giữa người dân trong tỉnh, có hộ khẩu với người nhập cư chưa có hộ khẩu. Sự hấp dẫn ấy đã thu hút từ 80 - 90% lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các KCN của tỉnh Bình Dương.
Theo Cục Thống kê Bình Dương, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh cả về số lượng và tỉ trọng, năm 2010 là hơn 1,3 triệu người, chiếm 76,4% dân số. Tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế chiếm tỉ lệ khá cao, năm 2000 là trên 83% và năm 2010 là 84%.
Ngoài ra, Bình Dương còn có nhiều biện pháp thu hút lao động phổ thông như xây dựng nhà ở cho công nhân miễn phí, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, bán nhà hoặc cho thuê đối với công nhân có thu nhập thấp, gửi thư ngỏ đến các tỉnh, thành để tuyển dụng lao động, khuyến khích thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề.
Về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm 1997 - 2010 tỉnh đã hình thành một đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý đa dạng, từ nhiều nguồn trong và ngoài nước đảm đương các nhiệm vụ trong yếu trong điều hành sản xuất, quản lý xã hội. Bình Dương còn tổ chức những chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, nghiên cứu phương thức quản lý tiên tiến, khoa học ở các nước phát triển. Hơn 100 doanh nghiệp xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
Trong phương hướng của Bình Dương đến năm 2030, tỉnh xác định tập trung phát triển ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường; tập trung thu hút vào các KCN, cụm công nghiệp được quy hoạch. Chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Đề cập đến vấn đề này, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, "Trong thời gian qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, trong đó có công tác thu hút và đào tạo nguồn nhân lực. Điều này tình hình kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của khu vực Đông Nam bộ và cả nước".
Ông Minh cho biết, thanh niên hiện chiếm 50% dân số toàn tỉnh Bình Dương nên công tác giáo dục bồi dưỡng, chăm lo cho thanh niên luôn được tỉnh Bình Dương quan tâm, tạo điều kiện để thanh niên phát huy hết khả năng của mình nhằm tạo nguồn lực cho xã hội, giúp thanh niên xác định đúng ước mơ, mục tiêu để khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo lao động có tay nghề, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.
Tạo môi trường đầu tư lành mạnh
Nhằm phát triển công nghiệp và các KCN ở vị trí xa TP HCM hơn, Bình Dương cần tìm kiếm một mô hình mới tổng thể, toàn diện, không chỉ giúp phát triển công nghiệp đơn lẻ, mà đồng thời phải phát triển được hệ thống dịch vụ, đô thị,… nhằm tạo ra một môi trường đáng sống cho nhà đầu tư, cho người lao động và cả những người dân xung quanh.
Xác định rõ các yếu tố đó, với cầu nối là Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, cộng với sự nhiệt tình năng động của lãnh đạo tỉnh thời kỳ này, Công ty liên doanh KCN Việt Nam - Singapore VSIP được hình thành giữa doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của Bình Dương và đối tác Singapore. Đây là một bước đi chiến lược với một đối tác uy tín, có kinh nghiệm triển khai các dự án ở quy mô quốc tế, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong công tác thu hút, xúc tiến đầu tư công nghiệp ở quy mô toàn cầu, đã giúp Bình Dương học hỏi về cách thức phát triển công nghiệp của Singapore, không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà còn cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống tiếp thị và xúc tiến đầu tư của tỉnh ra toàn cầu.
Tuy nhiên, việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để chuẩn hóa quá trình xây dựng và vận hành khu công nghiệp, cũng như xúc tiến thu hút đầu tư về Bình Dương là chưa đủ.
Bình Dương đã tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng mô hình Ban Quản lý các KCN đầu tiên trên cả nước. Mô hình này ngay lập tức phát huy được hiệu quả, tạo ra sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, giúp gây dựng một hình ảnh thân thiện của chính quyền trong mắt các nhà đầu tư.
Việc hình thành mô hình Ban Quản lý các KCN giúp đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động theo cơ chế “một cửa”; đảm bảo tính minh bạch, nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một chủ trương lớn của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC cho rằng, ở khuôn khổ một liên doanh sẽ không thể thực hiện hết tất cả các nhiệm vụ nêu trên, trong đó có bao hàm cả nhiệm vụ chính trị và hi sinh cho trách nhiệm xã hội. Nhận thức điều đó, những doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của Bình Dương đã học hỏi, đúc kết được những tinh túy trong mô hình phát triển công nghiệp của Singapore, từ đó bổ sung và tùy chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm tổng kết hóa một mô hình chuẩn phù hợp với Việt Nam để chia sẻ và nhân rộng ra cả nước.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đánh giá: “Gần 30 năm qua, việc phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư là một thành công giúp Bình Dương từ một tỉnh nghèo trở thành thủ phủ công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.