Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4 năm nay là “Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo”. Tại tỉnh Bình Định, một trong những nữ trí thức trẻ đang có nhiều cống hiến cho xã hội là TS Lê Thị Kim Nga. Năm 2017, TS Nga đã đoạt Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTECH với công trình nghiên cứu “Hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh Y tế - QNUPACS”.
TS Lê Thị Kim Nga (đứng giữa) trong một buổi họp với các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ.
Sinh năm 1978 ở miền biển Quảng Ngãi, sau khi tốt nghiệp đại học, Kim Nga công tác tại Trường ĐH Quy Nhơn. Sau đó, Kim Nga tiếp tục học cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành Khoa học máy tính. Năm 2014, sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, Kim Nga về giảng dạy tại khoa Công nghệ Thông tin và nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ thuộc Trường ĐH Quy Nhơn. Đây là nền tảng để nữ TS trẻ đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng phần mềm quản lý khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh tại BVĐK tỉnh Bình Định” từ năm 2014 - 2016. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao, nên ngay sau khi được nghiệm thu, TS Nga tiếp tục phát triển, nâng cấp thành hệ thống phần mềm quản lý QNUPACS và thu hút sự chú ý của nhiều bệnh viện trong nước.
TS Lê Thị Kim Nga cho biết: “Tôi quan niệm làm nghiên cứu khoa học là phải có những cống hiến thiết thực, mang lại lợi ích cho xã hội. Vì vậy, tôi mong muốn nghiên cứu các sản phẩm phục vụ ngành Y tế để có thể giúp được nhiều người bệnh, cũng như hỗ trợ các bác sỹ trong cuộc chiến chống lại bệnh tật”.
Hệ thống phần mềm QNUPACS đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản trong nghiệp vụ chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện. Hiện phần mềm này đã được chuyển giao cho BVĐK tỉnh Phú Yên, Trung tâm Y tế An Nhơn (Bình Định) và đang được một số bệnh viện tuyến tỉnh khác tìm hiểu để áp dụng.
Không dừng lại ở thành công này, TS Lê Thị Kim Nga đang tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyên sâu hơn, không chỉ quản lý, lưu trữ mà còn có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường trong các hình ảnh y tế. “Mong muốn của tôi là xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, nơi mà các bác sỹ có thể làm việc trên mạng, tìm hiểu và phát hiện các dấu hiệu bệnh tật qua phim chụp của bệnh nhân, kể cả khi không có mặt tại bệnh viện. Nếu có đủ nguồn lực, tôi tin rằng mình và các cộng sự có thể phát triển mô hình này, tiệm cận với công nghệ hiện đại của các nước phát triển trên thế giới”- TS Nga chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Hà- Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định, đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng phần mềm quản lý khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh tại BVĐK tỉnh Bình Định” của TS Lê Thị Kim Nga là một trong những đề tài thành công, có tính thực tiễn cao. Ngay sau khi được nghiệm thu, sản phẩm của đề tài là phần mềm quản lý QNUPACS đã được chuyển giao cho BVĐK tỉnh Phú Yên dưới dạng thương mại hóa.
Với mong muốn cống hiến, giúp đỡ nhiều hơn cho các bệnh nhân nghèo, bệnh nhân vùng sâu, vùng xa, TS Lê Thị Kim Nga dự định sẽ cung cấp phần mềm miễn phí cho các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện trên toàn tỉnh Bình Định. Phần mềm sẽ giúp các bệnh viện tuyến dưới có thể kết nối, chuyển hồ sơ, hình ảnh cho các bác sĩ tuyến tỉnh trong trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, từ năm 2018-2020, TS Nga cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ (Trường ĐH Quy Nhơn) tiếp tục nghiên cứu đề tài khoa học “Xây dựng mô hình Gan, xác định thể tích và phát hiện bất thường của vùng Gan theo chỉ định dựa trên hình ảnh y tế CT, MRI ổ bụng”.