Văn Yên - vùng đất Tây Bắc có vựa quế nổi tiếng của cả nước, nơi hội tụ của 12 dân tộc anh em chung sống, có thị trấn Mậu A và đền Mẫu Thượng ngàn đẹp như tranh vẽ, đang mạnh dạn khoe sắc với diện mạo kinh tế xã hội, giàu sắc màu văn hóa như một điểm sáng phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh Yên Bái.
Nằm cách Hà Nội 200 km theo tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nhiều năm qua được cả nước biết đến với lễ hội đền Mẫu Thượng ngàn Đông Cuông nằm bên sông Hồng. Vùng đất từ đói nghèo, địa hình chia cắt, dân trí nhiều hạn chế giữa núi rừng Tây Bắc, giờ đã tự khẳng định vị thế một huyện khá có sức phát triển toàn diện, người dân phấn khởi đồng thuận, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền, và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc.
Có thể thấy một Văn Yên ngày nay, với đặc thù chung của một huyện miền núi, vẫn đạt những thành quả ấn tượng trong bối cảnh một năm cả nước đang gồng mình chống chọi dịch bệnh: duy trì được tốc độ tăng trưởng khá với thế trận tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là các loại hình thương mại, dịch vụ và du lịch, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38,5 triệu đồng – con số mà không phải huyện miền núi nào cũng đạt được.
Đột phá với nông lâm nghiệp (đạt giá trị 2.200 tỷ đồng, trong đó riêng quế 700 tỷ đồng và sắn 200 tỷ đồng), đây là huyện có nhiều mô hình sản xuất giá trị cao như nuôi lợn, rau củ quả Vietgap, trồng măng tre, chăn nuôi trâu bán công nghiệp nổi tiếng ở miền Bắc. Nhiều hộ gia đình ở địa phương này đã có mức thu nhập 200 triệu đồng/năm, trong đó có gia đình thu tới hàng tỷ đồng từ cây quế.
Chỉ trong 5 năm qua Văn Yên có tới 26 dự án đầu tư với tổng vốn trên 5.000 tỷ đồng, và hiện nay đã có 209 doanh nghiệp (tăng gấp gần 2 lần so với năm 2015), 79 hợp tác xã, 462 tổ hợp tác và trên 2.700 hộ kinh doanh cá thể. Tổng thu ngân sách dự kiến đạt 225 tỷ đồng năm nay, Văn Yên đang hoàn toàn tựu tin trở thành huyện nông thôn mới sau dăm năm nữa.
Một trong những giải pháp đột phá, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ huyện Văn Yên có thể thấy rõ nét những năm qua: người dân góp sức bằng hiến công, hiến đất xây dựng hạ tầng giao thông đến 46% nguồn lực trong tổng số gần 1.500 tỷ đồng.
Chỉ dăm năm đã huy động tổng vốn xây dựng hơn 9.000 tỷ đồng, thuận lợi giao thông khác biệt so với 10 năm trước, nay đất quế Văn Yên đã có 3 cụm công nghiệp thu 48 doanh nghiệp vào đầu tư, nay toàn huyện có 761 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó trên 80% là cơ sở chế biến nông, lâm sản. Riêng đối với sản phẩm quế, đã sản xuất ðýợc hõn 50 sản phẩm các loại, ðáp ứng chất lượng quốc tế. Đến nay, sản phẩm hàng hóa của huyện đã được xuất khẩu đến 13 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị ước đạt 2,4 triệu USD.
Một nhan sắc đẹp sơn cước Văn Yên lấy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản, khai thác các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành điểm nhấn của tỉnh, nhất là du lịch tâm linh gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn, Lễ hội Quế Văn Yên, Tết rừng Nà Hẩu, Lễ cấp sắc người Dao... đang góp phần đưa huyện Văn Yên trở thành điểm đến hấp dẫn đối du khách.