Thời gian gần đây, nghi vấn nhiều người bị lây nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm tại huyện Tân Sơn, Phú Thọ đã gây xôn xao dư luận. Các chuyên gia y tế cho rằng, việc lây truyền HIV qua kim tiêm cho hàng loạt người rất khó xảy ra.
Không phải tất cả mũi tiêm đều có thể lây nhiễm bệnh
Thông tin về việc hàng chục người dân ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn bất ngờ phát hiện mình bị nhiễm HIV đã khiến dư luận xôn xao. Nhiều người dân cho rằng, việc lây truyền có thể là do họ cùng khám bệnh tại một phòng khám tư và được tiêm cùng một bơm kim tiêm dẫn đến lây lan bệnh HIV. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc lây truyền bệnh HIV không thể đơn giản như vậy, nhất là đối với những bệnh nhân bị HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
PGS.TS Đỗ Duy Cường-Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Xác xuất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây truyền bệnh. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường, còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được. Do đó, thông tin về y sĩ dùng chung một kim tiêm để tiêm cho người dân trong nhiều tuần, nhiều tháng liền khiến lây truyền HIV là hoàn toàn không có khoa học”.
PGS Cường phân tích, hiện nay HIV có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau. Bên cạnh việc lây truyền HIV qua quan hệ tình dục không an toàn, lây từ mẹ sang con, thì căn bệnh này có thể lây truyền qua đường máu, trong đó, dùng chung bơm kim tiêm là con đường lây truyền thường gặp. Việc dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy; dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu; các dụng cụ xăm lông mày; lưỡi dao cạo râu,… đều có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Cũng có thể lây truyền HIV qua các tiếp xúc trực tiếp với máu khác như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da bị xây xát.
Theo PGS Cường, lây truyền HIV qua con đường tiêm chích ma túy là hình thái lây truyền chủ yếu trong đại dịch HIV/AIDS cách đây 10 năm, ước tính có đến 80-90% lây truyền qua bơm kim tiêm ở những người sử dụng ma túy. Họ dùng 1 bơm kim tiêm duy nhất để lấy thuốc và chích cho nhau tại cùng trong 1 thời điểm nên virus HIV sẽ lây trực tiếp qua cho người khác.
Trong thực tế hiện nay, bơm kim tiêm là loại sử dụng một lần, sau khi sử dụng sẽ được xử lý theo quy trình xử lý vật sắc nhọn của Bộ Y tế. Bơm kim tiêm cũng là vật dụng khá phổ biến, rất sẵn trên thị trường và giá thành cũng rẻ. Do đó, việc lây truyền HIV qua dùng chung bơm kim tiêm là rất khó, việc lây đồng loạt cho nhiều người lại là điều càng khó xảy ra.
Xử trí đúng cách khi nghi lây nhiễm HIV
Theo ông Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Khi chẳng may bị vật sắc nhọn, bơm kim tiêm có nghi ngờ phơi nhiễm HIV chích vào cơ thể, người dân cần hết sức bình tĩnh, xử lý vết thương tại chỗ. Nếu tổn thương da chảy máu thì cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương.
Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% nhiều lần.
Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc, thầy thuốc tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần. “Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo điều trị sau phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt. Tối ưu nhất trong vòng 6 giờ đầu và không quá 72 giờ sau phơi nhiễm”- TS Cảnh nói.
Đề cập đến hiệu quả của thuốc ARV, ông Cảnh cho biết, thuốc ARV sẽ giúp giảm tải lượng virus HIV trong máu và có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho vợ hay bạn tình qua quan hệ tình dục. Hiện nay, việc điều trị ARV rất đơn giản. Thuốc ARV được cấp miễn phí tại bệnh viện huyện hoặc trạm y tế xã. Người nhiễm HIV có thể lĩnh thuốc hàng tháng về uống tại nhà; khi ổn định có thể 3 tháng đến cơ sở y tế lĩnh thuốc một lần.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng không đáng sợ nếu có hiểu biết đúng về bệnh này. Lây nhiễm HIV hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các biện pháp dự phòng, như tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, sử dụng bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (như Methadone)… Khi không may bị nhiễm HIV thì phải tham gia điều trị ARV ngay để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng.