Số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 444,49 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 874,57 triệu USD, tăng 20% về lượng và tăng 46,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Nga là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 66,07 nghìn tấn, trị giá 142,93 triệu USD, tăng tới 267,9% về lượng và tăng 246,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu tăng mạnh thì đầu ra của ngành chăn nuôi như thịt lợn, gia cầm lại gặp nhiều khó khăn, giá giảm mạnh. Cuối tháng 8/2021, giá lợn sống trên toàn quốc giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với tháng 7/2021, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019. Bên cạnh đó, các loại thịt gia cầm cũng có xu hướng giảm mạnh, như thịt gà công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000 - 28.000 đồng/kg, giảm gần 20% so với tháng 7/2021.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), có tình trạng như trên là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến các chuỗi cung ứng phân phối sản phẩm đầu ra bị gián đoạn, các chợ, các cửa hàng thực phẩm đóng cửa… vì thế các siêu thị lớn, nhỏ, cửa hàng tiện lợi đã có dịp tiêu thụ hết các thịt đông lạnh nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của người dân.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, thực tế lượng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 4 - 4,8% tổng lượng thịt cả nước nên không đáng lo ngại. Sức mua giảm, nguồn cung dư thừa, cùng với việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do vận chuyển khó khăn nên khả năng thời gian tới nhu cầu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt sẽ giảm.
Thực tế cho thấy, trong tháng 7/2021, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn đang có xu hướng tăng chậm lại so với các tháng trước do nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung trong nước tăng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành chăn nuôi cần xây dựng kịch bản để đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ giờ đến cuối năm, tránh để mất cân đối cung – cầu thực phẩm. Nếu không đề ra kế hoạch sớm, đảm bảo nguồn cung và giá thịt lợn, rổ hàng hóa CPI sẽ bị ảnh hưởng.