Nhập viện vì nắng nóng

Giang Hương 30/05/2016 10:20

Những ngày qua tại Hà Nội và một số tỉnh, thành nắng nóng gay gắt đã khiến số người nhập viện tăng cao, nhất là người già và trẻ em. Ngoài các bệnh phổ biến như viêm đường hô hấp, tiêu hóa, mẩn ngứa…đáng lo ngại, tại nhiều bệnh viện, đã xuất hiện các bệnh nhi bị viêm màng não, màng não do mô cầu.

Số trẻ nhập viện trong những ngày nắng nóng tăng mạnh.

Nhiều bệnh viện quá tải

Trong những ngày qua, mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình), tiếp nhận từ 700 bệnh nhân, trong đó phần lớn tập trung vào những người cao tuổi mắc các chứng bệnh mãn tính, huyết áp, tim mạch và trẻ em chủ yếu mắc bệnh hô hấp và tiêu hóa.

Nằm điều trị tại khoa Tim Mạch – Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, bác Hải cho biết, không chỉ mùa lạnh mới phải lo bệnh huyết áp mà mùa nắng nóng này cũng rất đáng ngại. Mấy ngày nay thời tiết nắng quá bệnh tim mạch của tôi lại tái phát. Chỉ đi được vài bước là tôi thở dốc, tim đập nhanh, miệng đắng chẳng ăn uống được gì. Nằm điều trị ở đây mấy hôm sức khỏe mới đang dần hồi phục.

Còn tại Khoa Nội tim mạch và Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai) cũng quá tải khi mỗi ngày có 60 - 65 bệnh nhân tới điều trị. Hiện tại, Khoa phải tăng giường bệnh từ 55 lên 70 giường để tránh nằm ghép, những bệnh nhân ổn định sức khỏe được xuất viện để thu xếp chỗ điều trị cho bệnh nhân khác.

Còn tại bệnh viện Lão khoa Trung ương, mặc dù số bệnh nhân tăng nhưng không đột biến. Tuy nhiên, với đa phần triệu chứng của các bệnh nhân đến khám đều liên quan đến những bệnh huyết áp, tim mạch nên các bác sĩ lưu ý, mùa hè nắng nóng khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, bị mất nước và chất điện giải, người già nếu không bù đủ nước tim sẽ đập nhanh, huyết áp giảm vì lúc này khối lượng tuần hoàn máu giảm, đặc biệt là những người có tiền sử huyết áp thấp, dễ ngất xỉu. Còn người bị huyết áp cao quá thì dẫn đến vỡ mạch máu, đột quỵ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời vào những ngày nắng nóng. Người lớn tuổi phải đặc biệt theo dõi huyết áp thường xuyên, nhất là phải uống nước đầy đủ, tránh để mất nước, gây rối loạn điện giải, tụt huyết áp, làm những bệnh tiềm ẩn (huyết áp, rối loạn tim mạch) thêm nặng và dễ tử vong.

Những người chăm sóc người cao tuổi cần lưu ý là người già thường ít có cảm giác khát nước dù cơ thể thiếu nước, vì vậy, cần cho họ uống nước thường xuyên. Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính càng phải tuân thủ điều trị, uống thuốc theo chỉ định.

Theo bác sĩ Trần Viết Lực - BV Lão khoa Trung ương thì, bệnh tai biến mạch máu não có thể dự phòng được nhưng hiện nay vấn đề này chưa được nhiều người cao tuổi quan tâm như không uống thuốc hoặc uống thuốc không đầy đủ, nhất là ở nông thôn. Vì thế, nhiều bệnh nhân chỉ khi mệt, đau đầu vì huyết áp tăng mới uống thuốc, thậm chí, nhiều trường hợp đã bị tai biến mới uống thuốc. Có không ít người đã tử vong vì huyết áp đã tăng vọt, không kiểm soát được.

Lo ngại bệnh viêm màng não

Thời tiết nắng nóng thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm nên rất dễ ốm. Hiện mỗi ngày Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 2.500-3.000 bệnh nhi với các triệu chứng như sốt cao, nôn trớ, ho kéo dài, tiêu chảy. Còn tại Bệnh viện sản nhi Nghệ An trung bình mỗi ngày có khoảng 1.100 bệnh nhân đến khám bệnh, nhiều gấp 3 lần so với ngày thường.

Đa số các trẻ đến khám đều mắc các bệnh về tiêu hóa, tiêu chảy, chân tay miệng. Số bệnh nhân được điều trị nội trú đã lên tới hơn 1.000 bệnh nhân trong khi bệnh viện chỉ có 600 giường, bệnh viện đã phải kê thêm hơn 400 giường ở hành lang các khoa trong bệnh viện để phục vụ người bệnh

Đáng lo ngại, ngoài một số bệnh thông thường như sốt, viêm họng, tiêu chảy, chân tay miệng…thì tại một số bệnh viện đã xuất hiện các bệnh nhi bị viêm màng não, màng não do mô cầu. Trong đó, ngày cao điểm Khoa Nhi của BV Bạch Mai tiếp nhận tới 10 trẻ bị bệnh. Đặc biệt, đã có trẻ tử vong do viêm màng não mà tuyến dưới chẩn đoán bệnh không chính xác, nên khi phát hiện thì đã quá muộn.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây tổn thương não với tỉ lệ tử vong khoảng 50% nếu không được điều trị. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bởi vậy các bậc phụ huynh lưu ý, khi trẻ bỗng sốt, quấy khóc cần theo dõi cẩn thận, tốt nhất là đưa ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nhất là trong trường hợp bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, nhạy cảm với ánh sáng, mệt mỏi, có thể có đau họng, xuất hiện chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Thời gian ủ bệnh trung bình 4 ngày, nhưng có thể 2 - 10 ngày, bệnh viêm màng não mô cầu có khả năng tử vong cao, do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân: Cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Các bác sỹ cảnh báo trong 3 tháng 6,7,8 là những tháng cao điểm của dịch bệnh viêm màng não ở cả trẻ em và người lớn.Theo các chuyên gia y tế dự phòng, một số loại viêm não hiện nay đã có vắcxin phòng bệnh như: não mô cầu, não Nhật Bản B. Do vậy tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Bên cạnh đó, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ môi trường, nhà ở, rửa tay bằng xà phòng, tránh các dịch tiết bắn vào trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhập viện vì nắng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO