Tại thời điểm cuối tháng 10/2022, tỷ lệ lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản đã tăng lên 3%, mức cao nhất trong 8 năm qua, kể từ tháng 9/2014. Con số này đã vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tháng thứ 6 liên tiếp, khi giá trị đồng Yen so với đồng đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm.
Dữ liệu lạm phát làm nổi bật tình thế "tiến thoái lưỡng nan" mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang phải đối mặt khi cố gắng củng cố nền kinh tế suy yếu bằng cách duy trì lãi suất cực thấp. Chính điều này đã thúc đẩy đồng Yen trượt giá một cách không mong muốn.
Áp lực giá ngày càng tăng ở Nhật Bản và đồng Yen giảm xuống dưới mức 150 Yen/USD, tính chung cho tháng 10. "Việc tăng giá cả hàng tiêu dùng chủ yếu là do chi phí nhập khẩu tăng chứ không phải do nhu cầu tăng”- Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin nói.
Giới chuyên gia tài chính cho rằng, Chính phủ sẽ sớm phải điều chỉnh tỷ lệ lạm phát theo hướng tăng và cũng phải “thả nổi” tỷ giá đồng Yen so với đồng đô la Mỹ. Đồng thời Chính phủ cũng cần sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp vượt qua tác động của việc tăng giá thực phẩm và nhu yếu phẩm, từ đó bảo vệ hoạt động tiêu dùng cá nhân - một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Theo một báo cáo phân tích vừa được Công ty nghiên cứu Mizuho Research & Technologies công bố, sức chịu đựng của các hộ gia đình Nhật Bản đã giảm rõ rệt từ nửa cuối năm tài chính 2021 khi giá dầu bắt đầu tăng. Cùng với đó là xu hướng cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống và đồ gia dụng.
Nhiều khảo sát cho thấy, lạm phát cao sẽ khiến trung bình chi tiêu của các hộ gia đình tại Nhật Bản tăng khoảng 50.000 Yen (khoảng 380 USD) trong năm 2022, tức là gánh nặng chi tiêu tăng thêm, trong khi đó tốc độ tăng lương vẫn rất chậm. Ông Kuroda - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn cho rằng việc “thắt lưng buộc bụng” là cần thiết và điều đó cũng sẽ không kéo quá dài.
Kể từ ngày 10/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện gói biện pháp mới để giảm bớt tác động của lạm phát tới các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước.Theo đó, Chính phủ sẽ chi khoảng 900 tỷ Yen (6,3 tỷ USD) để thực hiện chương trình trợ cấp trực tiếp, các hộ gia đình có thu nhập thấp được miễn thuế cư trú được hỗ trợ 50.000 Yen/hộ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng gia hạn chương trình trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu thêm 3 tháng cho tới cuối năm nay nhằm duy trì ổn định giá nhiên liệu trong nước.
Trong bối cảnh lạm phát mang tính toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU), thì lạm phát gia tăng tại Nhật Bản có lẽ cũng là tất nhiên. Tuy nhiên, nó lại trở thành vấn đề khi ngược thời gian, trở về thời điểm đầu năm nay, giới quan sát tài chính quốc tế đã cho rằng “Nhật Bản là một ngoại lệ”. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và hầu hết các ngân hàng trung ương chuyển hướng chính sách sang ngăn chặn lạm phát, thì Nhật Bản vẫn “bình chân như vại”. Đáng chú ý, cho tới tháng 3/2022, chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật Bản vẫn ổn định ở mức thấp.
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi kể từ đầu quý 2/2022 khi giá cả nhiều mặt hàng bắt đầu leo thang. Giá hàng tiêu dùng tăng làm đau đầu các bà nội trợ Nhật Bản. Kể từ tháng 7, một số chuỗi nhà hàng nổi tiếng bắt đầu thay đổi thực đơn để phục vụ khách hàng eo hẹp về tài chính. Yoshinoya, Sukiya, và Matsuya đều tăng giá cơm bò gyu-don, chủ yếu do giá thịt bò tăng. Bù lại, họ bắt đầu phục vụ các món gà có giá rẻ hơn.
Tại các tiệm tạp hóa, người tiêu dùng cũng gặp cú sốc giá. Theo một khảo sát của Công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank, các hãng chế biến thực phẩm đã buộc phải tăng giá ở hầu hết các sản phẩm. Giám đốc marketing của nhà máy sản xuất kem nổi tiếng Akagi Nyugyo, ông Fumio Hagiwara, nói: “Chúng tôi phải tăng giá để sống sót”. Hoặc Công ty thực phẩm Yaokin tăng giá một loại hàng từ 12 Yen lên 14 Yen đã thông báo: “Chúng tôi cần có lợi nhuận để có thể tiếp tục đảm bảo sự sống còn của ngành công nghiệp snack”. Cũng cần biết rằng loại snack này bắt đầu được bán từ 42 năm trước.
Ở Nhật Bản, trong trường hợp buộc phải tăng giá, công ty sẽ gửi lời xin lỗi tới công chúng. Tuy nhiên, thói quen đó gần như đã biến mất vì tăng giá không còn là điều gì lạ lẫm. Vào tháng 12/2021, Ichiyoshi Soba, nhà hàng mì ở Tokyo đã treo biển thể hiện sự hối lỗi khi tăng thêm “chút đỉnh” đối với mọi đồ trong thực đơn. Nhưng tới nay, ông Kohei Yamamoto - chủ chuỗi nhà hàng Soba, chỉ giải thích một cách đơn giản là do chi phí đã tăng gần 20% nên đành phải đẩy thiệt hại sang khách hàng, dù không muốn.
Để đối phó với lạm phát, giảm thiểu tác động của giá cả tăng cao, từ ngày 12/8/2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết sẽ mở rộng hoạt động hỗ trợ. Cụ thể, các khoản hỗ trợ sẽ bao gồm trợ cấp nhằm giảm giá bán lẻ xăng dầu, hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng vì chi phí phân bón tăng cao và bình ổn giá các sản phẩm nông nghiệp. Gói ngân sách hỗ trợ là 48 tỷ USD. Thời gian qua, Nhật Bản đã phải chi các khoản chi lớn cho an sinh xã hội, cho phòng chống dịch Covid-19 và tiếp đó là chi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đối phó với lạm phát.