Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch giảm 30% số vụ tự tử trong 10 năm tới trong bối cảnh số người tự tử nhất là giới trẻ ở nước này đang ở mức cao đáng lo ngại. Tại nhiều địa phương của đất nước Mặt trời mọc, các tổ chức xã hội đã đi vận động từng gia đình tham gia cam kết chống lại trào lưu quyên sinh ở giới trẻ.
Khu rừng Aokigahara được coi là “khu rừng quyên sinh”.
1. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản mới công bố, hiện nước này ghi nhận tổng số có hơn 20.000 ca tự tử trong năm 2019, giảm 617 ca so với những năm trước đó. Đây được đánh giá là mức thấp nhất kể từ khi cảnh sát nước này bắt đầu tổng hợp số liệu tự tử trên toàn quốc từ năm 1978.
Tuy nhiên trung bình, cứ mỗi ngày ở Nhật lại có gần 70 người tự tìm đến cái chết, con số này đã gây chấn động vì cao hơn hẳn ở các nước phát triển khác trên thế giới.Theo nhận định của các cơ quan Chính phủ Nhật Bản, mặc dù số lượng các vụ tự tử nói chung đã suy giảm, tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đang phải chiến đấu với nạn tự tử ở những người trẻ tuổi.
Thống kê trong năm 2017 cho thấy, có 2,6% số người tự tử là thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Trong hai năm kế tiếp, con số này không những không giảm đi mà còn tăng lên. Cụ thế, năm 2018 là 2,8% (tăng 0,2%) và năm 2019 là 3.2% (659 trường hợp tự tử dưới 20 tuổi trên tổng số hơn 20.000 người).
Theo truyền thông Nhật Bản, nhiều địa điểm đã được giới trẻ chọn làm nơi quyên sinh tập thể. Aokigahara là một khu rừng dưới chân núi Phú Sĩ, nơi đây được mệnh danh là “khu rừng tự tử”, vì mỗi năm đều có rất nhiều người tìm đến đây kết liễu đời mình.
“Những người trẻ tuổi Nhật thường cảm thấy bất ổn trong các mối quan hệ, họ bị khủng hoảng sâu sắc và nhanh chóng hơn, họ cũng không có nhiều kinh nghiệm như những người lớn tuổi để vượt qua thời điểm đó”- ông Yukio Saito, cựu Chủ tịch Hiệp hội Phòng chống tự tử Nhật Bản, Giám đốc Điều hành của đường dây nóng tư vấn qua điện thoại Inochi-no-Denwwa phân tích.
2. Tình trạng tự tử ở giới trẻ nói riêng ở mức cao khiến Chính phủ Nhật Bản buộc phải coi đó là “vấn nạn quốc gia” và tìm mọi biện pháp để đẩy lùi. Mục tiêu của chính quyền Tokyo trong kế hoạch có tên “Các giải pháp tổng thể chống tự tử” công bố vào giữa năm 2017 là giảm tỉ lệ tự tử ở mức 18,5/100.000 người xuống còn 13 người vào năm 2025, tương đương với tỉ lệ tại Mỹ (13,4%) và Đức. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe sẽ nỗ lực giảm số người tự tử xuống dưới 16.000 người vào năm 2025.
Nhằm giải quyết tỉ lệ tự tử cao trong thanh niên độ tuổi 20, Nhật Bản cũng đang thúc đẩy các nỗ lực giáo dục nhằm hướng dẫn các sinh viên cách thức tìm kiếm sự giúp đỡ tại trường học. Đồng thời tập trung giám sát những trường hợp thể hiện sự tuyệt vọng trên mạng xã hội và xây dựng các mối quan hệ giữa con người tốt hơn.
Nhiều ga đường sắt tại Nhật Bản đã lắp đặt đèn chiếu sáng và kính màu xanh lam ở sân ga, nơi thường xảy ra các vụ tự tử. Ánh sáng màu xanh được thiết kế có hiệu ứng nhẹ nhàng sẽ phản chiếu hình ảnh trên các tấm kính nhằm mục đích nhắc nhở giá trị bản thân cho bất kỳ ai có ý định tự tử.
3. Năm 2016, các vùng của Nhật Bản bắt đầu tự phát triển kế hoạch riêng nhằm kiểm soát nạn tự tử tại địa phương. Các công ty đã nới lỏng luật lệ cho nhân viên nghỉ phép, cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý. Nhật Bản cũng ban hành luật quy định về vấn đề tăng ca của các doanh nghiệp. Chính phủ thực hiện một số bài kiểm tra định kỳ hàng năm về tình trạng căng thẳng trong các công ty có trên 50 nhân viên trở lên.
Tỉnh Akita là khu vực đầu tiên ở Nhật Bản chi ngân sách ngăn vấn nạn tự tử. Tuy chỉ có dân số vào khoảng 981.000 người, Akita hiện trở thành một trong những tỉnh có mạng lưới hỗ trợ công dân lớn nhất tại Nhật Bản. Tại đây, có một mạng lưới gồm những cá nhân được gọi là người “gác cổng”, những cá nhân được đào tạo chuyên để xác định những người có ý định tự tử và nếu cần thiết có thể can thiệp để hỗ trợ.
Chính vì điều này, tỷ lệ tự tử ở Akita đã giảm từ mức kỷ lục từ 44,6 năm 2003 (tính trên 100.000 người) xuống 20,7 năm 2018, theo dữ liệu sơ bộ. “Mấu chốt vẫn là chính bạn! Nếu bạn muốn tiếp tục cuộc sống và vượt qua khó khăn thay vì tìm đến cái chết” - chuyên gia tâm lý Rokymodo của mạng lưới chống tự tử Nhật Bản nói.