Nhất trí sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09

Việt Thắng 13/12/2022 11:57

Pháp lệnh 09 đã bộc lộ nhiều quy định bất cập, hạn chế như: thiếu một số quy định có tính chất thân thiện để giải quyết các vụ việc đối với người chưa thành niên.

Ngày 13/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tham dự phiên họp có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBT Ư MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu.

Ngày 20/1/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09). Tuy nhiên sau hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, theo Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh số 09 còn một số hạn chế và bất cập như: thiếu các quy định đặc thù đối với người chưa thành niên về Thẩm phán được phân công phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên; về nguyên tắc bảo đảm tiến hành nhanh chóng, kịp thời, thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên.

Từ đó ông Tiến cho biết, những hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 09 cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Pháp lệnh. Việc sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội và bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em.

Thẩm tra vấn đề trên, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, Pháp lệnh 09 đã bộc lộ nhiều quy định bất cập, hạn chế như: thiếu một số quy định có tính chất thân thiện để giải quyết các vụ việc đối với người chưa thành niên. Do đó, nhiều quy định của Pháp lệnh 09 không còn phù hợp, cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (khoản 4 Điều 2), cơ quan chủ trì soạn thảo nêu hai loại ý kiến. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục kế thừa Pháp lệnh 09, quy định người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Toà án nhân dân tối cao nhất trí với đa số ý kiến và đã được thể hiện trong dự thảo Pháp lệnh.

Có ý kiến đề nghị bỏ quy định này bởi vì không phù hợp với điểm c khoản 2 Điều 21 của Luật Luật sư “Luật sư có nghĩa vụ tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu”. Luật sư chỉ tham gia tố tụng trong các vụ án mà không bao gồm các loại việc khác.

Bà Nga cho biết, Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với Toà án nhân dân tối cao và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án. Việc chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được Pháp lệnh 09 quy định và thi hành ổn định 8 năm qua không có vướng mắc. Nếu không quy định việc chỉ định luật sư thì quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể không được bảo vệ đầy đủ. Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định Luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Pháp lệnh 09, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Pháp lệnh 09 đã ban hành 8 năm, đến nay đã bộc lộ một số hạn chế. Ví như ngày 13/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó sửa đổi bổ sung nhiều quy định có liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đặc biệt, việc cho phép áp dụng biện pháp thay thế xử lý hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Bên cạnh đó, ngày 24/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có tính tương đồng với Pháp lệnh số 09. Trong khi đó, Pháp lệnh số 01 có nhiều quy định mới, tiến bộ mà Pháp lệnh số 09 hiện hành chưa có nên sửa đổi Pháp lệnh 09 là cần thiết và cần sửa đổi toàn diện.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09 là việc cần thiết. Bên cạnh đó, luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên là cần thiết và cần quan tâm, đặc biệt không chỉ dừng ở việc chỉ định luật sư mà cần rộng hơn để đáp ứng yêu cầu như các đối tượng khác cần thiết được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Với 100% ý kiến tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09, và giao cho Toà án nhân dân tối cao, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý gửi lại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhất trí sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO